Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng

08:05, 15/05/2017
Đợt nắng nóng đầu hè vừa qua, tại Bệnh viện Nhi tỉnh, số trẻ nhỏ phải nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, sốt vi-rút tăng đột biến. Những ngày này, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 200-250 trẻ vào khám, chữa bệnh, chủ yếu là trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp (chiếm khoảng 60%), tiêu hóa (chiếm khoảng 30%), còn lại là các bệnh như: sốt vi-rút, sốt phát ban, tay chân miệng, thủy đậu… Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng số trẻ em đến khám bệnh tăng trong thời gian này, các bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh cho biết: Nhiệt độ tăng cao khiến cơ thể trẻ em không thích nghi kịp. Thời tiết mùa hè cũng là môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi rút phát triển. Một nguyên nhân nữa là, nhiều bậc phụ huynh chưa biết cách chăm sóc trẻ một cách khoa học nên cũng dễ dẫn đến việc vô tình khiến trẻ mắc bệnh. Do vậy, để phòng tránh bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng, cha mẹ nên cho con uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nếu phát hiện các cháu có biểu hiện như suy nhược cơ thể, ho, khó thở, sốt cao thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn, người già cũng dễ mắc bệnh khi thời tiết nắng nóng. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vào mỗi dịp nắng nóng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 người đến khám mỗi ngày, trong đó phần lớn là người cao tuổi. Nguyên nhân do những ngày này nắng nóng kéo dài, người già thường mắc các bệnh như suy nhược, say nắng, mất nước, đặc biệt, đối với những người mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thường có các dấu hiệu nặng lên, rất dễ dẫn tới đột quỵ. Để chủ động đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh trong những ngày nắng nóng, bệnh viện sẽ huy động tối đa trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác khám, điều trị bệnh.
Khám bệnh cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Nam Định.
Khám bệnh cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố Nam Định.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch tễ trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định; tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ, bởi tỉnh ta có tỷ lệ lớn người đi làm ăn xa nên có nhiều nguy cơ mang mầm bệnh của địa phương khác về. Mặt khác, thời điểm này hằng năm, trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận các trường hợp tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, sốt xuất huyết, liên cầu lợn, cúm trên gia cầm tại một số địa phương phát triển mạnh mô hình chăn nuôi với quy mô lớn tại gia đình, là nguy cơ cao dẫn đến sự lây truyền các bệnh từ động vật, gia cầm sang người. Để chủ động phòng tránh dịch bệnh mùa nắng nóng, các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị y tế dự phòng các tuyến trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động cụ thể như: Tuyên truyền cho nhân dân hiểu và phòng tránh tác hại do nắng nóng gây ra đối với sức khỏe con người như: say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức; gia tăng bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ; gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, sốt cao, co giật… Đặc biệt, tuyên truyền đến các đối tượng dễ tổn thương là người già, phụ nữ có thai, trẻ em tại các khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, công nhân, nông dân lao động ngoài trời; người đang điều trị các bệnh: tim mạch, bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, tiêu chảy mất nước, uống rượu, vảy nến, chàm, bỏng, cường tuyến giáp… Bên cạnh đó, các địa phương cũng tuyên truyền để người dân hiểu, biết cách bảo vệ sức khỏe và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng; tham gia tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đầy đủ, đúng thời gian quy định để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị trong ngành Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh mùa hè như: tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về phác đồ điều trị, giám sát bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, tả, thủy đậu; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phòng chống bọ gậy; phun hóa chất tại các xã, phường trọng điểm về dịch bệnh. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp ngành NN và PTNT giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm; triệt để xử lý ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người, đặc biệt là các huyện đang có dịch trên đàn gia cầm; đồng thời, hướng dẫn các lực lượng tiếp xúc thường xuyên với gia cầm cách sử dụng các phương tiện bảo hộ trong quá trình triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch gia cầm. Tại các khoa khám bệnh, duy trì thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22-4-2013 về hướng dẫn cải tiến quy trình khám bệnh tại bệnh viện như: Bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt đảm bảo thoáng mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám. Tăng cường nhân lực, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh trong điều kiện nóng bức. Tại các khu điều trị, tùy điều kiện cụ thể, các bệnh viện lắp đặt quạt điện, điều hòa… đảm bảo người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; cung cấp đủ nước sạch cho người bệnh. Hạn chế tối đa nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện. Bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, hô hấp, tiêu hóa… Triển khai các giải pháp phòng chống dịch mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu… và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong những ngày nắng nóng bất thường, phòng chống dịch bệnh mùa hè. Các địa phương chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý vệ sinh môi trường, tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch. Các huyện chỉ đạo các trạm thú y tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm và gia súc, kịp thời phát hiện các ổ dịch để dập dịch và xử lý triệt để không để lan rộng. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc đi qua địa bàn và ngăn chặn các sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường; chuẩn bị đầy đủ các hóa chất và các phương tiện khác để phòng chống dịch bệnh kịp thời khi có dịch xảy ra. 
 
Để tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa nắng nóng, người dân cũng cần nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe với phương châm “phòng” hơn “chống”, thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng các nguồn thực phẩm tươi, không chế biến thịt gia súc, gia cầm đã chết hoặc nhiễm bệnh, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và ăn uống, giữ sạch nơi ở để tránh các bệnh do vi-rút lây lan, tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng. Sở Y tế và Sở NN và PTNT cần phối hợp chặt chẽ để tăng cường giám sát bệnh lây truyền từ gia súc, gia cầm sang người, tổ chức các biện pháp nhằm phát hiện sớm các bệnh dịch ở gia súc, gia cầm để sớm áp dụng các biện pháp phòng chống lây bệnh sang người, bảo vệ sức khỏe cho người dân./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com