Chảy nước mắt kèm theo chất tiết nhầy… thận trọng với viêm túi lệ

08:09, 26/09/2022

Viêm túi lệ là một bệnh lý thường gặp trong nhãn khoa, là tình trạng viêm mạn tính hoặc cấp tính tại túi lệ.

1. Tổng quan về viêm túi lệ

Viêm túi lệ là bệnh khá hay gặp ở mắt, thường do nguyên nhân tắc nghẽn lệ đạo gây ra. Lệ đạo giữ vai trò dẫn lưu nước mắt, khi lệ đạo không bị tắc, nước mắt sẽ được dẫn lưu xuống mũi và không bị ứ tắc tại túi lệ, do đó không gây ra viêm. Ngược lại, lệ đạo tắc làm nước mắt trào ngược ra ngoài và ứ đọng ở túi lệ gây nên viêm ở đây.

Khi bị viêm túi lệ sẽ gây cho bệnh nhân thường xuyên bị chảy nước mắt, mắt lúc nào cũng ứ dịch hoặc có kèm chảy mủ. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Tất cả mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc viêm túi lệ. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh và người trung niên trên 40 tuổi thường có nguy cơ cao hơn.

Tất cả mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc viêm túi lệ.
Tất cả mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc viêm túi lệ.

2. Nguyên nhân gây viêm túi lệ

Có nhiều nguyên nhân gây viêm túi lệ trong đó thường gặp nhất là vi sinh vật. Các vi sinh vật gây viêm túi lệ bao gồm: vi khuẩn Staphylococus epidermidis, Staphylococus aureus, Streptococus pneumoniae; Pseudomonas aeruginosa, Hemophilus influenzae, Proteus…

Người ta còn thấy rằng viêm túi lệ còn có nguyên nhân từ tình trạng tắc lệ đạo do chấn thương vùng mắt, mắc bệnh xoang, tắc ống lệ - mũi sau phẫu thuật xoang,...

Ngoài ra, những người mắc bệnh về mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc,... có thể gây biến chứng viêm túi lệ.

3. Biểu hiện viêm túi lệ

Tùy thuộc vào tình trạng viêm túi lệ ở đợt cấp hoặc viêm túi lệ mạn mà có biểu hiện khác nhau.

Thông thường viêm túi lệ cấp có các biểu hiện như: Chảy nước mắt nhiều, có thể kèm theo chảy mủ. Đau nhức vùng túi lệ, có thể đau tăng lên khi liếc mắt. Người bệnh thấy đau có thể lan sang các bộ phận lân cận, vùng túi lệ sưng, nóng, đỏ. Nếu không được điều trị, quá trình nhiễm trùng nặng hơn, có thể gây áp xe túi lệ. Đối với người bệnh còn có các biểu hiện toàn thân mệt mỏi, sốt, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Ở giai đoạn mạn tính các triệu chứng cụ thể thường gặp là người bệnh chảy nước mắt thường xuyên, mắt ứ nước nhiều. Đôi khi có thể kèm chảy mủ nhầy điều này khiến người bệnh khó chịu. Mắt của người bệnh dính mi mắt vì mi mắt có ghèn do chất nhầy tiết ra làm mi ướt và có ghèn. Khi đó, ấn thấy căng ở vùng túi lệ, có mủ nhầy trào ra ở góc mắt trong (góc mắt tiếp xúc gần mũi). Ngoài ra người bệnh còn thấy đau ở góc mắt trong. Nếu can thiệp bơm nước trào qua lỗ lệ đối diện có nhầy mủ kèm theo.

4. Chẩn đoán và điều trị viêm túi lệ

Dựa vào lâm sàng mà các bác sĩ sẽ chỉ định thêm chụp phim cắt lớp vùng túi lệ và hốc mắt, xét nghiệm vi sinh vật…để sẽ cho thấy rõ hình ảnh túi lệ bị viêm hay u túi lệ.

Đối với việc điều trị viêm túi lệ dựa vào tình trạng của mỗi bệnh nhân cụ thể, giai đoạn bệnh cụ thể mà các bác sĩ chỉ định.

Nguyên tắc chủ yếu là điều trị nội khoa được áp dụng cho các trường hợp viêm túi lệ cấp để giải quyết tình trạng nhiễm trùng cấp tính. Sau khi hết viêm cấp tính, bệnh nhân cần được điều trị phẫu thuật để loại trừ ổ viêm mạn tính tại túi lệ.

Viêm túi lệ cần được điều trị bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi để giải phóng tình trạng tắc nghẽn và viêm mãn tính tại túi lệ. Nếu không mổ nối thông túi lệ mũi được, bệnh nhân cần được điều trị bằng phẫu thuật cắt túi lệ.

Đối với trường hợp viêm túi lệ cấp tính chủ yếu là điều trị kháng sinh hoặc kháng sinh phối hợp Viêm túi lệ cấp tính nhằm điều trị nguyên nhân và điều trị dự phòng tái phát. Đối với điều trị viêm túi lệ mạn tính tùy thuộc vào nguyên nhân mà có các biện pháp cụ thể như:

Nếu bệnh nhân viêm túi lệ do tắc lệ đạo bẩm sinh sẽ được chỉ đạo thông lệ đạo làm giải phóng chỗ tắc ở ống lệ mũi, phục hồi lưu thông nước mắt. Nhờ vậy, không còn ứ đọng dịch viêm trong lòng túi lệ, hết viêm túi lệ.

Chích rạch áp xe nhằm tháo bớt mủ ở ổ áp xe để bệnh nhân đỡ đau và lấy bệnh phẩm để nuôi cấy tìm tác nhân gây bệnh và làm kháng sinh đồ. Ngoài ra, có thể hút mủ qua đường lệ quản hoặc rạch trực tiếp vào túi lệ qua đường rạch ở da.

5. Lời khuyên thầy thuốc

Viêm túi lệ là một vấn đề thường gặp trong nhãn khoa. Nếu không được điều trị, viêm túi lệ mạn tính gây nhiều hệ lụy trong đó thường gặp nhất là gây viêm kết mạc, viêm giác mạc. Viêm túi lệ mạn tính có các đợt viêm cấp, gây áp xe túi lệ thậm chí gây viêm tổ chức hốc mắt. Viêm túi lệ cấp có thể gây dò mủ ra ngoài da, viêm mi, hốc mắt.

Tuy nhiên, các trường hợp viêm túi lệ mạn đều có thể điều trị khỏi bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi. Tỷ lệ khỏi bệnh sau phẫu thuật từ 85% - 95% tùy theo từng nghiên cứu. Các trường hợp điều trị bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi thất bại, có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật cắt túi lệ. Tuy nhiên, sau cắt túi lệ, bệnh nhân hết viêm túi lệ nhưng vẫn bị chảy nước mắt vì không phục hồi được chức năng lệ đạo.

Để phòng bệnh viêm túi lệ mạn cần điều trị sớm các trường hợp tắc ống lệ mũi. Các trường hợp viêm túi lệ mạn được điều trị sớm thì sẽ tránh được biến chứng viêm túi lệ cấp./.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com