Quản lý thị trường chất phụ gia thực phẩm: Mới chỉ là bề nổi

08:07, 30/07/2013

Phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung để bảo quản hay chế biến thực phẩm nhằm tăng hương vị, tạo màu, tạo mùi hấp dẫn... Đây là loại hàng hóa được pháp luật quy định các điều kiện bắt buộc trong sản xuất, kinh doanh, quản lý và sử dụng, vận chuyển cũng như điều kiện bảo quản để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên trên thị trường tỉnh ta, các chất phụ gia thực phẩm được kinh doanh và sử dụng tràn lan đã tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Một quầy bán phụ gia thực phẩm tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).
Một quầy bán phụ gia thực phẩm tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).

Chợ Mỹ Tho (TP Nam Định) là đầu mối kinh doanh phụ gia thực phẩm lớn nhất tỉnh. Khu vực bán phụ gia thực phẩm nằm ngay tại trục chính của chợ với khoảng 30 gian hàng, mỗi gian hàng bày bán hàng trăm loại phụ gia thực phẩm khác nhau, như: nhóm hương liệu sử dụng trong pha chế các loại nước giải khát, chè hoa quả và các món ăn phổ biến (phở, lẩu); nhóm phụ gia tẩm, ướp, làm khô các sản phẩm cá, thịt bò và nhóm phụ gia làm mềm nhanh và giữ tươi các loại thủy sản (cá biển, mực, tôm); các loại phụ gia làm giá đỗ nảy mầm nhanh; ủ hoa quả mau chín hay phụ gia làm tăng độ dai, giòn của thực phẩm, giữ món ăn lâu thiu. Từ đây, các loại phụ gia thực phẩm được cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng và theo chân các tiểu thương cung ứng cho các chợ khu dân cư ở thành phố và nông thôn. Điều đáng nói là ngoài một phần rất nhỏ phụ gia do các doanh nghiệp có tên tuổi sản xuất như Trung Thành; Tường An, Maggi (Cty TNHH Nestle' Việt Nam), Ajinomoto… với các sản phẩm như dầu mè, dầu hào, nước cốt dừa, sa tế, gia vị cho các món ăn phổ biến thịt kho tàu, cá kho riềng, bột cà ri… đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đã được cơ quan chức năng kiểm định, phần lớn chất phụ gia thực phẩm đang lưu thông trên thị trường chủ yếu nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Xinh-ga-po nhưng không có địa chỉ nhà sản xuất. Trong vai một khách hàng muốn tư vấn “bí quyết thành công” khi mở quán nhậu bình dân, tôi được chị N chủ một quầy hàng nhiệt tình giảng giải cách chọn hóa chất tạo màu, tạo mùi vị và đặc biệt là công nghệ “làm mới” các loại thực phẩm đã ôi thiu… Theo đó, để tiết kiệm thời gian ninh xương, thịt bò, nấu chè, cháo… đã có phụ gia làm nhừ; để hãm tiết canh đã có chất vừa làm đẹp màu, đông chặt, lại không bị mặn; muốn có món nộm, món luộc vừa giòn, vừa đẹp mắt lại không bị hao do quá trình chế biến đã có bột chua; để khử mùi các loại thịt, cá đã ôi thiu thì có loại phụ gia đặc biệt có nguồn gốc từ hóa chất công nghiệp… Tất cả các loại phụ gia trên đều được bao gói thủ công, không có nhãn mác, hướng dẫn cách sử dụng mà chỉ đơn giản là một vài nét bút dạ ghi tên nôm na theo công dụng của phụ gia đó. Bên cạnh đó, tại quầy hàng này còn có các loại phụ gia tổng hợp đã pha chế sẵn dành cho những món ăn cần nhiều gia vị như: bột pha chế sẵn dành để chiên ngô, khoai, hải sản, thịt lợn… vừa thơm, vàng, giòn lại cay cay; bột phụ gia làm bánh, pha chế sữa đậu nành để tăng độ béo, độ ngậy và thơm cho sản phẩm. Ngoài ra trên quầy hàng còn có rất nhiều túi hương liệu có màu sắc sặc sỡ ở cả dạng lỏng và dạng bột với tên nhãn in đơn sơ, hoặc viết tay là hương chanh, hương bưởi, dâu, nho, cam, táo… Thị trường phụ gia thực phẩm "phong phú", đáp ứng hầu hết nhu cầu của người mua với số lượng không giới hạn và giá thành lại quá rẻ so với “hiệu quả” sử dụng. Do đó, hầu hết những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không ngần ngại sử dụng. Điều đáng nói là đi bất cứ hàng phụ gia thực phẩm nào, câu đầu tiên mà chủ hàng dành hỏi khách là: mua cho nhà dùng hay làm hàng? Và, theo đó nếu làm hàng sẽ có sản phẩm giá rẻ, tiện dụng hơn rất nhiều so với sản phẩm dùng trong bếp ăn gia đình (!).

Trước thực trạng các loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan, Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về VSATTP tỉnh đã tổ chức phổ biến Luật An toàn thực phẩm, các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về VSATTP; công bố danh mục các chất phụ gia được sử dụng theo quy định của Bộ Y tế; các điều kiện về vệ sinh cơ sở chế biến, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ…; vận động các tiểu thương không kinh doanh phụ gia thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người tiêu dùng không sử dụng chất phụ gia thực phẩm độc hại; cách chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về chất phụ gia thực phẩm đảm bảo an toàn. BCĐ liên ngành về VSATTP đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành Công thương, Y tế, NN và PTNT... tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến phụ gia thực phẩm và thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện nhiều quầy hàng kinh doanh phụ gia không rõ nguồn gốc và hầu hết các cửa hàng đều không đảm bảo điều kiện bảo quản, lưu trữ phụ gia. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn phát hiện 14 cơ sở vi phạm sử dụng phụ gia thực phẩm quá giới hạn cho phép và phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép. Trong đó có 1 cơ sở kinh doanh rượu có hàm lượng furfurol vượt quá giới hạn cho phép; 2 cơ sở sản xuất bánh phở có chứa foóc-môn; 7 cơ sở sản xuất bánh kẹo, nước uống đóng chai không đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm… Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 25 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc kiểm soát sử dụng chất phụ gia thực phẩm có yếu tố độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh là rất khó khăn, bởi hiện tỉnh ta chưa có cơ sở chính thức sản xuất phụ gia thực phẩm. Các chất phụ gia thực phẩm trên thị trường đều nhập từ các tỉnh khác nên rất khó truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng chẳng lẽ không có biện pháp quản lý đối với mặt hàng đầy bất trắc này? Câu hỏi dành cho các cơ quan chức năng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com