Thực hiện đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới - Nhìn từ cơ sở kỳ I)

02:06, 16/06/2010

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, phát triển toàn diện khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn no ấm, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hoá. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đang tích cực triển khai các bước thực hiện chủ trương lớn, quan trọng này. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai tại các xã thực hiện thí điểm cho thấy bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nhiều khó khăn, vướng mắc đang nảy sinh cần có những giải pháp khắc phục và lộ trình thực hiện phù hợp...

 

Nông thôn Giao Hà (Giao Thuỷ) hôm nay.  Ảnh: Dương Đức
Nông thôn Giao Hà (Giao Thuỷ) hôm nay. Ảnh: Dương Đức

I - HIỆN TRẠNG NÔNG THÔN SAU HƠN 20 NĂM ĐỔI MỚI

Trong sự phát triển chung, sau hơn 20 năm, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo đã mang lại cho nông thôn tỉnh ta sự đổi thay, phát triển toàn diện. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh đã được tập trung đầu tư nâng cấp, làm mới. Nhiều địa phương đã hoàn thành rải nhựa 100% đường liên xã, đường trục xã, bê tông hoá 100% đường dong ngõ xóm, xây dựng được hệ thống trường học từ mầm non đến THCS, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động phát triển kinh tế ở địa bàn nông thôn trong tỉnh khá phong phú, đa dạng. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngoài duy trì sản xuất thâm canh lúa, nhiều địa phương đẩy mạnh sản xuất rau màu, phát triển nuôi trồng chế biến thuỷ hải sản; phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh. Hầu hết các làng nghề truyền thống được khôi phục, nhất là các làng nghề cơ khí, dệt, gỗ mỹ nghệ đang phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ kỹ, mỹ thuật. Ở một số địa phương đã có cụm công nghiệp làng nghề. Xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh mới như mô hình sản xuất, chăn nuôi theo quy mô trang trại, doanh nghiệp, tổ hợp... Đời sống vật chất tinh thần của các hộ dân khu vực nông thôn theo đó được thay đổi cơ bản, không còn hộ đói, không còn nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, theo chuẩn hiện hành các xã đều còn dưới 10%, nhiều xã chỉ còn 3-4%, tập trung vào các đối tượng người già, neo đơn, người tàn tật. Hầu hết các hộ dân đều có phương tiện nghe nhìn, xe máy; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, có điện thoại cố định, có nhà vệ sinh tự hoại... ngày một cao. Khoảng cách phát triển giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị được rút ngắn đáng kể. Khảo sát thực tế tại một số xã trong tỉnh càng thấy rõ hơn những kết quả, thành tựu xây dựng, phát triển nông thôn của tỉnh. Xã Hiển Khánh được biết đến là địa phương thuộc vùng chiêm trũng của huyện Vụ Bản. Trước đây, 95% số hộ trong xã làm nông nghiệp, chủ yếu là độc canh cây lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở hạ tầng kém phát triển... Những năm qua, trong xu thế phát triển chung, xã Hiển Khánh đã có sự chuyển biến tích cực về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Ngoài duy trì sản xuất lúa hai vụ, Hiển Khánh chú trọng phát triển sản xuất rau màu vụ đông, phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản; đặc biệt bước đầu đã thực hiện phát triển sản xuất CN-TTCN, trong đó địa bàn xã hiện đã có 1 nhà máy sản xuất vật liệu quy mô lớn, một số tổ hợp may công nghiệp, thu hút khá đông lao động khu vực nông nghiệp sang làm việc. Những năm gần đây, giá trị sản xuất của xã đạt xấp xỉ 40 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị sản xuất TTCN - dịch vụ chiếm 25%... Huy động tổng hợp các nguồn lực, những năm qua, xã Hiển Khánh đã tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài 2,5km quốc lộ 21A, 5km tỉnh lộ 492 chạy qua, đến nay xã đã làm được 307,5km đường gồm đường trục xã, liên xã, đường trục thôn xóm, đường dong ngõ và đường giao thông nội đồng, trong đó 80% đường giao thông của xã được đổ nhựa và bê tông hoá. Xã có hệ thống thuỷ lợi gồm 8 kênh mương có tổng chiều dài 15km, 500 cống lớn nhỏ đảm bảo các yêu cầu tưới tiêu; hệ thống điện có 5 trạm biến áp tổng công suất 950 KVA, 27,5km đường dây hạ thế. Xã cũng đã xây dựng được 4 trường học cao tầng, trong đó 2 trường tiểu học, 1 trường THCS đã đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có trường THPT Nguyễn Bính đứng chân. Xã có 34 cơ sở văn hoá, thể thao, tín ngưỡng, có 1 chợ rộng 1500m2 nằm ở vị trí trung tâm xã, 1 trung tâm bưu chính viễn thông của huyện, 1 điểm bưu điện văn hoá, 5 điểm truy cập internet tại địa bàn khu dân cư. Đến thời điểm hiện nay, xã Hiển Khánh không còn nhà dột nát, tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố của xã đạt 85%, trong đó gồm nhà ở của các hộ thuần nông, diện tích phổ biến từ 240-1000m2 gồm nhà chính, nhà phụ, sân, vườn, ao; nhà ở của các hộ kinh doanh dịch vụ bám ven các trục đường chính, rộng từ 120m2 trở lên được xây dựng theo hình ống, phục vụ sinh hoạt ăn ở kết hợp với kinh doanh. Xã Hiển Khánh cũng đã xây dựng được một nhà máy nước, trị giá hơn 6 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho 85% số hộ dân trong xã. Số hộ dân có đủ các công trình nhà tắm, hố xí tự hoại, nước sạch đạt 65%; 11/11 thôn trong xã có đội thu gom rác thải. Cùng với 3 trường học, trạm y tế của xã cũng đã đạt chuẩn quốc gia, 45% số dân trong xã đã được tham gia các hình thức bảo hiểm y tế...

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, địa bàn nông thôn trong tỉnh hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù đã được tập trung đầu tư nhưng nhìn chung hệ thống cơ sở hạ tầng ở nhiều vùng nông thôn trong tỉnh vẫn chưa đạt được sự kiện toàn, đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu dân sinh cũng như các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Hoạt động phát triển kinh tế nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là quy mô kinh tế hộ gia đình. Sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm một phần lớn trong cơ cấu kinh tế; giá trị sản xuất CN-TTCN, dịch vụ mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu. Đặc biệt, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở khu vực nông thôn vẫn còn rất thấp. Ở nhiều địa phương, nông dân vẫn đang loay hoay trên mảnh ruộng, thửa vườn của mình bởi nhiều thứ thiếu: thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu thông tin thị trường. Để đảm bảo cuộc sống, rất đông lao động ở khu vực nông thôn trong tỉnh phải tìm về các thành phố tìm kiếm việc làm thêm để lại nhiều hệ luỵ xã hội phức tạp. Thu ngân sách của các xã thuộc địa bàn nông thôn nhìn chung còn thấp, nhiều xã chưa đảm bảo chi thường xuyên, cần có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp trên. Trong khi đó, địa bàn nông thôn trong tỉnh hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; tai tệ nạn xã hội có xu hướng ngày càng gia tăng; các giá trị văn hoá truyền thống mang đậm dấu ấn làng quê đang ngày càng bị mai một. Khảo sát tại một số địa phương càng thấy rõ hơn thực tế này. Xã Giao Hà (Giao Thuỷ) có 2586 hộ dân, trong đó có 2300 hộ làm nông nghiệp, chiếm 85% tổng số hộ trong xã. Những năm gần đây, giá trị sản xuất của xã đạt trên dưới 70 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp chiếm đến 70%, CN-TTCN, ngành nghề chỉ chiếm có 10%. Xã có 5100 người trong độ tuổi lao động nhưng hiện chỉ có 11% số lao động đã qua đào tạo. So với bộ tiêu chí xây dựng NTM Chính phủ đã ban hành, xã Giao Hà còn 15/16 tiểu mục thuộc nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội; 3/4 tiểu mục thuộc nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất; 10/11 tiểu mục thuộc nhóm tiêu chí về văn hoá - xã hội - môi trường chưa đạt./.

(Còn nữa)

Duy Hưng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com