Khuyến nông - Khuyến ngư: Đôi điều cần bàn (tiếp theo và hết)

07:03, 12/03/2012

[links()]

(Tiếp theo và hết)

II - Cần đẩy nhanh việc nhân rộng mô hình

Thực tế những năm qua lực lượng khuyến nông - khuyến ngư đã thực sự là nơi chọn lọc, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông, ngư dân ứng dụng vào phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản. Công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình khuyến nông, khuyến ngư đã chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao dân trí, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật và kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất, từ đó tăng năng suất, chất lượng và sản lượng nông, ngư nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông, ngư dân. Đồng thời từng bước thay đổi cách nghĩ, tập quán canh tác, củng cố quan hệ sản xuất của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, làm đổi mới bộ mặt nông thôn. Với cả trăm mô hình, hàng ngàn lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới hiệu quả, dễ làm, dễ áp dụng đã mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế và xã hội.

Trồng rau theo quy trình VietGAP ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).
Trồng rau theo quy trình VietGAP ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Tuy nhiên, trước những mô hình mới, tiến bộ nhưng với nhiều nguyên nhân, việc nhân ra diện nhìn chung trên địa bàn toàn tỉnh còn rất chậm, thiếu tính nhạy bén khi tiếp cận cái mới. Trước kia ứng dụng công nghệ cấy mạ non với phương thức gieo mạ nền thay cho mạ dược hiệu quả rõ ràng, nhưng cũng 5-7 năm mới "bẩy" được tư tưởng của nông dân Trực Ninh, bỏ tập quán gieo mạ dược. Gần đây nhất (cũng đã 5-6 năm khuyến nông xây dựng mô hình) tiến bộ kỹ thuật gieo sạ hàng thay cho gieo mạ, cấy truyền thống; nông dân không phải lấy bùn, gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa… nghĩa là giảm toàn bộ công lao động nặng nhọc; chỉ với ống gieo sạ hàng mỗi người một ngày gieo cả ha ruộng (bằng cả 30 người nhổ mạ, cấy), giảm 1/3 đến 1/2 lượng thóc giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa 7-8 ngày, năng suất lúa tăng so với cấy truyền thống 10-15%... Song suốt từ vụ lúa xuân năm 2007 đến nay (hơn 5 năm, với 11 vụ sản xuất lúa) mặc dù tỉnh, huyện đã có cơ chế khuyến khích mở rộng diện tích gieo sạ như hỗ trợ công cụ sạ hàng… đến vụ lúa xuân năm 2011, tổng diện tích gieo sạ của toàn tỉnh mới chỉ đạt trên 1.100ha, bằng 1,4% tổng diện tích gieo cấy lúa vụ xuân(?!). Vụ xuân năm 2012 theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu mở rộng diện tích gieo sạ đạt từ 20% tổng diện tích trở lên, nhưng kết thúc vụ gieo cấy các địa phương mới tổ chức gieo sạ 7.406ha, bằng 9,5% diện tích và đạt 47,5% so với kế hoạch (!). Và cũng phải nói thêm không phải khuyến nông xây dựng mô hình gieo sạ 1 lần mà suốt từ vụ xuân năm 2007 đến nay, hầu như vụ xuân nào lực lượng khuyến nông cũng xây dựng mô hình để minh chứng hiệu quả hơn hẳn, tính bền vững và tổ chức hội nghị tham quan, hội thảo đầu bờ… hoàn thiện quy trình, in thành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật tuyên truyền cũng như phát tới tận người nông dân. Đối với mô hình trồng lạc ở Vụ Bản cũng tương tự. Chị Nguyễn Thị Thu, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Vụ Bản tâm sự: "Công nghệ che phủ ni-lon trên cây lạc được chúng tôi xây dựng mô hình trình diễn cả trong vụ xuân và vụ đông từ năm 2007, năng suất, hiệu quả rất thuyết phục so với phương pháp canh tác truyền thống nhưng để nhân rộng thật khó…". Thực tế mô hình thâm canh cây lạc được khuyến nông Vụ Bản triển khai ngay trên đồng đất của địa phương đang trồng đại trà, không tăng phân bón, hạn chế được công tưới, không phải làm cỏ, vun gốc… rút ngắn thời gian sinh trưởng 10-15 ngày và tăng năng suất 20-30% so với đối chứng. Mô hình đã được tổ chức tham quan, hội thảo, rút kinh nghiệm không chỉ một vài lần, thậm chí chuyên gia, lãnh đạo Bộ NN và PTNT về kiểm tra khẳng định tính hiệu quả, song đến nay tỷ lệ các hộ thâm canh lạc theo phương pháp này có tăng nhưng cũng chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng số gần 6.000ha lạc trồng vụ xuân toàn tỉnh và trên dưới 1.000ha lạc giống vụ đông. Mô hình nuôi cá lóc bông cho thu nhập gấp 2-3 lần nuôi cá truyền thống cũng chỉ duy trì được ở một số hộ của Nghĩa Châu, Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), một số hộ tại vùng chuyển đổi của Hải Hậu, Xuân Trường… mà không tổ chức được thành vùng nuôi tập trung. Hoặc trồng khoai tây Solara, Diaman cũng chỉ ở một số xã, HTX Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Cường (Ý Yên), Liên Minh, Bảo Xuyên, Trung Thành (Vụ Bản), Giao Thịnh, Giao Phong (Giao Thủy)… Ngay vùng đồng màu 4-5 xã thuộc đường Vàng của huyện Nam Trực cũng chưa nhiều hộ "mặn mà" với cây khoai tây đông giống Đức, Hà Lan hiệu quả cao, chất lượng ngon, ít nhiễm bệnh héo xanh, héo rũ… này. Trao đổi về việc các mô hình hiệu quả cao dễ làm nhưng khó nhân ra diện rộng, đồng chí Đào Viết Tâm, giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cho biết: "Nguyên nhân thì có nhiều, cả ở phía nông dân, cả ở lực lượng khuyến nông - khuyến ngư, có cả liên doanh liên kết… nhưng cái chính là sự tổ chức sản xuất ở địa phương, nhất là cấp xã…". Được sự quan tâm của tỉnh, đến nay tổ chức khuyến nông - khuyến ngư đã đủ về số lượng từ tỉnh xuống tận các xã, thị trấn và đội ngũ khuyến nông - khuyến ngư cơ sở đã được điều chỉnh mức phụ cấp theo bằng cấp được đào tạo, song trình độ không đồng đều. Trong số 388 khuyến nông - khuyến ngư cơ sở, số người tốt nghiệp đại học chỉ có 47, bằng 12%; số người có bằng trung cấp 219, bằng 56,4%, vẫn còn 122 người, chiếm 31,6% chưa được đào tạo (?) mà lực lượng này đã được kiện toàn không phải chỉ 1 năm. Được biết ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái… lực lượng khuyến nông - khuyến ngư cơ sở đều tuyển trình độ đại học (!). Hơn nữa 122 khuyến nông - khuyến ngư cơ sở của tỉnh ta chủ yếu học và làm nghề trồng trọt, chăn nuôi còn nghề thủy sản rất hiếm. Mặt khác lực lượng lao động chính làm nông nghiệp ở nông thôn chất lượng hiện nay thấp bởi vì số người có trình độ học vấn cao đã thoát ly, số người có sức khỏe khá đi công nhân, làm nghề, thậm chí đi kiếm việc tại các thành phố, thị xã lớn… nên ở nông thôn hiện tại chủ yếu là người già, trẻ em và một số yếu về trình độ, yếu về sức khỏe, hoặc vì lý do hoàn cảnh… nên tiếp thu khoa học kỹ thuật chậm, hoặc nghĩ được nhưng "lực bất tòng tâm". Liên kết giữa các hộ cũng lỏng lẻo vì ai lo ruộng nhà nấy, có chăng cũng chỉ là đổi công khi cấy và khi gặt. Liên doanh liên kết với các doanh nghiệp khó khăn, thậm chí đã nhiều địa phương liên doanh với các doanh nghiệp làm vụ đông xuất khẩu, trồng rau màu xuất khẩu… nhưng "tại anh, tại ả", vì lợi nhuận doanh nghiệp ép giá thay vì chia sẻ lợi nhuận với nông dân, vì giá thị trường cao hơn, nông dân "tuồn" sản phẩm ra thị trường, chẳng ai giữ hợp đồng trách nhiệm… Song cái chính vẫn là các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa vào cuộc. Rõ ràng không nông dân nào trồng cây vụ đông mới một mình, vì ai lo nước, ai bảo vệ; không ai làm IPM một ruộng vì sâu, bệnh từ các ruộng lân cận tràn sang… Một điều hiển nhiên không ai gieo sạ hàng, đưa máy gặt đập liên hợp vào chỉ riêng ruộng của gia đình mình trong khi cả làng, cả xã vẫn nhổ mạ cấy, vẫn dùng liềm cắt lúa. Muốn làm được việc này phải có Đảng, chính quyền chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng chí Vũ Văn Hoạt, bí thư chi bộ xóm 5 xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) trao đổi: "Ban chi ủy, thôn trưởng chúng tôi đã tổ chức đi tham quan một số địa phương trong tỉnh gieo sạ hàng, mời cán bộ khuyến nông - khuyến ngư tỉnh về hướng dẫn kỹ thuật. Chi bộ họp, xóm họp… nên ngay vụ xuân năm 2009 cả 50ha của thôn được gieo sạ hàng thay cho cấy truyền thống. Từ khâu giống, ngâm ủ, gieo sạ… chúng tôi làm tập trung. Từ đó đến nay trên cánh đồng 50ha xóm 5 của chúng tôi không hộ nào dùng mạ cấy…". Ở HTX Tử Mạc, xã Yên Trung (Ý Yên) do biết vận động và tổ chức xã viên của ban chủ nhiệm, của bí thư chi bộ, của trưởng các thôn, đội… nên nhiều năm nay 90-95% diện tích cấy lúa được gieo sạ hàng kể cả 2 vụ xuân, mùa, năng suất tăng trên dưới 10%. Trong khi các xã Nam Mỹ (Nam Trực), Xuân Kiên (Xuân Trường)… đã chuyển sang gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp nhưng nhiều xã vẫn cấy truyền thống(?). Trong khi vụ xuân năm 2012 huyện Nam Trực gieo sạ hàng trên 2.000ha, chiếm gần 30% diện tích thì Mỹ Lộc cả huyện chỉ có 8ha gieo sạ, bằng 0,22% tổng diện tích gieo cấy(?). Hoặc trước việc triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, UBND xã Tân Thịnh (Nam Trực) quyết định trích quỹ khuyến nông hỗ trợ toàn bộ giống lúa cho nông dân, chỉ đạo HTXNN, ban nông nghiệp xã xây dựng cánh đồng mẫu lớn với 100% diện tích được gieo sạ hàng và đồng nhất gieo 1 loại giống lúa chất lượng cao Bắc thơm số 7 trong khung thời vụ tốt nhất. Nếu Đảng, chính quyền xã, thôn (xóm) không vào cuộc, không vận động, không đứng ra tổ chức chắc chắn cái mới, cái tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp sẽ không thể nhân rộng được. Ban nông nghiệp xã được kiện toàn và hoạt động có "thâm niên", HTXNN đã chuyển đổi theo Luật HTX nhiều năm nay chả lẽ vẫn cứ để yếu kém mãi sao? Trong lúc đưa ngành nghề về nông thôn đang gặp khó khăn, nếu không tổ chức lại sản xuất nông nghiệp làm sao làm ra nhiều của cải để xây dựng nông thôn mới, để có vốn phát triển công nghiệp. Các ban quản lý HTXNN vẫn kêu khó hoạt động nhưng từ khi chuyển hoạt động theo Luật HTX đã mấy nơi tổ chức thêm các dịch vụ ngoài các dịch vụ bắt buộc từ thời bao cấp (?). Không đưa các tiến bộ kỹ thuật, không đưa phương pháp canh tác mới vào sản xuất, không tổ chức cho xã viên sản xuất ra hàng hóa từ nông nghiệp, không dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho xã viên… làm sao có kinh phí, có uy tín để hoạt động và tồn tại, chứ nói gì đến phát triển.

Rồi đây các cấp ủy Đảng, chính quyền sẽ có đánh giá lại hoạt động của Ban nông nghiệp xã, hoạt động theo Luật HTX của HTXNN tại 209 xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, sẽ chỉ ra những việc đã làm được, những mặt yếu kém để khắc phục. Một điều hiển nhiên lực lượng khuyến nông - khuyến ngư là liên tục xây dựng mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững… Để nhân ra diện rộng không ai khác ngoài cấp ủy Đảng, chính quyền sở tại đảm trách, không ai làm thay được. Đã đến lúc cần đánh giá thực chất vai trò cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương bằng sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay./.

Bài và ảnh: Tất thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com