Chuyện ghi ở làng kèn tây "khổng lồ"

09:04, 24/04/2015

Làng Phạm Pháo, xã Hải Minh (Hải Hậu) hiện có đội kèn tây lớn nhất nước với trên dưới 800 thành viên. Vừa thạo thổi kèn tây, vừa có thể sửa chữa, sản xuất kèn, những nhạc công - nông dân làng Phạm Pháo đang góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của vùng quê này.

Đoàn kèn tây khổng lồ

Vào các dịp lễ trọng của người Công giáo như lễ Giáng sinh, ngày chầu lượt, lễ Phục sinh…, đội nhạc kèn “khổng lồ” làng Phạm Pháo lại say sưa trình diễn những bản nhạc lúc hùng tráng, lúc trầm lắng, da diết… Ra đời từ năm 1910, cùng thời gian xây dựng Nhà thờ Phạm Pháo, ban đầu Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo có tên là Hội kèn Phạm Pháo do ông Vũ Văn Ổn, người trong thôn làm trưởng hội. Khi đó, thành viên Đoàn kèn mới dừng ở mức khiêm tốn, 30 người với vỏn vẹn 7 nhạc cụ. Cũng theo các bậc cao niên trong làng kể lại, trước năm 1945, Giám mục Hồ Ngọc Cẩn, Giám mục Tòa Giám mục Bùi Chu mỗi năm đều đặn có chuyến đi kinh lý tại giáo xứ Ninh Cường (nay thuộc huyện Trực Ninh). Ngày ấy đường đi lối lại còn khó khăn, giám mục đi lại đều bằng xuồng máy trên sông Ninh Cơ. Đội kèn các xứ đạo đứng hai bên sông gióng lên tiếng nhạc mừng Giám mục, thuyền của ngài chầm chậm đi trên sông để thưởng thức tiếng nhạc của từng xứ, trong đó có xứ Phạm Pháo. Năm 1954, khi hòa bình lập lại, nhiều giáo họ thuộc giáo xứ Phạm Pháo được thành lập, mỗi giáo họ hình thành một đội kèn riêng. Những năm 1990, người dân Phạm Pháo đã góp công, góp của, góp nhạc cụ thành lập Đội kèn hợp nhất gồm các thành viên của các giáo họ. Trải qua hơn 1 thế kỷ, Hội kèn Phạm Pháo xưa đã trở thành Đoàn kèn hợp nhất Giáo xứ Phạm Pháo. Hiện, Đoàn kèn được chia làm 12 Hội kèn nhỏ nằm rải rác ở 26 thôn của xã Hải Minh. Mỗi Hội kèn có số lượng thành viên từ 40-100 người ở độ tuổi từ 16-70 tuổi và đều có một Trưởng hội phụ trách. Hằng ngày, các thành viên trong Đoàn kèn sinh hoạt, tập kèn và biểu diễn theo các Hội. Chỉ vào những dịp lễ, tết hoặc có sự kiện quan trọng, 12 Hội lại tập trung nhau lại cùng tập luyện, khớp nhạc để biểu diễn. Đoàn kèn cũng có sự phân chia công việc, nhiệm vụ rất cụ thể. Do có nhiều loại kèn khác nhau nên ở các Hội kèn, mỗi thành viên sử dụng một loại kèn tùy vào năng khiếu, sức khỏe của từng người. Có khoảng hơn 10 nhạc cụ được sử dụng trong Đoàn kèn như kèn Clarinet, Saxophones, Trumpet, Alto saxophones, Trombone, Baritone, Bass, Tubas và dàn trống… Dân chơi kèn Phạm Pháo cũng rất “chịu chi” khi sẵn sàng đầu tư mua các loại kèn nhập ngoại từ các nước như Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Nhật Bản… Trong những ngày đại lễ, tại Phạm Pháo, tiếng kèn lại vang lên cùng với tình yêu âm nhạc được giữ gìn bằng tấm lòng trân trọng của những nhạc công, nông dân nơi đây. Tuy nhiên, hoạt động của đội kèn Phạm Pháo giờ đây không chỉ dừng lại ở việc phục vụ riêng trong thánh lễ mà hòa vào mừng vui chung của cả đạo lẫn đời. Đoàn có thể đến phục vụ một đám cưới trong thôn nào đó, chia sẻ với người quá cố, hay tiễn những thanh niên trong giáo xứ lên đường nhập ngũ... Những năm gần đây, nhờ “cải tổ” lối chơi, áp dụng lối chơi hợp nhất, chất lượng thổi kèn của toàn đoàn cũng được nâng lên.

Sửa chữa, sản xuất kèn đồng ở cơ sở Duy Đông của ông Nguyễn Duy Đông, làng Phạm Pháo, xã Hải Minh, Hải Hậu.
Sửa chữa, sản xuất kèn đồng ở cơ sở Duy Đông của ông Nguyễn Duy Đông, làng Phạm Pháo, xã Hải Minh, Hải Hậu.

Tay thầy, thước thợ

Ông Nguyễn Duy Đông, chủ cơ sở sản xuất, sửa chữa kèn Duy Đông, làng Phạm Pháo năm nay cũng đã ngót nghét 60 tuổi. Gắn bó cả đời với nghiệp làm kèn, ông cho biết: Cha tôi, cụ Nguyễn Văn Biên, vốn là người thông thạo nhạc lý, đặc biệt là kiến thức về kèn tây. Ông ấy đã truyền nghề cho tôi. Nhờ có nghề làm kèn mà gia đình tôi bao đời duy trì, ổn định được cuộc sống. Hiện, chúng tôi có nhiều sản phẩm được khách hàng cả nước yêu mến, tin tưởng. Bắt đầu từ việc sửa kèn cho Hội kèn trong xứ, ông Đông giờ đã có khách ở cả trong lẫn ngoài nước. Nhiều loại kèn do các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Nhật sản xuất bị hỏng..., ông Đông cũng mày mò thêm để sửa chữa, “nâng cấp”. Một số các loại kèn của Pháp ông đã cải tiến, thêm thắt những chiếc cầu đỡ cho đẹp hơn, chắc chắn hơn. Ông Đông chỉ là một trong nhiều “tay thầy, thước thợ” chuyên sửa chữa, sản xuất kèn đồng của Phạm Pháo. Ngoài ra, người làng Phạm Pháo còn có thể sản xuất một số loại kèn cơ bản: Congtrobas, tuba, bas, baritone, anto, bicl, tompet, coocle… Để làm kèn, ngoài yêu cầu khéo tay, thợ sản xuất, sửa chữa kèn còn phải có những hiểu biết nhất định về âm nhạc. Ông Đông chia sẻ: Nghề làm kèn đòi hỏi phải tỉ mỉ, kỳ công, cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ nhặt. Nhưng như vậy thôi chưa đủ, thợ làm kèn phải học thêm những kiến thức về âm vực của từng loại kèn khác nhau mới tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh cho người dùng. Bởi, nếu không thông nhạc lý, âm vực, thợ kèn không thể hiện chính xác được các chi tiết, dễ làm “méo” âm của kèn, khó cho người thổi khi muốn điều chỉnh nốt cao, nốt trầm. Vì vậy, khi mới tập nghề, thợ kèn trẻ thường bắt đầu ở những công đoạn, thao tác đơn giản như hàn kèn thủng, đánh bóng lại kèn cho mới, cuộn mới một vài loại kèn đơn giản”... Để làm được kèn, thợ kèn bước đầu phải xác định kích cỡ các loại kèn rồi mới cắt đồng, uốn, gò, hàn, tạo kiểu… Với lòng yêu nghề, trọng nghề truyền thống, người Phạm Pháo đang được chính tổ nghề ưu ái. Nhiều cơ sở sản xuất kèn trong làng đang “ăn nên làm ra” với kèn. Làng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Bắc vào Nam. Thậm chí, cơ sở của ông Đông còn nhận được các hợp đồng sửa chữa một số nhạc cụ tại các Nhạc viện Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Trung bình ngày công của thợ kèn Phạm Pháo dao động từ 100-300 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, nghề sửa chữa, làm kèn ở Phạm Pháo hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặt hàng truyền thống của làng chịu sự cạnh tranh gay gắt với các loại kèn ngoại nhập, đặc biệt là từ Trung Quốc. Hơn nữa, lực lượng trẻ kế cận nghề ngày càng ít đi. Đòi hỏi thợ kèn phải say mê, tỉ mỉ nhưng ngày công không cao khiến nhiều người trẻ không mặn mà, họ có xu hướng chuyển sang làm đồ mỹ nghệ, cũng là một thế mạnh của làng.

Từ 30 người rồi lên đến 800 người, hoạt động của đội kèn “khổng lồ” Phạm Pháo không vì thế mà “rối”. Tiếng kèn, nghề làm kèn do được người dân Phạm Pháo bao đời gìn giữ vẫn là tài sản tinh thần vô giá làm cho cuộc sống bớt nhọc nhằn, lo toan hơn./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com