Cần các biện pháp đồng bộ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản

08:06, 06/06/2016
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nói chung và sản phẩm thủy sản nói riêng đang là vấn đề bức thiết được cả xã hội quan tâm. Đặc biệt, trong Năm cao điểm ATVSTP 2016, Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông, lâm sản và thủy sản tích cực tham mưu và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đóng gói và dán nhãn mác sản phẩm sứa ăn liền tại Cty TNHH Vạn Hoa, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Đóng gói và dán nhãn mác sản phẩm sứa ăn liền tại Cty TNHH Vạn Hoa, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Cty TNHH Vạn Hoa, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) là một trong những cơ sở được chứng nhận đạt chất lượng về ATVSTP có thế mạnh về chế biến các sản phẩm từ sứa. Để có những sản phẩm sạch, an toàn cung ứng cho thị trường, các công đoạn đều được giám sát và thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt. Ngay từ việc chọn lựa, phân loại sứa phải chọn những con sứa chất lượng được thu mua trực tiếp của bà con ngư dân. Những con sứa tươi ngon, trắng hồng mang về được vệ sinh sạch sẽ bằng nước sạch, tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Nhờ việc luôn thực hiện đúng những quy trình đảm bảo VSATTP nên sản phẩm sứa của Cty được nhiều người tin tưởng và lựa chọn sử dụng nhiều tại các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Không những thế, sản phẩm sứa Vạn Hoa còn được đưa vào bày bán tại các siêu thị. Mỗi năm, Cty tiêu thụ khoảng 40-50 tấn sứa đã chế biến. Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc Cty TNHH Vạn Hoa cho biết: “Để có những sản phẩm chất lượng thơm ngon và đảm bảo ATVSTP, mỗi thành viên trong Cty chúng tôi luôn có ý thức bảo vệ thương hiệu, đề cao đạo đức, trách nhiệm của người chế biến món ăn thì các sản phẩm của Cty mới có thể có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa. Chúng tôi luôn đặt tiêu chí ATVSTP lên hàng đầu, không làm với mục đích đối phó”. Việc nâng cao ý thức về VSATTP giúp làm giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm cho sản phẩm trong quá trình sản xuất, tạo dựng được một mặt hàng tiện lợi, phù hợp, đảm bảo với thị hiếu của người tiêu dùng. Cty TNHH Chính Vui, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuyên thu mua các loại cá biển như cá nục, cá thu, cá mực… Cá biển được mua trực tiếp của ngư dân trên địa bàn. Mỗi năm Cty thu mua khoảng 200 tấn cá. Để đảm bảo ATVSTP, hệ thống thoát nước của Cty luôn bảo đảm xả được hết lưu lượng nước thải trong hoạt động thu mua hằng ngày, cống rãnh thoát nước không để đọng nước. Ngoài các Cty TNHH Vạn Hoa, Cty TNHH Chính Vui tỉnh ta còn nhiều các cơ sở khác đã được chứng nhận là cơ sở sản xuất, chế biến đảm bảo VSATTP như Cty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (TP Nam Định); Cty TNHH Hải sản Hùng Vương, xã Giao Hải (Giao Thủy); làng sản xuất nước mắm, mắm tôm Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng)… Về đội 1, làng Ngọc Lâm, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Thơ, là một trong những hộ sản xuất nước mắm, mắm tôm của làng được Chi cục QLCL nông, lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VSATTP. Hộ của ông Thơ đã có truyền thống làm nghề hơn 30 năm. Nhanh tay đảo mẻ mắm tôm sánh mịn, tím sậm, ông cho biết khâu lựa chọn, phân loại cá, moi, muối… là khâu quan trọng đầu tiên. Ngoài ra, dụng cụ đựng mắm được ông chọn mua từ những cơ sở có uy tín chứ không mua chai lọ phế phẩm. Những bể chứa nước mắm, mắm tôm được lát đá hoa và được đậy, che chắn cẩn thận. Sở NN và PTNT, Chi cục QLCL nông, lâm sản và thủy sản, các cơ quan chức năng tại các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng hàng hóa chuyên ngành thủy sản; thực hiện nghiêm túc việc chứng nhận xuất xứ sản phẩm thủy sản nuôi nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và phục vụ cho việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm đã có thương hiệu như Ngao sạch Giao Thủy, cá bống bớp Nghĩa Hưng… Các vùng nuôi cũng áp dụng quy chế vùng nuôi an toàn, xây dựng và triển khai chương trình nuôi có kiểm soát (nuôi theo GaqP, GMP, Global) đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá rô phi… Tăng cường giám sát chất lượng thủy sản sau thu hoạch; ngăn chặn, phát hiện việc sử dụng các chất bảo quản, thuốc kháng sinh, các chất độc hại. Bên cạnh đó, Chi cục cũng tập trung giám sát các cơ sở cung ứng chính cho các bếp ăn tập thể KCN, trường học và các vùng đăng ký sản xuất thủy sản an toàn; công tác tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường. Đối với các trường hợp vi phạm về ATVSTP trên địa bàn cũng được xử lý nghiêm ngặt. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng tự nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn. 
 
ATVSTP nói chung và thực phẩm thủy sản nói riêng có vai trò to lớn trong việc cải thiện sức khỏe và đời sống con người. Để đảm bảo ATVSTP thủy sản thì tất cả các điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn, không gây hại đến sức khỏe con người. Công tác đảm bảo ATVSTP thủy sản tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn như vẫn còn nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm thủy sản tại tỉnh ta theo quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình nên việc kiểm soát rất khó khăn; hạn chế về nguồn lực và đầu tư kinh phí thiết bị phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ trong kiểm tra, giám sát chất lượng thủy sản… Do vậy để việc đảm bảo VSATTP thủy sản có hiệu quả cao thì những biện pháp đồng bộ từ các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, người sản xuất đến người tiêu thụ là vô cùng quan trọng./.
 
Bài và ảnh: Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com