Những biến chứng nguy hiểm hay gặp ở người bệnh đái tháo đường

07:06, 23/06/2019

Hiện nay tỷ lệ mắc mới đái tháo đường đang tăng rất nhanh trên thế giới. Trong số các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây nên, biến chứng thận và tim mạch là nguy hiểm. Nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tàn tật và thậm chí là tử vong do đột quỵ hoặc phải điều trị bệnh thận giai đoạn cuối rất tốn kém. Vì vậy, việc chẩn đoán sớm và điều trị sớm có thể ngăn ngừa là vô cùng quan trọng.

Người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết tốt.
Người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát đường huyết tốt.

Đối với biến chứng bệnh thận, theo BS.CK2 Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Thận Nội - Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh thận ở bệnh nhân đái tháo đường là do tăng đường máu kéo dài gây tổn thương các mạch máu nhỏ của thận do: mất protein qua nước tiểu, tăng huyết áp, phù và các triệu chứng tổn thương thận tiến triển, cuối cùng, tổn thương tiến triển dẫn đến suy thận nặng.

Trong những bệnh nhân đái tháo đường nguy cơ chuyển sang bệnh thận bao gồm: Đái tháo đường týp 1 (ĐTĐ phụ thuộc insulin): Xuất hiện ở người trẻ tuổi, cần insulin để kiểm soát bệnh. Sẽ bị bệnh thận ở bệnh nhân đái tháo đường khoảng 30 - 35%. Đái tháo đường týp 2 (ĐTĐ không phụ thuộc insulin): Thường xuất hiện ở người trưởng thành, Hầu hết các trường hợp có thể kiểm soát được mà không cần insulin. Sẽ bị bệnh thận ở bệnh nhân đái tháo đường khoảng 10 - 40%.

Một số yếu tố nguy cơ chính gây ra tình trạng bệnh nhân đái tháo đường sẽ bị bệnh thận bao gồm: Đái tháo đường týp 1 khởi phát từ trước tuổi 20. Kiểm soát đái tháo đường kém (nồng độ HbA1c cao). Kiểm soát tăng huyết áp kém. Tiền sử gia đình bị đái tháo đường và bệnh thận mạn tính. Có vấn đề về thị lực (bệnh võng mạc đái tháo đường) hoặc tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh đái tháo đường) do đái tháo đường. Có protein trong nước tiểu, béo phì, hút thuốc vàtăng lipid huyết thanh. Đái tháo đường là nguyên nhân gây bệnh thận giai đoạn cuối ở 1/3  bệnh nhân điều trị lọc máu.

Chia sẻ về những phương pháp phòng ngừa, BS.CK1 Lê Thị Bích Huyên - Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết,  bệnh nhân cần đo huyết áp và làm tổng phân tích nước tiểu bằng que nhúng 3 tháng một lần.  Xét nghiệm creatinine máu (và MLCT ước tính) hàng năm với tất cả bệnh nhân đái tháo đường. Điều quan trọng nữa là cần tái khám bác sĩ định kỳ. Cố gắng kiểm soát tốt nhất đường máu. Giữ nồng độ HbA1C < 7%. Giữ huyết áp < 130/80 mmHg (UCMC/ UCTT).  Ăn hạn chế đường và muối, và ăn chế độ giảm protein, cholesterol và mỡ. Kiểm tra thận ít nhất một lần mỗi năm bằng cách tiến hành xét nghiệm albumin niệu và creatinine máu (và MLCT ước tính).

Đối với biến chứng tim mạch, có tỉ lệ tử vong gần 70%  nếu không phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể tàn tật, mất ngón, đoạn chi, suy tim, nhồi máu cơ tim .

BS Trần Minh Triết, khoa Nội Tim mạch Bệnh viện ĐH Y dược TP Hồ Chi MInh cho biết,  “Đường huyết tăng cao và tình trạng tăng đề kháng insulin được xem là con đường chính dẫn đến các biến cố tim mạch ở người bệnh đái tháo đường.

Tuy nhiên đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Các biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường type 2 là cả một quá trình phức tạp, không chỉ do đường huyết cao mà còn do nhiều yếu tố nguy cơ khác như: lớn tuổi, hút thuốc lá, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp… Người bệnh đái tháo đường có càng nhiều yếu tố nguy cơ, thì tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh lý tim mạch càng cao.”

Hầu hết những biểu hiện tim mạch do đái tháo đường thường rất âm thầm trong giai đoạn đầu. Vì vậy, đa số người bệnh chủ quan và làm cho các biến chứng này thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị.

Các biến chứng trên tim mạch có thể được phát hiện sớm thông qua việc thăm khám và thực hiện các xét nghiệm máu cũng như đo điện tim, siêu âm tim, hoặc các nghiệm pháp đánh giá chuyên sâu khác.

Việc phát hiện sớm các biến chứng giúp cho người bệnh đái tháo đường được điều trị một cách toàn diện, ngăn ngừa các biến chứng cấp tính như nhồi máu cơ tim cấp.

Trong trường hợp không được chẩn đoán và điều trị phòng ngừa sớm, người bệnh thường nhập viện ở giai đoạn muộn, gây ra nhiều khó khăn trong việc điều trị, gia tăng tỉ lệ tử vong và chi phí điều trị, cũng như tỉ lệ phục hồi thấp. 

Bệnh thần kinh do đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể khi glucose máu và huyết áp quá cao. Điều này dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, rối loạn cương dương và nhiều chức năng khác.

Trong các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chi, đặc biệt là bàn chân do cấu tạo giải phẫu thần kinh mạch máu và tư thế của con người khác biệt hơn các cơ quan khác. Tổn thương thần kinh ở vùng này được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên và có thể dẫn đến đau, ngứa và mất cảm giác. Mất cảm giác là dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng vì nó khiến bạn mất chú ý với các chấn thương, dẫn đến nhiễm trùng nặng có thể phải cắt cụt chi. Những người tiểu đường có nguy cơ cắt cụt chi cao gấp 25 lần so với người bình thường.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com