Nguy cơ lây truyền bệnh nấm miệng

06:02, 15/02/2021

Bệnh nấm miệng là bệnh lý mạn tính do nhiễm vi nấm, mà chủ yếu là Candida albicans. Bệnh thường không có triệu chứng đáng ngại ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên ở những người có hệ miễn dịch kém, mắc nhiều bệnh nền, nấm miệng có thể lan tới các vị trí khác và gây biến chứng.

Nguyên nhân gây bệnh nấm miệng

Nấm miệng còn được gọi là bệnh tưa miệng (tưa lưỡi) là tình trạng bị gây nên bởi nấm men chủng Candida. Đây là loại nấm sống trong miệng người, nhưng không gây hại, một khi hệ miễn dịch vẫn hoạt động tốt. Nhưng khi hệ miễn dịch gặp vấn đề hoặc xảy ra sự mất cân bằng vi sinh vật sống trong cơ thể, sự phát triển của loại nấm này sẽ bị mất kiểm soát.

Bệnh nhân cũng có thể bị nấm miệng do dùng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư (hóa trị liệu, xạ trị). Những loại thuốc này thường gián tiếp khiến số lượng vi sinh vật tốt bị giảm. Bệnh nấm miệng cũng rất phổ biến ở những người bị HIV và những người mắc bệnh đái tháo đường, do những người này thường có hệ miễn dịch kém.

Bệnh nấm miệng thường gặp ở trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người mắc nhiều bệnh nền, sức đề kháng yếu. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh nấm miệng nhưng căn nguyên chính vẫn là do miễn dịch kém. Bệnh nấm miệng hình thành nên các đốm màu trắng hoặc vàng trên bề mặt lưỡi hoặc má trong, họng và chảy máu khi bị cạo ra. Những đốm này thường biến mất nếu được điều trị đúng cách.

Nấm miệng là bệnh lành tính. Tuy nhiên, ở trường hợp có hệ miễn dịch kém, nấm miệng thường lan tới những bộ phận khác trên cơ thể và gây biến chứng.

Nấm miệng Candida là bệnh thường gặp ở trẻ em.
Nấm miệng Candida thường gặp ở trẻ em.

Triệu chứng của bệnh nấm miệng

Ở giai đoạn đầu, nấm miệng không có triệu chứng. Nhưng ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng như sau: Xuất hiện các vạt trắng hoặc vàng nhạt ở má trong, trên bề mặt lưỡi, trong họng, nướu hoặc môi. Chảy máu nếu cào mạnh vào những đốm này. Cảm giác nóng trong miệng, cảm giác như có bông trong miệng, chốc mép, khó nuốt, có vị đắng trong miệng, giảm vị giác. Trong một số trường hợp, nấm miệng còn ảnh hưởng đến thực quản. Loại nấm gây ra bệnh nấm miệng cũng có thể gây nấm ở những bộ phận khác trên cơ thể.

Bệnh nấm miệng có lây không?

Bệnh nấm miệng có thể truyền từ miệng người này sang miệng người khác qua tiếp xúc thân mật như hôn, sau đó tiếp tục phát triển gây bệnh nấm miệng, nếu người bị truyền có miễn dịch kém. Bệnh nấm miệng lây truyền qua đường tình dục. Quan hệ tình dục oral sex có thể gây lây nhiễm chéo nấm âm đạo lên miệng. Ở âm đạo, Candida albicans là loài dễ gặp, có thể lây lan và gây bệnh bất cứ lúc nào.

Phụ nữ mang thai bị nhiễm nấm âm đạo, thai nhi cũng có nguy cơ bị nhiễm nấm khi sinh, đặc biệt ở các trẻ sinh thường. Hoặc nếu phụ nữ mang thai bị nấm vú, trẻ cũng có thể bị nhiễm nấm khi bú mẹ. Ngược lại nếu trẻ bị nấm miệng cũng có thể truyền nấm sang mẹ khi bú.

Cách phòng bệnh

Để giảm nguy cơ bị nấm miệng, hãy thực hiện những cách sau đây: Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và tạo thói quen sống lành mạnh để tăng cường khả năng miễn dịch. Nên giảm đồ ăn chứa nhiều đường và tinh bột. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách chải răng 2 lần mỗi ngày kết hợp dùng chỉ nha khoa và tới nha sĩ kiểm tra định kỳ. Nếu bị khô miệng kéo dài, bệnh nhân nên đi khám để được điều trị. Tháo răng giả trước khi đi ngủ, vệ sinh răng giả hằng ngày và chỉ nên đeo loại răng giả vừa với hàm. Nếu sử dụng corticosteroid dạng hít, bệnh nhân nên súc lại miệng hoặc chải lại răng sau đó. Kiểm soát chỉ số đường huyết nếu bệnh nhân mắc đái tháo đường.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com