Tăng cường công tác khám, phát hiện và điều trị bệnh nhân lao

08:03, 24/03/2015

Qua nhiều năm thực hiện Chương trình chống lao quốc gia, đến nay tỉnh ta đã xây dựng, duy trì mạng lưới phòng, chống lao ổn định từ 10 huyện, thành phố đến 229 xã, phường. Công tác phát hiện người bị bệnh được tăng cường, hằng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các kỹ thuật tiên tiến được cập nhật, đáp ứng yêu cầu công tác chẩn đoán, điều trị bệnh. Kết quả điều trị khỏi hằng năm đạt trên 90%, giảm tỷ lệ tử vong. Riêng năm 2014, toàn tỉnh đã phát hiện được 1.985 bệnh nhân, trong đó có 1.067 bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới, chiếm 53,7%, 104 bệnh nhân lao là trẻ em, 42 bệnh nhân lao/HIV, 32 bệnh nhân lao kháng thuốc. Riêng về công tác phòng, chống lao/HIV, tỉnh đã thành lập ban điều phối lao/HIV tuyến tỉnh và tuyến huyện, hằng quý đều tổ chức giao ban giữa hai bên lao và HIV tuyến tỉnh, huyện để đánh giá kết quả hoạt động và đưa ra giải pháp cho thời gian tới. Được sự quan tâm của Bệnh viện Phổi Trung ương, Dự án phòng, chống lao, năm 2014 tỉnh ta tiếp tục triển khai quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc, triển khai hoạt động phòng, chống lao trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2014, tổng số bệnh nhân được quản lý trên địa bàn tỉnh là 2.987 bệnh nhân; 100% bệnh nhân phát hiện được quản lý, điều trị theo đúng quy định của Chương trình phòng, chống lao quốc gia; tỷ lệ hoàn thành điều trị, tỷ lệ điều trị khỏi đạt 90,5%, góp phần ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

Cán bộ Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh vận hành máy Gene - Xpert chẩn đoán lao và lao kháng thuốc nhanh sau 2 giờ.
Cán bộ Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh vận hành máy Gene - Xpert chẩn đoán lao và lao kháng thuốc nhanh sau 2 giờ.

Đạt được kết quả đó, việc quản lý điều trị lao tại tuyến y tế cơ sở được triển khai đều đặn, thường xuyên. Bệnh nhân được đưa vào quản lý điều trị theo Chương trình chống lao quốc gia, 2 tháng đầu được quản lý điều trị tại bệnh viện, 4-6 tháng sau điều trị tại nhà dưới sự hỗ trợ của y tế cơ sở và người nhà. Công tác cấp phát thuốc tại tuyến xã được duy trì, thuận tiện cho việc nhận thuốc của bệnh nhân. Các kỹ thuật viên xét nghiệm đều có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm với công việc, được đào tạo cơ bản tại Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh, đảm bảo xét nghiệm phát hiện vi khuẩn lao bằng kỹ thuật soi đờm trực tiếp. Số người đến xét nghiệm đờm năm 2014 đạt 1,04% dân số. Hầu hết các bệnh nhân được xét nghiệm, kiểm tra theo đúng quy định trong cả liệu trình 6 tháng và được đánh giá kết quả điều trị chính xác. Hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe được duy trì thường xuyên và triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nên hiểu biết của người dân về bệnh lao đã được nâng lên. Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh - đơn vị chủ trì chương trình chống lao toàn tỉnh luôn đóng vai trò chủ đạo trong công tác phát triển và ổn định mạng lưới chống lao từ tỉnh tới tuyến xã, phường, thị trấn. Mỗi năm chương trình chống lao tỉnh phát hiện và điều trị cho khoảng 1.900 bệnh nhân lao các thể với kết quả điều trị khỏi cao trên 90%. Riêng tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, mỗi năm đón tiếp và điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân lao và 40 bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Để tăng cường công tác khám phát hiện và điều trị cho bệnh nhân lao, bệnh viện đang triển khai nhiều chương trình đem lại hiệu quả. Từ tháng 1-2015, bệnh viện đã đưa vào sử dụng máy Gene-Xpert để giúp chẩn đoán lao và lao kháng thuốc nhanh, chính xác sau 2 giờ. Ngay trong tháng đầu tiên chạy máy, bệnh viện đã phát hiện được 5 bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc và các bệnh nhân được đưa vào điều trị phác đồ hiệu quả. Bệnh viện cũng được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, cần thiết cho công tác chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh lao và bệnh phổi như máy X.quang kỹ thuật số, máy nuôi cấy lỏng MGIT-BACTEC 320 cho kết quả nhanh sau 1 tuần, máy đo chức năng hô hấp, máy nội soi khí quản, tai mũi họng, siêu âm màu, điện tim và các loại máy sinh hóa, huyết học tự động…, góp phần hiệu quả vào công tác khám phát hiện, điều trị bệnh lao.

Tuy nhiên khó khăn hiện nay là đa số bệnh nhân mắc lao đều là người nghèo, sự hiểu biết về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế nên việc phát hiện nguồn bệnh gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao thường được phát hiện khi bệnh đã nặng do tình trạng mặc cảm, kỳ thị của gia đình, xã hội, do mưu sinh kinh tế gia đình nên người bệnh đến cơ sở y tế muộn. Di chứng của bệnh lao sau điều trị như bệnh tái phát cao, di chứng tàn phế phổi nặng nề, bệnh lao kháng thuốc… cũng gây khó khăn cho bệnh nhân và chương trình chống lao. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí của Trung ương giảm, nguồn kinh phí địa phương chưa đáp ứng yêu cầu… Để duy trì hoạt động chống lao bền vững, giảm tỷ lệ nhiễm lao, giảm tử vong do lao và tiến dần tới khống chế bệnh lao, cần duy trì mạng lưới chống lao, đào tạo thêm cán bộ có năng lực chuyên môn. Tuyên truyền đẩy mạnh công tác phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng. Phát hiện kịp thời bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh lao trong nhóm đồng nhiễm HIV, vận động đưa bệnh nhân vào điều trị giảm bớt nguồn lây. Đẩy mạnh việc phát hiện lao trẻ em trong cộng đồng, điều trị dự phòng INH cho trẻ em tiếp xúc với người mắc bệnh lao để tích cực ngăn ngừa, góp phần tích cực củng cố tính bền vững cho công tác chống lao. Tăng cường phát hiện bằng cách phối hợp với hệ thống y tế tư nhân và các bệnh viện đa khoa, áp dụng các kỹ thuật chẩn đoán mới, tiên tiến. Ngoài ra công tác phòng, chống lao cần sự chung tay của các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội và toàn thể người dân trong cộng đồng.

Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao 24-3-2015 với thông điệp kêu gọi sự nỗ lực của toàn cầu để tìm kiếm, điều trị và chữa khỏi bệnh cho tất cả những người mắc bệnh lao, đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu vì một thế giới không còn người mắc bệnh lao vào năm 2035./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com