Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng

07:08, 17/08/2017
Những năm qua, do các yếu tố như áp lực xã hội, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội… đã làm tỷ lệ người mắc các bệnh tâm thần có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo số liệu điều tra của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, toàn tỉnh hiện có 7.213 bệnh nhân tâm thần; trong đó có 4.760 bệnh nhân tâm thần phân liệt (TTPL) và 2.453 bệnh nhân động kinh (ĐK).
 
Bác sĩ Hoàng Văn Nghĩa, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Tỷ lệ người mắc chứng loạn tâm ở tỉnh ta là 14,1% tổng dân số. Phần lớn gia đình người bệnh tâm thần kinh tế có nhiều khó khăn nên ít có khả năng, điều kiện phối hợp với ngành trong việc chăm sóc, điều trị cho chính con em họ. Bệnh nhân tâm thần có tính đặc thù rất cao, đôi khi có rối loạn ý thức, không thừa nhận mình bị bệnh, có những hành vi nguy hiểm cho những người xung quanh. Trong số bệnh nhân tâm thần tại tỉnh ta, có 2 loại bệnh cơ bản là TTPL và ĐK. Bệnh TTPL là một nhóm các rối loạn não nghiêm trọng, trong đó hiểu thực tế bất thường, có thể dẫn đến một số kết hợp của ảo giác, ảo tưởng và suy nghĩ bị rối loạn và hành vi. TTPL là một bệnh mãn tính, cần điều trị suốt đời. Ở nam giới, triệu chứng TTPL thường bắt đầu từ tuổi thiếu niên hay độ tuổi 20. Ở phụ nữ, các triệu chứng TTPL thường bắt đầu ở độ tuổi 20 hoặc đầu 30. Còn bệnh ĐK là một rối loạn từ các tín hiệu điện trong não, gây co giật tái diễn. Các triệu chứng bệnh ĐK gồm ĐK cục bộ và ĐK toàn thể. Trạng thái một người thường xuyên ĐK không hồi phục tri giác giữa mỗi đợt bệnh. Đây là một tình trạng nguy hiểm, nếu không điều trị có thể dẫn tới tổn thương não hay tử vong. 
Tổ chức, cá nhân huyện Nghĩa Hưng thăm, tặng quà gia đình anh Đồng Văn Toản, xã Nghĩa Châu là bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Tổ chức, cá nhân huyện Nghĩa Hưng thăm, tặng quà gia đình anh Đồng Văn Toản, xã Nghĩa Châu là bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đến nay Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã được đầu tư xây dựng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để bảo đảm tiếp nhận điều trị nhanh, gọn những bệnh nhân tâm thần nặng mới được phát hiện, những bệnh nhân đang được điều trị tại cộng đồng tái phát, tạo tiền đề cho công tác quản lý, chăm sóc lâu dài tại cộng đồng. 100% bệnh nhân tâm thần mãn tính tại 10 huyện, thành phố trong tỉnh được Nhà nước trợ cấp theo diện bảo trợ xã hội. Trong năm 2016, với kinh phí được Trung ương cấp là 275 triệu đồng, kinh phí đối ứng của tỉnh là 1.600 triệu đồng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã duy trì thực hiện dự án ở 229 xã, phường với 4.632 bệnh nhân TTPL; khám, phát hiện đưa vào diện quản lý mới 156 bệnh nhân TTPL tại các xã, phường. Đối với bệnh ĐK, duy trì thực hiện dự án ở 169 xã, phường đã triển khai từ trước với 2.257 bệnh nhân; triển khai mới tại 15 xã, phường trên địa bàn tỉnh với 228 bệnh nhân mới. Hằng tháng có 4.094 trong tổng số 4.760 (chiếm 86,0%) bệnh nhân TTPL và 2.362/2.453 bệnh nhân ĐK (chiếm 96,2%) được uống thuốc đều theo đúng liệu trình điều trị. Đến hết năm 2016, tỷ lệ bệnh nhân tâm thần được điều trị ổn định, lao động và tự phục vụ được bản thân, tái hoà nhập được với cộng đồng chiếm tỷ lệ trên 80%. Tình trạng bệnh nhân ổn định kém, có những hành vi nguy hại cho gia đình, xã hội hoặc có hành vi gây rối trật tự công cộng, bệnh nhân có hành vi tự sát, bệnh nhân mãn tính, sa sút, đi lang thang đã giảm cơ bản, chỉ còn 105 bệnh nhân tái phát (chiếm 1,45%, 101 bệnh nhân TTPL và 4 bệnh nhân ĐK) phải tái nhập viện điều trị nội trú. Đối với bệnh nhân trầm cảm, sau một thời gian uống thuốc, hầu hết đều có tiến triển tốt. Hiện tại toàn tỉnh có 2.800 bệnh nhân bị các rối loạn tâm thần nặng khác và ĐK được theo dõi quản lý theo chương trình tỉnh (2.027 tâm thần và 773 ĐK); có 1.145 bệnh nhân được cấp phát thuốc đều hằng tháng (916 bệnh nhân tâm thần và 229 bệnh nhân ĐK); 1.655 bệnh nhân tạm ngừng thuốc nhưng vẫn được tiếp tục quản lý theo dõi. Các máy móc phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh nhân như máy siêu âm 4D, Doppler mạch máu não, kích từ xuyên sọ, điện não, lưu huyết, các trắc nghiệm và liệu pháp tâm lý... đã được triển khai hoạt động có hiệu quả. Với 200 giường bệnh, năm 2016 Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tiếp nhận, điều trị ổn định cho 1.734 bệnh nhân với gần 68 nghìn ngày điều trị nội trú; khám hơn 4.900 lượt bệnh nhân, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Chất lượng điều trị bệnh nhân tại bệnh viện đã được nâng cao. Ngày điều trị trung bình cho một bệnh nhân đã được rút ngắn: dưới 40 ngày với TTPL và dưới 30 ngày với các bệnh tâm thần khác; điều trị cắt cơn cấp tính chỉ còn từ 5-7 ngày.
 
Thời gian tới, Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp tục phối hợp với Trung tâm y tế các huyện, thành phố củng cố, hoàn thiện xây dựng mạng lưới bảo vệ sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng. Trong đó, mở các lớp tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách chuyên khoa tại các Trung tâm y tế huyện, các bác sĩ khám tâm thần tại các bệnh viện đa khoa về khám chẩn đoán, điều trị các bệnh tâm thần phổ biến. Chuyển giao kỹ thuật ghi và đọc điện não đồ cho các bệnh viện trong tỉnh có nhu cầu. Tổ chức tập huấn về phát hiện, theo dõi, quản lý cấp phát thuốc, giúp đỡ người bệnh tái hoà nhập với cộng đồng cho cán bộ trạm y tế các xã, phường, thị trấn trong tỉnh./. 
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com