Lời kêu cứu của một dòng sông

09:05, 06/05/2016

Sông Vĩnh Giang chảy qua các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản và Thành phố Nam Định thời gian trở lại đây đang đối mặt với tình trạng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên: Nước thải công nghiệp từ một số khu, CCN đang xả thẳng ra sông; một bộ phận người dân thiếu ý thức xả rác bẩn xuống lòng sông; các đơn vị quản lý buông lỏng khâu quản lý, trách nhiệm trong việc nạo vét, bảo vệ lòng sông.

Ký ức… dòng sông xanh
 
Dòng Vĩnh Giang thơ mộng xưa đã từng đi vào thi ca thời Trần với những hình ảnh đẹp mê người. Đôi bờ sông Vĩnh, nơi thì “Liễu tốt tươi thướt tha rủ lá xuống mặt nước” khiến “thuyền con men liễu lướt khe đi”, nơi thì cam, quýt chín vàng khắp 2 bờ bãi. Ông Nguyễn Thanh Cảnh, xóm Đông, xã Đại An (Vụ Bản) cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở ngay bên cạnh bờ sông. Cách đây khoảng gần 20 năm, khi đó KCN Hòa Xá chưa hình thành, nước sông sạch vô cùng. Vào mùa hè, mỗi khi chúng tôi đi làm về đều có thể nhảy xuống sông tắm mát. Nước ở sông sạch đến nỗi người dân hai bên bờ đều gánh nước về dùng để tắm giặt, nấu cơm, rửa rau. Hai bờ sông khi đó xanh mướt những ruộng rau màu xanh tốt do được nước dòng sông tưới tắm mỗi ngày”. Tuy nhiên, dòng Vĩnh Giang trong xanh bây giờ hầu như chỉ còn trong… ký ức mà thôi. Để tìm hiểu về mức độ ô nhiễm của sông Vĩnh Giang, chúng tôi đã đi thực tế, chạy dọc nhiều đoạn sông “bẩn” đi qua địa phận Thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản. Chúng tôi bắt đầu tìm hiểu từ những cống nước xả thải từ KCN Hòa Xá đổ vào một số đoạn thuộc sông Vĩnh Giang như cống xóm Đoài, xã Mỹ Xá và cống sông Chua, thôn Mai Xá, Mỹ Xá (TP Nam Định). Theo đó, qua hệ thống cống này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những dòng nước thải khi thì đen kịt khi lại vàng xỉn, “bốc mùi” chảy từ KCN qua một số kênh dẫn, sông nhỏ “uốn lượn” quanh khu vực sinh sống của dân cư rồi đổ vào sông Vĩnh Giang. Theo quan sát bằng mắt thường tại những đoạn sông, kênh trên, nước đều chuyển thành đen, vàng hoặc xanh… như mực Cửu Long. Bà Phạm Thị Liên, xóm Đoài, xã Mỹ Xá (TP Nam Định) cho biết: “Hằng tuần, từ khoảng thứ 6 đến chủ nhật là KCN lại… tranh thủ xả thải. Từ các miệng cống đổ ra dòng nước đen đặc hoặc vàng, vàng nhạt. Với loại nước nào thì sông đều bốc lên mùi hôi thối; khó chịu nhất là vào những ngày hè oi nóng hay khi chuyển mùa. Người dân sống quanh khu vực này nhiều khi ngồi trong nhà mà còn không thể chịu nổi. Chúng tôi đang chịu sự “tra tấn” trực tiếp nặng nề của dòng sông”. Mặc dù, theo phản ánh của người dân, vào dịp cuối tuần KCN mới xả thải nhưng khi phóng viên đi thực tế vào ngày giữa tuần vẫn thấy tại một số cống, những dòng nước thải đen ngòm vẫn đang “miệt mài” xả. 
 
Thôn Đông, xã Đại An (Vụ Bản) từ lâu được coi như “rốn rác” của sông Vĩnh Giang. Thời gian trở lại đây, đoạn sông chảy qua xóm lúc nào cũng nổi lềnh bềnh nào túi ni lông, xác động, thực vật, vỏ chai nhựa… Lý do đoạn sông đi qua xóm trở thành bãi rác nổi là vì thời gian qua, Cty Thủy nông Mỹ Thành dùng phao chắn để ngăn rác tại đây. Do đó, tình trạng ứ đọng rác trên sông - đoạn qua thôn càng trở nên kinh khủng hơn. Vì thế, việc người dân thôn Đông chịu cảnh ô nhiễm không khí, nước… là không thể tránh khỏi. Chuyện rác trên sông bốc mùi đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” của thôn Đông. Ông Cảnh bức xúc: “Ở đây không chỉ có rác sinh hoạt, khó chịu nhất là khi có dịch bệnh xảy ra, lợn, gà chết; nhiều người sẵn thói quen “tiện” ném hết xuống lòng sông. Khúc sông, do đó vốn đã bẩn càng trở nên bẩn hơn bao giờ hết. Chúng tôi cũng không dám trồng cấy gì 2 bờ sông vì không biết lấy đâu ra nước sạch tưới cho cây. Hơn nữa với tình trạng xả thải ở KCN, sông Vĩnh Giang đoạn qua thôn cũng thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề”. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tháng 4, Cty Thủy nông Mỹ Thành đã cho dỡ phao chắn. Vì vậy tình trạng ứ đọng rác trên mặt sông qua thôn đã giảm đi đáng kể. 
Sông Vĩnh Giang đi qua địa phận thôn Đông, xã Đại An (Vụ Bản) ngập đầy rác.
Sông Vĩnh Giang đi qua địa phận thôn Đông, xã Đại An (Vụ Bản) ngập đầy rác.
Trách nhiệm thuộc về ai?
 
Càng gần sông càng “khát”(!). Câu nói này khá đúng với thực tế một số đoạn sông Vĩnh Giang chảy qua trên địa bàn tỉnh. Sông Vĩnh Giang lâu nay là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho một khu vực rộng lớn gồm nhiều xã của các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc và một phần ngoại thành Thành phố Nam Định. Nhưng qua quan sát bằng cảm quan có thể thấy nguồn nước này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vì sao sông không còn trong xanh? Sông bẩn trách nhiệm thuộc về ai? Và nguồn nước để phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống sản xuất, sức khỏe của hàng vạn hộ dân ven bờ? Nước thải từ KCN ra sông đã được xử lý hay chưa? Các cơ quan quản lý có những biện pháp gì để ngăn chặn, cải tạo tình trạng sông bẩn?... là những câu hỏi thường trực, chính đáng của người dân. Theo chúng tôi được biết, những bức xúc này thậm chí đã được đề cập rất nhiều trong những lần đoàn đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri huyện Vụ Bản. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng xả thải từ KCN ra dòng sông vẫn diễn ra hằng ngày. Rác trên một số mặt sông vẫn tiếp tục trôi nổi và chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm thu dọn, nạo vét, xử lý… Một cán bộ thôn An Đông cho chúng tôi biết: “Đoạn sông chảy qua thôn thuộc trách nhiệm quản lý của Cty Thủy nông Mỹ Thành. Nhưng 2 năm trở lại đây trước tình trạng mặt sông lúc nào cũng ứ rác, chúng tôi chưa thấy người từ Cty xuống dọn dẹp hoặc có những biện pháp để cải tạo, giảm bớt tình trạng ô nhiễm”.  
 
Mặt sông bẩn, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý, thực tế cho thấy vấn đề thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh nguồn nước của một bộ phận người dân nơi có dòng sông đi qua rất kém. Chính thói quen vứt rác bừa bãi của họ đang góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm cho sông. Một vấn đề người dân băn khoăn nữa, nước thải từ KCN Hòa Xá ra sông đã được xử lý hay chưa? Nếu đã được xử lý rồi tại sao vẫn bốc mùi hôi thối? Nên có quy định kiểm soát về vấn đề nước thải từ KCN ra sông ra sao? Các đơn vị liên quan nên có báo cáo công khai đánh giá về tác động của nước thải đến môi trường để người dân được yên tâm… Bởi việc nhiễm bẩn nguồn nước sông, cả về trước mắt và lâu dài đều dẫn đến nhiều mối nguy hại cho sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Tại xã Đại An, số lượng người phải đến khám bệnh và tỷ lệ một số loại bệnh liên quan đến sử dụng nước và ô nhiễm môi trường đang tăng lên một cách báo động. Đặc biệt, tỷ lệ người chết vì bệnh ung thư ngày một tăng cao. 4 năm trở lại đây, chỉ tính riêng thôn Đông đã có 47 người chết vì bệnh ung thư. Cá người dân trong thôn đánh bắt được khi chế biến đều không dám ăn. 2 bên bờ sông, các hộ gia đình ít trồng cấy các loại rau màu do thiếu nước tưới tiêu, sản xuất. Hộ gia đình nào có canh tác thì buộc phải sử dụng nguồn nước bẩn để tưới gây mất VSATTP… Không riêng gì Đại An mà một số xã của huyện Vụ Bản, Thành phố Nam Định có nhánh sông rẽ vào cũng phải chịu ảnh hưởng không nhỏ. Như vậy, thực tế cho thấy vẫn có hàng vạn người dân đang phải sinh hoạt bằng nguồn nước tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. 
 
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm của sông Vĩnh Giang rất mong các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan sớm đưa ra những giải pháp, biện pháp khắc phục hiệu quả nhằm trả lại sự “trong sạch” cho lòng sông, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, sức khỏe cho người dân. Hàng vạn người dân các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, một  bộ phận ngoại thành Thành phố Nam Định đều mong mỏi sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, ngành nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Liên quan đến hàng vạn dân, hàng nghìn ha đất nông nghiệp cần được tưới tiêu sạch, an toàn, vì thế, đây không còn là chuyện của một dòng sông./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com