Giao Thuỷ khai thác tiềm năng vùng đồng màu

08:07, 20/07/2012

Là vùng cửa biển và là nơi có hệ thống sông ngòi dày đặc, trên địa bàn huyện Giao Thuỷ đã hình thành nhiều vùng bãi bồi màu mỡ. Những năm qua, nông dân Giao Thủy đã tích cực khai thác tiềm năng vùng đất màu đưa vào sản xuất những giống cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều cánh đồng màu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha.

Xã viên HTX Thịnh Tiến, xã Giao Thịnh chăm sóc dưa lê
Xã viên HTX Thịnh Tiến, xã Giao Thịnh chăm sóc dưa lê.

Từ nhiều năm nay, HTX Thịnh Tiến (Giao Thịnh) đã quy hoạch các vùng trồng màu với tổng diện tích 50ha và được luân canh tới 4-5 vụ/năm. Nhiều hộ chọn khoai tây Đức hoặc Hà Lan làm cây chủ đạo cho vụ màu xuân. Giống khoai tây sạch bệnh và được bảo quản trong kho lạnh của HTX, nên năng suất khoai tây vụ xuân đạt 25-27 tấn/ha. Sau thu hoạch khoai tây, xã viên HTX Thịnh Tiến trồng dưa, đến vụ hè thu chuyển sang trồng đậu tương, ngoài hiệu quả kinh tế còn góp phần cải tạo đất. Một công thức luân canh khác với cây lạc làm cây chủ đạo cho vụ xuân, thời vụ từ  tháng 1 đến tháng 4, trước thu hoạch lạc xuân 20 ngày, nông dân đã trồng dưa lê hoặc dưa hấu xen vào lạc, đến khi thu hoạch lạc thì dưa cũng bắt đầu ra hoa bói; sau dưa đến ngô hoặc đậu tương, cuối cùng là vụ dưa hấu đông hoặc khoai tây đông, rau màu các loại. Để chủ động khâu tưới tiêu nước cho vùng trồng màu, hằng năm HTX tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, làm thủy lợi nội đồng, từng bước cứng hóa hệ thống kênh mương, bờ vùng bờ thửa. Thời vụ đuổi nhau, ruộng đất quay vòng 4 vụ/năm, bình quân mỗi năm xã viên HTX Thịnh Tiến có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha.

Ở xã Giao Yến, ông Nguyễn Văn Thọ, xóm 14, là người có kinh nghiệm nhiều năm trồng màu. Vụ này, ông trồng 2 sào giống dưa hấu Phù Đổng và 3 sào dưa lê. Ông cho biết, năng suất dưa hấu của gia đình ông bình quân mỗi vụ đạt 1 tấn/sào, với giá bán dưa dao động từ 7.000-10.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi sào cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng. Xã Giao Yến có gần 54ha đất chuyên màu. Ngoài ra, diện tích cấy lúa, nông dân chỉ cấy 1 vụ, còn thì trồng màu để tăng thu nhập. Nông dân Giao Yến áp dụng công thức luân canh lên đến 5 vụ. Vụ xuân, xã lấy cây lạc làm chủ lực, sau đó trồng xen dưa hấu giống Hắc Mỹ Nhân hoặc dưa lê, sau khi thu hoạch dưa, bà con lại khẩn trương cấy lúa mùa sớm, chủ yếu là cấy giống Bắc thơm số 7, bình quân năng suất đạt 2,2 tạ/sào; vụ đông trồng dưa hấu, dưa lê, khoai tây hoặc các loại rau như củ cải Thái, rau cải bẹ... Bình quân mỗi ha vùng màu ở Giao Yến cho thu nhập 150-200 triệu đồng/ha, có năm được mùa, mỗi ha luân canh 4-5 vụ, người dân có thu nhập lên tới 300 triệu đồng. Những hộ luân canh cho thu nhập cao như hộ các ông Trần Văn Phưởng (xóm 14), hộ ông Trần Xuân Kinh, ông Vũ Đình Thìu (xóm 15)… Còn ở HTX Hồng Phong, xã Giao Phong đến nay, toàn bộ hơn 200ha diện tích đất màu luân canh từ 3-4 vụ/năm, với các công thức luân canh phù hợp trên từng chân ruộng như: Lúa xuân - lúa mùa - cây vụ đông; lạc xuân - dưa hấu - lúa mùa - khoai tây đông; khoai tây xuân - dưa hấu hè thu - lúa mùa sớm - dưa hấu đông cho thu nhập từ 150-300 triệu đồng/ha/năm.

Thu hoạch dưa hấu ở hộ ông Nguyễn Văn Tho, xóm 14, xã Giao Tiến.
Thu hoạch dưa hấu ở hộ ông Nguyễn Văn Tho, xóm 14, xã Giao Tiến.

Những năm qua, diện tích gieo trồng cây màu của huyện Giao Thuỷ bình quân đạt trên 5.000ha/năm; trong đó một số cây trồng chính như lạc, khoai tây, đậu tương, ngô, rau các loại… đều cho năng suất cao, sản phẩm dễ tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế cao. Để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị cây màu, UBND huyện đã xây dựng đề án quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng cơ cấu cây trồng, chủ động luân canh tăng vụ, tăng thu nhập. Đối với diện tích đất chuyên màu phát triển theo phương thức đa dạng hóa cây trồng, tập trung vào những cây dễ trồng, có năng suất cao, chất lượng, dễ tiêu thụ. Vùng đất màu ở các xã: Giao Phong, Giao Yến, Giao Thịnh, Thị trấn Quất Lâm… tiếp tục phát triển mạnh các loại cây như lạc, dưa, ngô, rau các loại… Các xã Giao Hà, Hoành Sơn, Giao Nhân… trồng gối lứa các loại rau màu có giá trị kinh tế cao, huyện từng bước xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn theo chương trình Việt GAP, rau giống, rau sạch phục vụ chế biến xuất khẩu đi đôi với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, đồng thời từng bước phát triển cây vụ đông làm nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu như: cà chua, dưa chuột, dưa hấu, ngô ngọt, ớt xanh, cải dầu… Trong kế hoạch sản xuất rau màu năm 2012, tổng diện tích trồng lạc toàn huyện là 420ha, đậu tương 450ha, ngô 400ha, khoai tây đông 120ha, rau các loại 2.500ha… Huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa và từng bước tích tụ ruộng đất để sản xuất theo vùng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình, kiên cố hóa kênh mương, cải tạo và nâng cấp hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu nước. Luân canh tăng vụ đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân, vừa thay đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế; phấn đấu mỗi ha đất màu thu nhập từ 150-300 triệu đồng/năm./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com