Nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng trong các cơ sở khám chữa bệnh

08:11, 01/11/2011
Tiểu phẩm của Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng tại hội thi "Tuyên truyền về thực hiện quy tắc ứng xử " ngành Y tế tỉnh Nam Định năm 2011.
Tiểu phẩm của Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng tại hội thi "Tuyên truyền về thực hiện quy tắc ứng xử " ngành Y tế tỉnh Nam Định năm 2011.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về chăm sóc người bệnh toàn diện (CSNBTD), những năm qua các cơ sở y tế, bệnh viện trong tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo CSNBTD (hay Hội đồng Điều dưỡng); tổ chức mô hình phân công chăm sóc bệnh nhân theo đội (gồm bác sĩ, điều dưỡng) hoặc theo nhóm (bao gồm 2-3 điều dưỡng trở lên). Nhiều bệnh viện đã bố trí điều dưỡng viên làm việc theo ca tại các khoa trọng điểm như hồi sức cấp cứu, chăm sóc sau phẫu thuật, khoa chăm sóc đặc biệt; bổ sung trang thiết bị, phương tiện phục vụ chăm sóc người bệnh. Cùng với hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, tỉnh ta còn có Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng có 80 giường bệnh; Hội Điều dưỡng tỉnh có 22 chi hội với tổng số 1.281 hội viên, trong đó có 209 hội viên có trình độ đại học, 173 hội viên có trình độ cử nhân cao đẳng. Nhiều năm qua, Hội Điều dưỡng tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị của ngành Y tế và tổ chức công đoàn hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hội viên học tập nâng cao trình độ; tổ chức các hội thi điều dưỡng viên giỏi, thanh lịch; tham gia nghiên cứu khoa học… Hằng năm, các hội viên được tham gia các lớp tập huấn do Bộ Y tế, Trung ương Hội tổ chức về quản lý và lãnh đạo điều dưỡng, đào tạo giảng viên về chăm sóc người bệnh nhiễm HIV/AIDS, các lớp về kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc chuyên khoa. Hội Điều dưỡng tỉnh và các chi hội cơ sở cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về chăm sóc cơ bản và chăm sóc chuyên khoa, giao tiếp ứng xử và văn hóa nghề nghiệp cho hội viên, đồng thời, tổ chức cho hội viên ký kết thực hiện về giao tiếp và văn hoá nghề nghiệp theo hướng dẫn của Trung ương Hội. Hội Điều dưỡng tỉnh còn tham gia dự án về nâng cao kỹ năng truyền thông giáo dục sức khoẻ (GDSK) của Hội Điều dưỡng Việt Nam triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Giao Thuỷ và Bệnh viện Phụ sản tỉnh. Hội đã tổ chức biên soạn 60 chủ đề GDSK cho người bệnh và gia đình người bệnh. Các chủ đề GDSK có nội dung thiết thực và đã được áp dụng rộng rãi. Đến nay, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần đã sử dụng bộ tài liệu này và phát triển các tài liệu chuyên khoa có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động do Hội phát động như: Chiến dịch rửa tay và rửa tay đúng quy trình đến nay đã trở thành thường quy; mở các lớp đào tạo, hội thảo về kỹ năng truyền thông giáo dục sức khoẻ, kỹ năng chăm sóc người bệnh nhiễm HIV/AIDS, kỹ năng giao tiếp với sự tham gia của hàng trăm lượt người; mở các lớp tập huấn về kỹ năng kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, chăm sóc người bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn quy trình chăm sóc người bệnh, sử dụng thuốc an toàn… Đặc biệt, hằng năm các chi Hội Điều dưỡng ở các bệnh viện đều có các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) được áp dụng, các sáng kiến cải tiến trong chăm sóc người bệnh, điển hình là các chi Hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tâm thần… Đến nay, phong trào NCKH đang khởi sắc tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện; trong đó, chi Hội Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu là một trong những điểm sáng về phong trào lao động sáng tạo. Hằng năm, bệnh viện đều mở các hội nghị báo cáo khoa học, là diễn đàn cho điều dưỡng hộ sinh của bệnh viện được thảo luận, chia sẻ các kết quả nghiên cứu của mình. Nhiều năm liền, Hội Điều dưỡng tỉnh đều có đề tài khoa học đạt giải tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật, được cấp giấy công nhận giải pháp sáng kiến cải tiến cấp tỉnh… Năm 2010, Hội Điều dưỡng tỉnh có 2 giải pháp được cấp giấy công nhận giải pháp sáng kiến cấp tỉnh là: Giải pháp "Nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh trầm cảm điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh" của điều dưỡng viên Mạc Thị Hồng Nhung và “Đánh giá công tác chăm sóc người bệnh toàn diện tại Khoa Nhi Bệnh viện huyện Giao Thủy” của điều dưỡng viên Phan Thị Hợi. Ngoài ra Hội Điều dưỡng tỉnh và các chi hội cơ sở còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Ban Quân dân y, Đoàn Thanh niên và Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định tổ chức chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại các xã Tam Thanh, Thành Lợi (Vụ Bản); chăm sóc trẻ em khuyết tật tại Thành phố Nam Định; hỗ trợ người bệnh nghèo ở các chi Hội Bệnh viện Đa khoa các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác điều dưỡng hiện vẫn còn tồn tại như: Ban chỉ đạo CSNBTD ở một số đơn vị chưa hoạt động thường xuyên. Việc giao tiếp ứng xử với người bệnh và đồng nghiệp ở một số điều dưỡng viên còn hạn chế khiến người dân phàn nàn về cách ứng xử, tác phong làm việc, ảnh hưởng tới uy tín của bệnh viện, chất lượng chăm sóc người bệnh... Hội Điều dưỡng tỉnh và lãnh đạo các bệnh viện cần tập trung chỉ đạo, có biện pháp khắc phục để đội ngũ những người làm công tác điều dưỡng khắc phục, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com