Ý Yên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

09:03, 23/03/2015

Với điều kiện đất đai màu mỡ, đa dạng về địa hình và người dân có trình độ thâm canh cao, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (TBKHKT) mới vào sản xuất, huyện Ý Yên là một trong những địa phương được Bộ NN và PTNT quy hoạch xây dựng khu nông nghiệp quốc gia ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại xã Yên Dương với diện tích 200ha để sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao và nhiều vùng khác sản xuất rau an toàn VietGap, sản xuất giống lợn, chăn nuôi công nghiệp và chế biến nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác và giúp người dân làm quen với các quy trình CNC trong sản xuất nông nghiệp. Để sẵn sàng thích ứng với sản xuất nông nghiệp CNC thời gian qua, huyện Ý Yên đã đẩy mạnh ứng dụng TBKHKT vào sản xuất nông nghiệp.

Nông dân xã Yên Khánh chăm sóc cây bí xanh vụ xuân hè.
Nông dân xã Yên Khánh chăm sóc cây bí xanh vụ xuân hè.

UBND huyện đã giao cho Trạm Khuyến nông huyện chủ trì phối hợp với các đơn vị Phòng NN và PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật huyện, HND, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, UBND các xã, thị trấn, Ban quản lý các HTXDVNN trong toàn huyện tổ chức đẩy mạnh việc ứng dụng TBKHKT mới vào sản xuất nông nghiệp. Hình thức chuyển giao phổ biến TBKHKT được các đơn vị lựa chọn áp dụng là xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới; tổ chức tập huấn và đưa nông dân tiêu biểu đi tham quan, tham dự hội thảo đầu bờ tại các mô hình điểm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời khuyến khích các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức hội, đoàn thể tranh thủ mọi sự hỗ trợ của các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học, thuốc BVTV, tổ chức các chương trình giới thiệu giúp bà con nông dân tiếp cận, lựa chọn TBKHKT mới. Trong năm 2014, huyện Ý Yên đã tổ chức được 38 lớp tập huấn chuyển giao TBKHKT mới; 10 buổi tham quan mô hình sản xuất điển hình và phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức dạy nghề nuôi trồng thủy, hải sản cho nông dân các xã Yên Khánh, Yên Chính; xây dựng 70 mô hình điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhiều mô hình mang hàm lượng kỹ thuật lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao như: Sử dụng phân bón viên nén nhả chậm NPK 16:5:12 trên cây lúa tại xã Yên Khánh; sản xuất khoai tây giống chất lượng cao tại xã Yên Cường, Yên Đồng; sản xuất lúa chét vụ hè thu, không cấy lúa vụ màu để dành thời gian làm vụ đông sớm... Trong đó mô hình trồng ớt xuất khẩu được Trạm Khuyến nông, HND huyện phối hợp xây dựng điểm tại các xã Yên Dương, Yên Thành cho thu lãi 6-7 triệu đồng/sào, đến nay đã mở rộng ra ở hầu hết các xã, thị trấn có điều kiện canh tác phù hợp. Đối với những xã nằm trong quy hoạch xây dựng khu ứng dụng nông nghiệp CNC như Yên Dương, Yên Nhân, Yên Cường, Trạm Khuyến nông huyện và các đơn vị phối hợp ưu tiên đưa những TBKHKT mới như trồng rau màu, chăn nuôi theo quy trình VietGAP; sử dụng đệm lót sinh học và chế phẩm sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời đưa những giống cây trồng mới, thực hành những phần việc đòi hỏi kỹ thuật cao như nhân giống rau màu, cấy khảo nghiệm các giống lúa chất lượng cao thí điểm dùng phân bón qua lá RO, chế phẩm Nano thay cho cách bón phân truyền thống trong canh tác lúa và trồng lạc xuân. Từ hiệu quả các mô hình trình diễn kỹ thuật mới do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện và các doanh nghiệp hỗ trợ, nhiều xã đã chủ động trích kinh phí xây dựng, duy trì mô hình để người dân có điều kiện thực hành trước khi mở rộng sản xuất. Việc ứng dụng TBKHKT trong sản xuất nông nghiệp còn được triển khai đồng bộ trong các khâu chọn giống, chế độ dinh dưỡng, kỹ thuật canh tác, bảo vệ cây trồng, vật nuôi… giúp bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất, giảm lượng phân bón hoá học và thuốc BVTV, chăn nuôi an toàn theo hướng bền vững, ổn định và khoa học. Trong đó mô hình hoàn thiện công thức luân canh cấy lúa xuân - lúa chét vụ hè thu - cà chua đông sớm tại xã Yên Lợi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết được những khó khăn trong việc điều tiết nước, làm đất, giảm số lần phun, lượng thuốc BVTV, đặc biệt là rút ngắn được thời gian giải phóng đất, đưa vụ đông xuống chân ruộng cấy hai vụ lúa. Theo tính toán của Trạm Khuyến nông huyện sau khi tham gia thí điểm trên diện tích 5ha, cả 60 hộ dân của xã Yên Lợi đã thành thục công thức, kỹ thuật kết hợp chăm bón lúa xuân sớm, cắt tỉa gốc dạ, bón phân đợi lúa chét, xuống giống cây cà chua sớm đúng thời vụ và đạt hiệu quả cao nhất. Tổng lợi nhuận cả mô hình là trên 172 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 70 triệu đồng so với trung bình thu nhập trên một ha đất canh tác của huyện. Trong đó, lợi nhuận của lúa xuân là 17,2 triệu đồng/ha, lúa chét là 12,1 triệu đồng/ha, cà chua là 143 triệu đồng/ha. Đây là một mô hình được người dân trong vùng tham quan học tập và quyết tâm mở rộng diện tích sản xuất nhiều nhất ngay trong năm 2015. Do đó, năng suất cây trồng, vật nuôi tăng bình quân từ 20-40%/năm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai ứng dụng TBKHKT trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Ý Yên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng CNC do cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất chưa đồng bộ; kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình còn hạn chế và trình độ của nông dân không đồng đều. Mặc dù việc đưa các giống cây trồng, con nuôi mới vào sản xuất cho năng suất, chất lượng cao nhưng chưa được nhân rộng bởi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hoá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ khiến các hộ dân không mạnh dạn áp dụng. Để tháo gỡ khó khăn trên và tiếp cận nhanh với mục tiêu thực hiện ứng dụng CNC, huyện Ý Yên rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để người dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com