Những sáng tạo hữu ích vì cuộc sống

08:03, 28/03/2016

Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn tỉnh hằng năm đã trở thành một hoạt động “kích cầu” nghiên cứu sáng tạo, khơi dậy tiềm năng và phát huy năng lực tư duy của thanh, thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh. Cuộc thi năm nay Ban tổ chức đã chọn được 19 giải pháp nổi bật trong tổng số 43 giải pháp tham gia để trao giải. Mỗi giải pháp đạt giải đều cho thấy mục tiêu nghiên cứu ứng dụng khoa học để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình học tập, lao động hằng ngày.

Nhóm tác giả Đinh Viết Thịnh, Nguyễn Minh Anh, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định) giới thiệu rô-bốt giám sát và xử lý thông tắc đường ống thoát nước.
Nhóm tác giả Đinh Viết Thịnh, Nguyễn Minh Anh, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định) giới thiệu rô-bốt giám sát và xử lý thông tắc đường ống thoát nước.

Công tác tổ chức, triển khai hội thi được thực hiện với nhiều đổi mới nhằm tạo thuận lợi nhất cho các em tham gia, bảo đảm sản phẩm dự thi được chuẩn bị tốt nhất. Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 43 giải pháp tham dự ở cả 5 lĩnh vực dự thi gồm: đồ dùng học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi trẻ em; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Nhiều giải pháp mang hàm lượng khoa học cao, thân thiện với môi trường và tiện ích như: Sử dụng vật liệu tái chế để điều chế hydro và oxy của tác giả Nguyễn Khánh Huyền và Cù Đức Nghĩa, Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên); Phần mềm “cỗ máy thời gian” giúp học tập môn lịch sử của tác giả Nguyễn Thị Duyên, Trường THPT Lương Thế Vinh (Vụ Bản); Nghiên cứu kỹ thuật nấu cao và hiệu quả kháng khuẩn, kháng nấm của cây trầu không của tác giả Bùi Yến Linh, Trường THPT Hải Hậu A… Trong đó giải pháp thiết kế rô-bốt giám sát và xử lý thông tắc đường ống thoát nước thải của nhóm tác giả Đinh Viết Thịnh, Nguyễn Minh Anh, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định) đã được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao về hiệu quả ứng dụng vào thực tiễn. Xuất phát từ việc chứng kiến những công nhân môi trường phải làm việc quá vất vả trong điều kiện độc hại mà hiệu quả công việc không cao trong khi hệ thống đường ống tiêu thoát nước thải của thành phố quá cũ và luôn trong tình trạng lắng đọng bùn rác khó khăn tiêu thoát nước khi mưa lớn gây ngập lụt, nhóm tác giả Minh Anh và Viết Thịnh đã nghiên cứu chế tạo rô-bốt giám sát và xử lý thông tắc đường ống thoát nước thải để đảm nhiệm toàn bộ công việc khó khăn này. Theo đó, rô-bốt được thiết kế gồm 3 bộ phận chính là thân khung; bộ phận di chuyển; ca-mê-ra giám sát và thiết bị làm sạch vật cản. Rô-bốt có gắn các thiết bị chụp ảnh phát hiện các vị trí bị tắc, kết nối với máy tính. Khi hoạt động bật nguồn cho rô-bốt đi vào ống cống và bắt đầu quan sát hình ảnh trên máy tính do rô-bốt thu thập được như vị trí gây tắc đường ống, hiện trạng chất lượng đường ống, thành phần gây tắc đường ống và khả năng xử lý đường ống… Qua quá trình thử nghiệm, ứng dụng vào thực tiễn, rô-bốt đã hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra là hoạt động ổn định trong môi trường ngập nước; di chuyển chắc chắn trong đường ống cả hình hộp và hình trụ; thu thập chính xác hiện trạng đường ống; xử lý chống tắc. Đặc biệt do có thiết kế đơn giản bằng những vật liệu dễ kiếm trên thị trường nên các tác giả có thể thiết kế rô-bốt với nhiều kích thước khác nhau phù hợp với nhu cầu sử dụng. Giải pháp này nếu được ứng dụng rộng rãi trong thực tế thì công việc nặng nhọc, nguy hiểm lâu nay của các công nhân môi trường sẽ được tự động hóa hoàn toàn. Giải pháp “Ứng dụng mạch điện tử điều khiển cho xe lăn” của tác giả Mai Văn Định và Lê Văn Đại, Trường THPT C Xuân Trường giúp người khuyết tật vận động có thể điều khiển xe lăn dễ dàng thông qua bảng mạch điện tử bảo đảm sự tương tác giữa người và xe. Xuất phát từ việc chứng kiến những người khuyết tật phải đi lại bằng xe lăn di chuyển khó khăn, thậm chí nhiều người không sử dụng được xe lăn bởi bị yếu cả chân lẫn tay nên không tự đẩy hoặc bấm nút điều khiển cho xe chạy, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng nguyên lý hoạt động của mạch điều khiển điện tử giữa mạch thu và mạch phát giúp cho xe chạy theo ý của người điều khiển. Theo đó tác giả đã gắn bộ phát sóng với điều khiển và thiết bị thu sóng trên động cơ xe. Điều đặc biệt sáng tạo là bộ phát sóng được thiết kế dưới dạng một chiếc vòng nhỏ đeo ở cổ tay để người điều khiển vẩy tay tạo tín hiệu cho bộ thu hoặc đeo ở cổ chân và trên trán vẫn có thể thu phát tín hiệu điều khiển xe lăn theo 5 tín hiệu: tiến, lùi, rẽ trái, rẽ phải, tăng tốc. Với giải pháp này, việc di chuyển không còn là vấn đề khó khăn đối với những người khuyết tật.

Đồng chí Phạm Văn Khôi, Phó Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ III đã tiếp tục phát huy được mục tiêu tạo ra môi trường sáng tạo để tuổi trẻ vận dụng những tri thức, kỹ năng đã được học, tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm, những giải pháp hữu ích, có hàm lượng trí tuệ cao, góp phần phục vụ sản xuất, đời sống, học tập. Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc thi ở những năm tiếp theo, ngoài sự nỗ lực của các em và các ngành, cơ quan hữu quan cần có sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp để thương mại hóa những giải pháp có khả năng ứng dụng cao tạo động lực cho các em tiếp tục phấn đấu nghiên cứu, sáng tạo./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com