Chủ động các phương án ứng phó sự cố tràn dầu

08:06, 17/06/2016
Tràn dầu là một trong những sự cố môi trường thường xảy ra trên các vùng ven biển, cửa sông, đặc biệt là đối với những nơi cơ sở hạ tầng hàng hải còn lạc hậu. Gần đây, sự cố tràn dầu (SCTD) xảy ra ngày càng gia tăng, gây hại đối với môi trường, xã hội và kinh tế biển ngày càng lớn. Các cơ quan chuyên môn đã đánh giá vùng bờ biển của tỉnh là khu vực có nguy cơ xảy ra SCTD do tập trung nhiều ngành kinh tế quan trọng như công nghiệp, GTVT, cảng biển... Bên cạnh đó, do vùng biển rộng, hệ thống sông phức tạp trong khi nhân lực, phương tiện, điều kiện phòng chống, ứng cứu sự cố môi trường của các ngành, địa phương còn thiếu và yếu gây khó khăn trong quản lý các hoạt động dịch vụ buôn bán và vận chuyển xăng dầu trên vùng biển của tỉnh. Hiệu quả phát hiện, phối hợp xử lý, ứng phó SCTD ven biển và ngoài khơi còn rất thấp do hạn chế về thông tin, ý thức về mối nguy hại do SCTD trong nhân dân còn chưa cao. Trước thực trạng này, tỉnh ta đã xác định việc tổ chức phòng tránh thảm họa môi trường và nâng cao năng lực trong việc ứng phó SCTD khi xảy ra tại khu vực các cảng biển, cảng sông là việc phải khẩn trương, chủ động thực hiện.
 
Cán bộ Cảng vụ Hàng hải Nam Định tuyên truyền cho thuyền viên nâng cao ý thức thực hiện các quy trình kỹ thuật ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.
Cán bộ Cảng vụ Hàng hải Nam Định tuyên truyền cho thuyền viên nâng cao ý thức thực hiện các quy trình kỹ thuật ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN và MT chủ trì xây dựng kế hoạch ứng phó SCTD quy mô toàn tỉnh nhằm dự kiến các nguy cơ, tình huống sự cố cùng các phương án ứng phó tương ứng, các chương trình huấn luyện, diễn tập để đảm bảo sự sẵn sàng các nguồn lực kịp thời ứng phó khi SCTD xảy ra trên thực tế. Để đạt hiệu quả cao trong lựa chọn phương án, trang thiết bị và phương tiện ứng phó đối với từng loại dầu tràn, ngành TN và MT đã xác định cụ thể 11 địa điểm có nguy cơ tạo nguồn xảy ra SCTD là: Nguy cơ xảy ra SCTD tại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Ninh Cơ, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ; khu neo đậu tàu thuyền kết hợp với bến cá cửa Hà Lạn; cảng biển Thịnh Long; cảng sông Nam Định, cảng Xăng dầu Nam Định và cảng trung chuyển dầu, khí Nam Định; cụm cảng Ninh Phúc mới đầu tư xây dựng đảm bảo công tác vận tải đường thủy các tuyến giao thông đường thủy Cửa Đáy - Ninh Bình, Ninh Bình - Hà Nội, Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng - Quảng Ninh, Ninh Bình - Thanh Hóa; cảng Tân Đệ; tại các tuyến luồng vận tải thủy trên sông Ninh Cơ, tuyến vận tải thủy qua kênh Quần Liêu, tuyến vận tải thủy qua sông Đào, tuyến vận tải thủy qua sông Hồng và tuyến vận tải thủy qua sông Đáy; các bãi neo đậu tàu, thuyền, các bến phà trên các sông Hồng, sông Đáy và sông Ninh Cơ; các cây xăng, các tuyến đường thủy nội đồng; các tuyến luồng hàng hải đi qua vịnh Bắc Bộ; tại các khu vực thăm dò, khai thác dầu khí thuộc vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Các khu vực có thể bị tác động, ảnh hưởng nếu có SCTD bao gồm: Khu vực ven biển có rừng ngập mặn, bãi triều lầy và khu nuôi trồng thủy sản tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, các xã Giao Thiện, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Hải (Giao Thủy); khu vực ngay sát cửa sông Sò; phía nam cửa sông Ninh Cơ, thuộc địa phận các xã Nghĩa Thắng, Nghĩa  Phúc, Nam Điền, Thị  trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); khu vực xã Hải Lộc (Hải Hậu); khu vực dân cư ven biển, rừng ngập mặn, bãi triều và các khu vực nuôi trồng thủy sản thuộc các xã ven biển tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Khu vực bãi cát mịn ven biển, có bãi tắm, bờ biển bị xói lở kéo dài từ xã Hải Đông đến Thị trấn Thịnh Long và đoạn bờ biển xã Nghĩa Phúc. Một số khu vực cửa sông, như Cảng Hàng hải Nam Định, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ, cảng cá Ninh Cơ. Các khu vực cửa sông Hồng và sông Đáy là khu vực bãi triều lầy, có rừng ngập mặn với hệ  sinh thái rất đa dạng, phong phú và các đầm nuôi thủy sản nên rất nhạy cảm với tác động của dầu tràn. Các khu vực bờ sông, bãi sông khác có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi SCTD do sự cố tàu, thuyền trên sông là khu vực bờ sông Hồng gần cảng Tân Đệ, bờ sông Ninh Cơ, bờ sông Đào và bờ sông Đáy. Để sẵn sàng chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời phù hợp đối với các cấp độ tràn dầu khác nhau, ngành TN và MT đã chủ động phân loại mức độ SCTD. Trong đó xác định các SCTD có thể xảy ra ở khu vực ven biển tỉnh chủ yếu liên quan tới tàu đánh bắt thủy, hải sản, tàu vận tải, chở hàng và dầu tràn chủ yếu là các loại dầu máy và dầu Diesel hoặc xăng quy mô cấp cơ sở. Do đó khu vực ven bờ tỉnh tập trung vào công tác ứng phó SCTD cấp cơ sở và cấp khu vực. Tuy nhiên, ngành TN và MT cũng xác định do khu vực biển tỉnh có các tuyến hàng hải nội địa và quốc tế đi qua, đặc biệt là trong tương lai sẽ có nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) nên có thể xảy ra SCTD ngoài khơi, khả năng ảnh hưởng tới vùng bờ Nam Định với cấp độ tràn dầu cấp quốc gia. Do đó để đạt hiệu quả cao nhất trong công tác ứng phó SCTD, tỉnh sẽ chủ động phối hợp với Trung tâm Ứng phó SCTD miền Bắc và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để phối hợp ứng phó.
 
Tỉnh cũng chủ động xây dựng phương án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ công tác huấn luyện, tổ chức xử lý các vụ tràn dầu; quy định trách nhiệm của các đơn vị liên quan, quy trình và lực lượng ứng phó; công tác bồi thường thiệt hại từ SCTD; huấn luyện, đào tạo các lực lượng khắc phục SCTD … Trong đó, tỉnh đã xác định tư tưởng chỉ đạo đây là công việc của toàn xã hội, khi có sự cố xảy ra sẽ huy động, điều động các phương tiện, trang thiết bị từ các đơn vị trong tỉnh như: BĐBP tỉnh; Bộ CHQS tỉnh; Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh) và huy động sự trợ giúp từ các nguồn lực bên ngoài tỉnh như: Trung tâm Ứng phó SCTD miền Bắc, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn… Có một thực tế là trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có đơn vị nào được trang bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác ứng phó SCTD, do đó để nâng cao năng lực và khả năng ứng phó SCTD, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan cần đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị. Tổng kinh phí dự kiến là 23 tỷ 245,6 triệu đồng, nguồn kinh phí đầu tư mua sắm được trích từ ngân sách địa phương hoặc các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh tự trang bị theo yêu cầu và khả năng của từng đơn vị. Dự kiến sau khi được đầu tư trang thiết bị phục vụ ứng phó SCTD, tỉnh sẽ giao cho một đơn vị chuyên trách chịu trách nhiệm quản lý, bảo dưỡng, duy tu thường xuyên phục vụ cho công tác vận hành trang thiết bị và huy động khi cần thiết. Công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức ứng phó với SCTD, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của ô nhiễm do tràn dầu nói riêng và ô nhiễm môi trường biển nói chung đang được tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động về khai thác, kinh doanh, vận chuyển, chuyển tải, sử dụng dầu, sản phẩm dầu gây ra hoặc có nguy cơ gây ra SCTD trên đất liền và vùng biển tỉnh phải tiến hành xây dựng kế hoạch ứng phó trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định để chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó kịp thời, nâng cao năng lực và hoàn thiện các phương án, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do thiệt hại SCTD gây ra./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com