Mở thông tuyến khám, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

07:04, 07/04/2016
Có hộ khẩu và thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế xã Yên Dương (Ý Yên) nhưng mới đây, khi bệnh viêm cầu thận tái phát, do nhà gần Bệnh viện Đa khoa Vụ Bản nên bà Trần Thị Vân (60 tuổi) đã được người nhà đưa thẳng đến Bệnh viện Đa khoa Vụ Bản để khám, điều trị. Trước đây, mỗi lần muốn lên bệnh viện huyện khám, bà Vân lại phải qua trạm y tế xã xin giấy chuyển viện; nếu muốn sang Bệnh viện Đa khoa Vụ Bản hoặc lên bệnh viện tuyến trên cũng phải có giấy chuyển viện của Bệnh viện Đa khoa Ý Yên mới được BHYT thanh toán đúng tuyến. Tại Bệnh viện Đa khoa Trực Ninh, bệnh nhân Vũ Thị Hoa, 51 tuổi, quê xã Trực Hưng (Trực Ninh) đang nằm điều trị cho biết: Trước đây, tôi đến khám, chữa bệnh BHYT tại bệnh viện huyện đều phải xin giấy chuyển viện với thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, quy định mới của Thông tư 40 của Bộ Y tế đã tạo cơ hội cho người có thẻ BHYT như tôi có thể lựa chọn nơi khám chữa bệnh tốt nhất cho mình…
Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, bắt đầu từ ngày 1-1-2016, chính thức áp dụng mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Điều này tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Theo đó, người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh. Người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã được chuyển tuyến đến bệnh viện huyện và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền) cũng được hưởng quyền lợi đầy đủ. Người có thẻ BHYT khi được bệnh viện tuyến huyện chuyển tuyến đến Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh cũng không còn bị coi là trái tuyến. Trường hợp cấp cứu, người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án. Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu hoặc được chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định. Đặc biệt, Thông tư 40 còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế được hưởng BHYT khi đi làm ăn, học tập xa địa phương. Cụ thể, trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương đó, tương đương với tuyến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu ghi ở thẻ BHYT. Đồng thời với Thông tư 40 của Bộ Y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cũng quy định, từ ngày 1-1-2016 sẽ thực hiện việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện trong phạm vi tỉnh. Điều này có nghĩa, người bệnh BHYT có quyền được lựa chọn bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào từ tuyến huyện trở xuống. Chẳng hạn, người bệnh ở huyện này có thể sang bệnh viện của huyện khác cùng hạng trong cùng địa bàn tỉnh để khám, chữa bệnh mà quyền lợi về BHYT vẫn được giữ nguyên. Tương tự, người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại tuyến xã cũng có quyền lên thẳng bệnh viện tuyến huyện để khám, chữa bệnh mà không cần xin giấy chuyển viện, vẫn được coi là khám, chữa bệnh đúng tuyến… Như vậy, người dân là người được hưởng lợi nhiều nhất khi thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT, bởi họ có quyền được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu phù hợp nhu cầu của mình mà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHYT. Còn với các bệnh viện tuyến huyện, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội và động lực để nỗ lực phát triển. Bởi, để thu hút bệnh nhân, các bệnh viện phải đổi mới từ chất lượng, cơ sở vật chất đến thái độ phục vụ. Mặt khác, hiện nay Nhà nước vẫn chi trả lương cho cán bộ y tế, nhưng giá dịch vụ y tế đang thay đổi theo lộ trình tính đúng, tính đủ, tiền lương, phụ cấp của cán bộ y tế đều được tính vào viện phí. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không nâng cao chất lượng, không thu hút hay giữ được bệnh nhân, không có nguồn thu từ dịch vụ y tế, bệnh viện sẽ đối mặt với nguy cơ không có tiền trả lương cho cán bộ.
 
Bác sĩ Trần Thị Hiền, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) cho biết: Việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT là quy định quan trọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời là yếu tố để thúc đẩy các bệnh viện, các phòng khám cùng hạng trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ. Các bệnh viện huyện nếu không thay đổi, không nâng cao chất lượng thì bệnh nhân BHYT sẽ tự sang bệnh viện khác, không chịu bất cứ một rào cản nào về thủ tục, quyền lợi BHYT như trước. Đặc biệt, sẽ xuất hiện tình trạng có bệnh viện làm không hết việc trong khi có bệnh viện không có bệnh nhân. Do vậy, khi áp dụng thông tuyến kỹ thuật, nếu các bệnh viện không nỗ lực thay đổi, nâng cao chất lượng thì sẽ không thể giữ được bệnh nhân. Và để bảo vệ quyền lợi của người có thẻ BHYT, những cơ sở y tế không đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế và không đảm bảo được quyền lợi của người bệnh thì cơ quan BHXH có quyền từ chối ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT. 
 
Việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT là quy định quan trọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời thúc đẩy các bệnh viện, các phòng khám cùng hạng trên địa bàn tỉnh tăng cường chất lượng dịch vụ phục vụ. Ngay trước khi quy định trên chính thức có hiệu lực, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã tiến hành nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, thay đổi phong cách phục vụ theo hướng làm người bệnh hài lòng. Tuy nhiên, bước đầu triển khai việc thông tuyến đang gặp khó khăn khiến ngành BHXH lo ngại là việc thông tuyến khám chữa bệnh có thể dễ dẫn đến việc lạm dụng, một người sẽ đến khám chữa bệnh ở nhiều nơi trong một ngày. Do vậy, sắp tới 2 ngành Y tế và BHXH sẽ triển khai phần mềm liên thông giữa các bệnh viện để phục vụ công tác khám chữa bệnh liên thông BHYT./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com