Báo động tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động ở làng nghề Bình Yên

09:03, 17/03/2012

Vào đến làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) chúng tôi như bị ngộp thở vì mùi khét lẹt của khói từ lò cô nhôm tỏa ra. Đồng chí cán bộ trạm y tế xã đi cùng cho biết: Ngay cạnh trạm y tế xã có một lò cô nhôm, khiến cho hoạt động của cán bộ, nhân viên trạm y tế hết sức khó khăn, nhiều khi vừa khám bệnh phát thuốc cho bà con, vừa phải đưa tay lên bịt mũi vì khẩu trang không thể ngăn nổi khói bụi. Còn giáo viên và học sinh trường THCS và tiểu học ngay gần đó thì vừa ngồi học vừa ho, ngạt mũi. Trên các con đường liên thôn vào làng Bình Yên, lề đường không còn chỗ trống vì các hộ làm nghề đổ xỉ than, cặn nhôm... Các dòng sông tiêu bao quanh làng nghề đều có màu vàng ệch, dòng nước ứ đọng vì rác thải. Các rãnh thoát nước bên đường trong các dong xóm đều không có nắp đậy. Ông Trần Văn Túc, trưởng thôn Bình Yên đưa tôi đi thực tế tại các hộ sản xuất. Quang cảnh ở các cơ sở sản xuất đều giống nhau: xưởng sản xuất ọp ẹp, tạm bợ với mái lợp phi-brô xi măng, mọi diện tích từ cổng vào đến sân, trong nhà đều được tận dụng để chứa nguyên liệu, sản phẩm và đặt máy móc, lối đi chật hẹp. Vào thăm hộ ông Đoàn Văn Hải làm tẩy rửa nhôm chúng tôi không thể đứng lâu vì đầu óc choáng váng, ngộp thở. Khu vực tôi tẩy được bố trí trong khoảng diện tích chưa đầy hai chục mét vuông có 5-6 lao động với cả ba khâu, trong đó có lò tôi và rửa hóa chất “cực kỳ độc hại, nguy hiểm” và hai bể nước để tráng rửa cuối cùng. Hai lò than lúc nào cũng đỏ rực với hai nồi nước có hóa chất để nhúng sản phẩm tôi tẩy.

Vận hành máy đột dập, cắt nhôm ở làng nghề Bình Yên.
Vận hành máy đột dập, cắt nhôm ở làng nghề Bình Yên.

Hiện tại, làng nghề Bình Yên có trên 300 hộ làm nghề với 180 hộ tẩy rửa, trên 100 hộ cô đúc và 38 hộ cán nhôm. Ngoài việc sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất như a-xít, crôm, xút…, các hộ còn sử dụng nhiều loại máy móc như máy cán, máy đột dập… Nhưng ở tất cả các xưởng sản xuất đều không có bất cứ một tấm bảng, biển, nội quy, cảnh báo, hướng dẫn quy trình an toàn sản xuất hay sử dụng thiết bị. Ở làng nghề Bình Yên, tuy chưa có tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người nhưng tai nạn lao động thông thường như đứt chân, xẻ tay khâu vài ba mũi, thậm chí tháo đốt ngón tay… xảy ra thường xuyên. Có người đã mất một mắt vì bị mảnh nhôm bắn vào trong lúc làm việc. Trang thiết bị phòng hộ cá nhân của người lao động ở đây chủ yếu chỉ có găng tay vải, ủng cao su, khẩu trang, mắt hầu như không được che chắn, bảo vệ. Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN và MT), điều tra gần đây tại làng nghề Bình Yên, lượng phốt pho tổng vượt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) từ 1,09 lần đến 7,6 lần; thông số kẽm vượt TCVN từ 7,7 lần đến 33,8 lần; mỗi tháng xả thải ra môi trường hàng chục tấn chất thải độc hại từ quá trình sản xuất (bao gồm cặn nhôm, xỉ than/tro, các chất thải khác) và một lượng lớn nước thải có chứa xút, a-xít, cặn crôm, không được thu gom xử lý gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Quá trình cô nhôm, đốt than, nung chảy phế liệu nhôm, vỏ lon phát sinh một lượng lớn các khí thải độc hại đang gây ô nhiễm tới môi trường không khí làng nghề với một lượng lớn khí độc hại như khói, bụi, CO, SO2, NO2, hơi xút, thải ra khói bụi kim loại, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường không khí. Các máy cán nhôm, máy thụt... hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn. Sức khỏe người lao động và người dân làng nghề bị gây hại hằng ngày, không chỉ trực tiếp mà còn gây hậu quả lâu dài vì các hóa chất độc hại này tồn tại lâu trong môi trường đất, nước ngầm, khi nhiễm vào cơ thể người trở thành nguyên nhân gây nên các loại bệnh tật. Đồng chí Trần Xuân Đảo, trưởng trạm y tế xã cho biết: Từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã có tới 20 người chết (trong tổng số gần 70 trường hợp tử vong) vì các bệnh ung thư phổi, ung thư vòm họng, dạ dày; có 60-65% dân số trong xã bị mắc các bệnh về đường hô hấp.

Đã có nhiều chương trình, dự án cải thiện môi trường làm việc và môi trường sống được triển khai ở làng nghề Bình Yên như: Xây dựng bãi chôn lấp và xử lý chất thải rắn từ nguồn vốn ngân sách về môi trường của tỉnh; xây dựng hồ thu gom nước thải, hồ sinh học chứa nước thải để xử lý trước khi thải ra môi trường; nâng cao ống khói để thải không khí lên cao… Nhưng do quy mô sản xuất của các hộ phát triển nhanh, hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường, chấp hành quy định về bảo đảm ATVSLĐ của người làm nghề yếu kém nên chỉ sau khi dự án chấm dứt ít lâu thì tình trạng ô nhiễm lại tái diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Các ống khói tuy được nâng cao nhưng làm bằng chất liệu vỏ tôn, có nhà ghép nối các thùng phuy, khói bụi có chứa hóa chất ăn mòn, lại thêm độ cao trên 10m mà thành ống khói không dày nên các ống khói nhanh bị gió xô đổ, hoặc thủng lỗ chỗ dẫn đến khói vẫn thoát ra ở tầm thấp. Còn hệ thống máy lọc nước thải kim loại thuộc dự án “Kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề” năm 2011 do Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) phối hợp với Cty CP Công nghệ thân thiện môi trường Bách Khoa (BKEST), Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường (Sở TN và MT) nghiên cứu và thực hiện cũng đã dừng hoạt động từ lâu đang nằm phơi mưa nắng trong vườn nhà anh Trần Văn Tuấn vì công suất lọc không kịp với lượng nước thải sản xuất, chưa kể chi phí “quá tốn kém” nên chủ hộ đã ngừng sử dụng. Nước thải độc hại tiếp tục chảy “vô tư” ra môi trường?!

Từ thực trạng trên, đi đôi với tuyên truyền giáo dục, UBND xã cần phải có biện pháp xử lý kiên quyết các hộ không chấp hành quy định. Các cơ quan chức năng về ATVSLĐ-PCCN cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện vi phạm và hướng dẫn biện pháp khắc phục, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về ATVSLĐ-PCCN trong làng nghề./.

Bài và ảnh: Trần Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com