Học sinh lớp 12 trước kỳ thi chung quốc gia năm 2015

09:02, 06/02/2015

Việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp chung quốc gia bậc THPT đang thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh, học sinh và toàn xã hội, nhất là học sinh lớp 12. Các em đang đứng trước nhiều lựa chọn là tự chọn môn thi phù hợp năng lực bản thân; đăng ký thi theo cụm địa phương để chỉ tốt nghiệp THPT hay đăng ký thi theo phương án tuyển sinh của các trường đại học để vừa tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học theo đúng ngành nghề mình yêu thích.

Trước phương án thi 4 môn, trong đó gồm 3 môn thi bắt buộc (Văn, Toán, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử, nhiều trường THPT, trung tâm GDTX lo ngại việc học sinh sẽ học lệch một cách chủ động. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ mùa thi trước, năm học này nhiều trường, nhiều trung tâm GDTX đã chủ động sắp xếp học sinh có cùng môn thi vào các lớp phù hợp để giáo viên giảng dạy, ôn tập cho thuận lợi.

Các em học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực) trong giờ ôn tập.
Các em học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực) trong giờ ôn tập.

Mặc dù khi công bố phương án thi, Bộ GD và ĐT đã khẳng định học sinh cứ yên tâm học tập bình thường theo chương trình, các chương trình học sẽ không biến động nhiều, song để học sinh, giáo viên có thể thích ứng với kỳ thi quốc gia, ngay từ đầu năm học, Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường nhanh chóng phổ biến những biến chuyển trong dạy và học để đáp ứng kỳ thi. Đến nay, các trường đã tổ chức khảo sát chất lượng 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ cho học sinh khối 12 và cho các em đăng ký môn tự chọn còn lại. Các trường cũng lên kế hoạch tăng số tiết cho các môn bắt buộc và căn cứ vào tỷ lệ đăng ký môn tự chọn của học sinh, điều chỉnh số tiết cho phù hợp để các em vừa có thể tiếp thu bài mới, vừa có thời gian ôn tập. Về cơ bản, học sinh lớp 12 đều đã chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi chung này. Ngoài việc theo dõi thường xuyên những thông tin mới về kỳ thi, các em cũng đã định hướng việc học ngay từ đầu năm học để đạt kết quả tốt nhất. Em Thu Hiền, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP Nam Định) cho biết: “Việc Bộ GD và ĐT công bố các trường đại học, cao đẳng vẫn duy trì các tổ hợp môn thi theo khối thi truyền thống đã giúp chúng em giảm tải những áp lực, căng thẳng. Em luôn theo dõi thông tin về kỳ thi THPT quốc gia cùng các đề án tuyển sinh riêng của các trường để chọn trường, ngành thi phù hợp. Theo em, dù kỳ thi có đổi mới thì đề thi cũng nằm trong chương trình học. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, em đã chú ý học 3 môn thi bắt buộc và chọn môn Sinh là môn tự chọn để phù hợp với ngành nghề đã dự định chọn để đăng ký vào trường đại học”. Em Thanh Tùng, học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Văn Nghị (Ý Yên) chia sẻ: “Là khối lớp đầu tiên áp dụng cách thi mới nên em và các bạn rất lo lắng. Theo em, khi áp dụng một kỳ thi chung, nếu bạn nào không có kế hoạch học tập hiệu quả, hoặc những năm học trước chỉ tập trung vào những môn học “tủ” của mình thì rất khó đáp ứng được yêu cầu vừa đỗ tốt nghiệp vừa đỗ đại học”. Em Phạm Lan, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Nam Định) cho biết: “Em cho rằng việc tổ chức chung một kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học thì mức độ đề thi sẽ khó hơn, đòi hỏi chúng em phải tập trung cao độ hơn. Tuy nhiên, các bạn có học lực trung bình thì đang phân vân khi quyết định đăng ký thi theo cụm địa phương để chỉ tốt nghiệp THPT hay đăng ký theo phương án tuyển sinh của các trường đại học để vừa có thể tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào đại học. Các bạn có học lực khá thì lại băn khoăn khi không loại trừ khả năng các trường đại học ở tốp cao sẽ tập trung nhiều hồ sơ đăng ký tuyển sinh, như vậy tính cạnh tranh sẽ càng quyết liệt, yếu tố rủi ro sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, hiện tại chúng em đều chưa nắm rõ cách ra đề, đánh giá và sự kết hợp kiến thức trong bài thi như thế nào”.

Để giải đáp những băn khoăn của học sinh, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện theo đúng tinh thần của Bộ GD và ĐT tổ chức ôn tập cho học sinh trong suốt quá trình học. Cuối năm lớp 12 tổ chức ôn tập toàn bộ lượng kiến thức đã học ở cấp THPT, chủ yếu là kiến thức lớp 12. Khoảng tháng 4-2015, Bộ GD và ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn về ôn thi tốt nghiệp để bảo đảm học sinh có đủ kiến thức tham dự kỳ thi một cách hiệu quả, nhưng cũng không gây quá tải cho học sinh. Việc đổi mới kỳ thi chung quốc gia sẽ tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp năng lực bản thân. Bên cạnh đó, theo Bộ GD và ĐT, đề thi của kỳ thi chung quốc gia sẽ có hai nhóm câu hỏi khác nhau, một nhóm giống như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 để học sinh có học lực trung bình có thể tốt nghiệp được, nhóm thứ hai gồm các câu hỏi khó để phân loại thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Với cấu trúc đề thi như thế, học sinh có học lực trung bình khá hoàn toàn có thể trúng tuyển vào các trường đại học tốp dưới. Đề thi sẽ tiếp tục ra theo hướng mở, theo đó đối với các môn khoa học xã hội sẽ giảm yêu cầu thí sinh học thuộc lòng mà cho sẵn dữ liệu. Các môn khoa học tự nhiên, đề thi yêu cầu thí sinh xử lý những vấn đề thực tiễn và tăng cường đánh giá khả năng vận dụng của thí sinh. Căn cứ chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT đã yêu cầu các nhà trường tổ chức rà soát chất lượng thực của học sinh lớp 12 để phân loại đối tượng học sinh theo trình độ nhận thức, bàn giao chất lượng cho giáo viên phụ trách. Đồng thời chỉ đạo tổ, nhóm bộ môn và giáo viên trực tiếp ôn tập xây dựng chương trình và nội dung dạy học cho phù hợp từng đối tượng học sinh, trong đó lưu ý thời khóa biểu phải bảo đảm hợp lý, không gây quá tải trong từng buổi học và giúp học sinh làm quen với quy chế thi, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, tạo động lực giúp các em phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập. Ngoài ra, giáo viên trực tiếp giảng dạy cần tích cực tư vấn cho học sinh trong việc chọn môn thi tự chọn, lựa chọn cụm thi tại các trường cao đẳng, đại học hay cụm thi tại địa phương nhằm bảo đảm phù hợp với năng lực thực của học sinh, giúp các em khối 12 bước vào kỳ thi quan trọng này một cách tốt nhất./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com