Phát triển nền y, dược cổ truyền, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân

08:06, 17/06/2016

Thực hiện Quyết định số 2166/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nền y, dược cổ truyền đến năm 2020, những năm qua, mạng lưới khám chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền đã được củng cố từ tỉnh đến cơ sở. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) với 130 giường bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố gồm: Thành phố Nam Định, Hải Hậu, Ý Yên, Trực Ninh, Vụ Bản, Mỹ Lộc có khoa YHCT hoạt động độc lập, 5 bệnh viện đa khoa có tổ y học cổ truyền lồng ghép với khoa nội, phục hồi chức năng, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT kết hợp với y học hiện đại (YHHĐ). Phòng y tế các huyện, thành phố đều bố trí cán bộ theo dõi công tác y, dược cổ truyền trên địa bàn. Tuyến y tế cơ sở có 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có 204 trạm y tế có vườn thuốc nam mẫu và có hoạt động khám chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền. Đối với những nơi không có biên chế cán bộ y, dược cổ truyền, Trạm y tế bố trí cho chi Hội Đông y một diện tích thích hợp, trang bị y dụng cụ, tủ ô bàn quầy để triển khai phòng chẩn trị y, dược cổ truyền. Hiện tại tỷ lệ khám chữa bệnh bằng YHCT tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt khoảng 20% tổng số người đến khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó mạng lưới khám chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền ngoài công lập cũng phát triển. Hiện cả 10 huyện, thành phố có tổ chức Hội Đông y hoạt động; 165/229 xã, phường có chi Hội Đông y với 344 phòng chẩn trị của hội viên tích cực tham gia khám chữa bệnh cho nhân dân.

Cán bộ Trạm Y tế xã Yên Trung (Ý Yên) cấp phát thuốc cho bệnh nhân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Yên Trung (Ý Yên) cấp phát thuốc cho bệnh nhân.

Để phát triển nền y, dược học cổ truyền, Sở Y tế đã tích cực đào tạo nguồn nhân lực cho các tuyến. Trường Trung cấp Y tế Nam Định thường xuyên mở lớp bồi dưỡng kiến thức về y, dược cổ truyền cho cán bộ các trạm y tế xã. Bệnh viện YHCT tỉnh, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện hằng năm đều cử cán bộ đi học các lớp bác sĩ định hướng YHCT, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II và thạc sĩ YHCT. Bệnh viện YHCT tỉnh thường xuyên ký hợp đồng giảng dạy thực hành lâm sàng về YHCT cho Trường Đại học Điều dưỡng và Trường Trung cấp Y tế Nam Định; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn, kèm cặp “cầm tay chỉ việc” cho các cán bộ làm công tác khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền ở tuyến cơ sở. Cùng với phát triển nguồn nhân lực YHCT cho các cơ sở khám chữa bệnh, tỉnh cũng quan tâm phát triển ngành sản xuất thuốc YHCT. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu có trang thiết bị hiện đại gồm các Cty: Nam Dược, Trường Thọ, Nam Hà, Hoa Sen với doanh số hằng năm trên 300 tỷ đồng. Việc sưu tầm, khai thác ứng dụng các bài thuốc hay, các cây thuốc quý và những kinh nghiệm trong phòng và chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực. Các thầy thuốc YHCT đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất thuốc trên địa bàn kế thừa các bài thuốc hay, áp dụng phương pháp bào chế hiện đại, đưa vào sản xuất trên quy mô công nghiệp đem lại hiệu quả cao. Tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, diện tích trồng các loại cây dược liệu như đinh lăng, dây thìa canh... cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc như Cty Nam Dược, Cty Traphaco được mở rộng. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội Đông y các cấp và phát triển mạng lưới hội viên được quan tâm. Đến nay, bộ máy tổ chức Hội Đông y đã được xây dựng và duy trì hoạt động ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã với 891 hội viên. Toàn tỉnh hiện có trên 300 phòng khám chẩn trị YHCT của các cán bộ, hội viên, trong đó có 52 phòng chẩn trị của các cấp hội hoạt động đều khắp trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, các cơ sở khám và điều trị cho từ 300 nghìn - 350 nghìn lượt bệnh nhân bằng các phương pháp YHCT, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.

Việc phát triển nền y, dược học cổ truyền đã đem lại nhiều ưu việt trong phòng và điều trị các bệnh cấp và mạn tính cho nhân dân đạt hiệu quả cao, chi phí thấp, do thuốc điều trị bằng YHCT có thể sử dụng dài ngày mà không gây tác dụng phụ; đặc biệt hiện nay khi các bệnh tăng huyết áp, viêm tắc động mạch, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, gút, ung thư… đang có xu hướng gia tăng thì việc sử dụng thuốc YHCT và YHCT kết hợp với YHHĐ là một giải pháp an toàn và kinh tế được nhiều bệnh nhân lựa chọn. Việc sử dụng các cây thuốc nam có sẵn tại vườn nhà của người dân các vùng nông thôn để chữa một số chứng bệnh thông thường như cảm mạo, dị ứng, tắc tia sữa, tiêu chảy… cũng đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, việc sử dụng các phương pháp chữa bệnh YHCT không dùng thuốc như: châm cứu, giác hơi, xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi, tắm và đắp thuốc cũng đem lại hiệu quả đối với các bệnh nhân bị di chứng tai biến mạch máu não, bại liệt, liệt thần kinh số 7 ngoại biên, đau thần kinh hông to, đau lưng cấp và mạn tính… Tại Bệnh viện YHCT tỉnh hiện đang triển khai các kỹ thuật cao bao gồm: kỹ thuật điện châm, đại trường châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi… kết hợp với điều trị một số bệnh khó như tai biến mạch máu não, di chứng bệnh liệt ở trẻ em, đồng thời chỉ đạo về thuốc YHCT và các phương pháp điều trị bằng thuốc YHCT, kết hợp khám chữa bệnh giữa YHCT và YHHĐ, cập nhật những thông tin mới về khám chữa bệnh bằng YHCT. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính được khám, điều trị các kỹ thuật cao đạt kết quả khả quan. Tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các kỹ thuật mới, những bài thuốc hay đang được áp dụng hiệu quả; trong đó có các kỹ thuật và kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt...

Tuy nhiên, công tác phát triển nền y, dược cổ truyền ở tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng và vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương, các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phát triển và gìn giữ nền y, dược cổ truyền. Hệ thống quản lý và khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền còn mỏng, quy mô chưa phù hợp; đặc biệt một số bệnh viện đa khoa tuyến huyện chỉ có tổ y, dược cổ truyền lồng ghép trong khoa nội hoặc phục hồi chức năng do y sĩ y, dược cổ truyền phụ trách nên hiệu quả chuyên môn chưa cao. Sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, kinh phí chi thường xuyên còn thấp so với nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân bằng y, dược cổ truyền tại cộng đồng. Việc bổ sung nhân lực cán bộ làm công tác y, dược cổ truyền cho các tuyến chưa đảm bảo đủ cơ cấu, chủng loại, chất lượng. Lương y làm việc tại trạm y tế xã theo chế độ hợp đồng lao động, chế độ chính sách không phù hợp nên không duy trì công tác tại trạm lâu dài, nên ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh bằng YHCT tại tuyến y tế cơ sở. Để công tác y, dược cổ truyền phát huy hiệu quả, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện hiệu quả việc đường lối kế thừa, bảo tồn, phát triển y, dược cổ truyền. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng cùng tham gia về vật chất lẫn tinh thần trong việc xây dựng, củng cố hệ thống mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền. Đội ngũ cán bộ, những người làm công tác khám, chữa bệnh phải có kiến thức, tâm huyết, có năng lực, trách nhiệm và giữ vai trò nòng cốt trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả việc kết hợp y, dược cổ truyền và YHHĐ. Với mục tiêu hiện đại hóa và phát triển mạnh y, dược cổ truyền trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thời gian tới tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai sâu rộng chỉ đạo của Trung ương về phát triển nền y, dược cổ truyền; củng cố và phát triển tổ chức, mạng lưới y, dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế xã về các lĩnh vực, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản lý và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền và kết hợp với YHHĐ một cách có hiệu quả. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế trên cơ sở củng cố và hoàn thiện những xã đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2020, đặc biệt quan tâm đến trang bị phương tiện thiết yếu phục vụ cho công tác chuyên môn của phòng chẩn trị YHCT. Tăng cường củng cố và phát triển tổ chức Hội Đông y bằng cách quy tụ, vận động những người hành nghề trong tỉnh tự nguyện tham gia, chú trọng nâng cao y đức và chất lượng chuyên môn cho hội viên, vận động hội viên tích cực tham gia công tác kế thừa, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về y, dược cổ truyền. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Đông y các cấp./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com