Thai phụ làm gì để không bị lây nhiễm vi-rút Zika?

08:04, 27/04/2016
Dịch bệnh do vi-rút Zika đã được phát hiện tại hai địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, đối với người bình thường như nam giới hoặc người không mang thai, bệnh do vi-rút Zika có đặc điểm diễn biến ở mức độ vừa và nhẹ, nhiều trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng đến sức khỏe, được xác định là ít nguy hiểm hơn so với sốt xuất huyết. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về mối liên quan giữa nhiễm vi-rút Zika ở phụ nữ có thai với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh, nên cần quan tâm đến việc phòng bệnh và theo dõi sức khỏe cho phụ nữ mang thai, người dự định có thai và phụ nữ mang thai nhiễm vi-rút Zika. Vi-rút Zika có ảnh hưởng chủ yếu và mạnh nhất vào giai đoạn 3 tháng đầu tiên của thai kỳ vì đây là khoảng thời gian thai nhi hình thành và phát triển các bộ phận cơ thể. Do vậy, điều quan trọng nhất là mỗi người, mỗi gia đình chung tay diệt muỗi, lăng quăng phòng bệnh.  Phụ nữ đang có thai hoặc có kế hoạch có thai phải tự bảo vệ mình để không bị nhiễm vi-rút Zika bằng cách áp dụng các biện pháp phòng tránh sau:
 
1. Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi-rút Zika như: Sử dụng các thuốc xua muỗi: Thuốc xua muỗi có thể được xoa lên vùng da hở hoặc bôi lên quần áo; Mặc quần áo có thể che phủ hầu hết bộ phận cơ thể; Sử dụng các màng chắn, đóng cửa để tránh muỗi bay vào trong nhà; Ngủ màn, kể cả thời gian ban ngày khi muỗi Aedes hoạt động; Phát hiện và loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản bằng cách lật úp các vật dụng không chứa nước không cần thiết và đậy kín các vật dụng chứa nước sinh hoạt hằng ngày, thường xuyên thay nước trong các lọ hoa và khám thai định kỳ. 
 
2. Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.
 
3. Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc/và đi về từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.
 
4. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện vi-rút Zika.
 
5. Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai.
 
6. Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong quá trình mang thai để tránh lây truyền vi-rút Zika cho mẹ và con./.
 
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com