Xuất huyết tiêu hóa - bệnh cấp cứu nguy hiểm

05:08, 02/08/2019

Bệnh xuất huyết tiêu hóa là một bệnh xuất huyết thường gặp. Đó là hiện tượng máu nuôi dưỡng tại ống tiêu hóa chảy ra khỏi mạch, đi ra ngoài hoặc vào trong lòng mạch, từ đó sẽ xuất hiện một số triệu chứng điển hình. Bệnh cần có các biện pháp điều trị kịp thời, nếu không sẽ có nguy cơ đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

Tùy vào vị trí xuất huyết mà người ta chia xuất huyết tiêu hóa ra làm hai loại: xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới.

Nội soi phát hiện xuất huyết tiêu hóa.
Nội soi phát hiện xuất huyết tiêu hóa. Ảnh minh họa

Mức độ nguy hiểm và nguyên nhân gây xuất huyết  tiêu hóa trên

Chảy máu ở thực quản: Nguyên nhân chủ yếu gây chảy máu tại thực quản là do tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Khi gan có các mô xơ, sẹo hoặc huyết khối thì lượng máu về gan giảm, điều này làm máu bị ứ lại ở ngoại biên, trong đó có tĩnh mạch thực quản. Các tĩnh mạch này rất nhỏ nên khi lượng máu tăng lên đột ngột sẽ rất dễ vỡ. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân ít gặp hơn như loét thực quản, HC Mallory weiss,...Bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Chảy máu tại dạ dày - tá tràng: Chủ yếu là do loét dạ dày - tá tràng. Loét dạ dày thường ở bờ cong nhỏ, vùng tâm vị, mặt sau dạ dày. Tỷ lệ xuất huyết trong loét dạ dày là từ 15-16%. Loét tá tràng hiếm gặp hơn, vị trí thường ở hành tá tràng. Tỷ lệ loét tá tràng có biến chứng chảy máu là 25%.

Sự nguy hiểm và nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa dưới

Chảy máu ở ruột non: Có nhiều bệnh dẫn đến tình trạng chảy máu tiêu hóa tại ruột non trong đó có một số bệnh thường gặp trên lâm sàng như:

Viêm ruột xuất huyết: Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bởi độc tố của vi khuẩn với các biểu hiện của nhiễm khuẩn (môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi), đau bụng, tiêu chảy, phân có máu tươi hoặc màu đỏ sẫm kèm theo mất nước.

Bệnh thương hàn: Biến chứng chảy máu thường xảy ra sau 1-2 tuần do biến chứng loét ruột, hoặc thủng ruột. Bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, đại tiện phân có màu đỏ gạch hoặc sẫm.

Viêm ruột xuất huyết hoại tử: Bệnh thường xảy ra với trẻ nhỏ. Bệnh nhân có biểu hiện tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốt cao 40-410C.

Bệnh Scholein Henoch: Nguyên nhân gây bệnh được nhắc đến nhiều nhất là miễn dịch dị ứng. Bệnh nhân thường có biểu hiện chảy máu tại ruột ở thể tổn thương tiêu hóa, kèm theo các biểu hiện khác như tình trạng nhiễm khuẩn với sốt, đau khớp, đau bụng.

Bệnh Crohn: Vị trí gây hại của bệnh thường ở vùng hồi manh tràng với biểu hiện đau bụng, đại tiện phân lỏng từng đợt kèm theo sốt, máu lắng tăng. Vào giai đoạn 2 hoặc 3 của bệnh, tổn thương loét hoặc rò thủng vách ruột đã dẫn đến tình trạng chảy máu.

Lồng ruột: Thường xảy ra ở những trẻ em bụ bẫm 8-9 tháng tuổi. Khởi bệnh với đau bụng từng cơn, sau đó có dấu hiệu tắc ruột và đại tiện phân nhầy máu.

Các bệnh khác có thể gây chảy máu tại ruột non nhưng ít hơn như: lao ruột, ung thư ruột non, sốt xuất huyết, bệnh bạch cầu cấp...

Chảy máu ở đại tràng: xảy ra với tỷ lệ cao nhất trong chảy máu tại đường tiêu hóa và có biểu hiện trên các bệnh lý nghiêm trọng sau: Lỵ trực tràng với đối tượng thường gặp là trẻ nhỏ, đi ngoài phân lỏng hoặc toàn máu, màu đỏ như nước rửa thịt. Lỵ amip, sốt nhẹ, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và vùng hạ vị; đại tiện phân nhầy máu. Ung thư đại tràng bên phải thường kèm theo đại tiện phân lỏng và máu đỏ sẫm. Ung thư đại tràng bên trái thường có dấu hiệu táo bón, đại tiện phân máu tươi, ung thư trực tràng, hậu môn, bệnh thường kèm theo dấu hiệu kích thích đại tiện nhiều lần hoặc nhiều khi chảy máu hậu môn một cách tự nhiên. Viêm loét đại trực tràng chảy máu thường xảy ra ở phụ nữ trẻ với biểu hiện từng đợt bao gồm sốt, đau khớp, đau quặn bụng dọc khung đại tràng và đại tiện ra máu, thường là máu tươi. Bệnh Crohn đại - trực tràng cũng gây đại tiện lẫn máu. Trĩ nội gây chảy máu, chủ yếu là máu tươi, có thể chảy thành tia hoặc giọt. Polyp đại tràng, thường chảy máu từng đợt.

Triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa

Triệu chứng cơ năng: Nôn ra máu, máu tươi, máu đen, máu cục, có thể lẫn với thức ăn, số lượng ít hoặc nhiều. Đi cầu phân đen, phân thường có màu đen như bã cà phê, mùi thối khắm. Số lượng và tính chất máu phụ thuộc vào thời gian lưu chuyển trong ruột và lượng máu xuất huyết. Trường hợp chảy máu nhiều phân thường loãng, có nước màu đỏ xen lẫn. Trường hợp chảy máu ít phân vẫn thành khuôn, màu đen như nhựa đường, mùi khắm.

Triệu chứng thực thể: Loét dạ dày - tá tràng (đau thượng vị hay 1⁄4 trên phải). Loét thực quản (trào ngược thực quản, có rối loạn nuốt trước đây). Mallory Weiss (nôn, buồn nôn, ho nhiều). Vỡ, giãn tĩnh mạch thực quản (vàng da, yếu ớt, thiếu máu, mệt mỏi,...)

Những biểu hiện của rối loạn huyết động: Da niêm mạc lạnh, niêm mạc nhợt, trắng bệch. Mạch nhanh, khó bắt. Huyết áp giảm, hạ huyết áp tư thế. Tri giác: tỉnh, mệt, li bì, vật vã.

Sốt: 80% trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên có sốt.

Điều trị và phòng bệnh

Điều trị xuất huyết tiêu hóa tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ, nguyên nhân, vị trí chảy máu. Ngoài việc điều trị triệu chứng, ổn định các chức năng sống khi bị mất máu nặng, kết hợp dùng các thuốc co mạch, giảm tiết, kháng sinh... bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị nội khoa hoặc nội soi can thiệp, qua đó rất nhiều trường hợp xuất huyết đã được xử trí tốt.

Phòng bệnh cần không uống rượu bia và hút thuốc, không dùng các thuốc và thức ăn có hại cho dạ dày, nên ăn tăng cường chất xơ và rau quả. Trong đợt xuất huyết cần dùng các thức ăn mềm, ăn thành nhiều bữa trong ngày. Cần tái khám định kỳ theo quy định của bác sĩ để việc điều trị đạt hiệu quả.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com