Báo động thực trạng gia tăng tật khúc xạ học đường

06:01, 31/01/2015

Chị Hoàng Thị Minh Trang có con học ở Trường Tiểu học Hùng Vương (TP Nam Định) cho biết: Mới đây, chị thấy con học sút hẳn và thường xuyên kêu đau đầu, chóng mặt. Khi xem ti vi, cháu thường nheo mắt do nhìn không rõ. Chị đã đưa con đi khám mắt và được biết cháu đã bị cận 2,5 đi ốp. Còn chị Trần Thị Hương ở Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) có con gái và con trai đều là học sinh THCS mắc tật khúc xạ (TKX), nhưng chị lại không cho con đeo kính. Nghe có người mách “bên Ninh Bình có ông thầy có thuốc chữa được cận thị”, chị đã sang tận nơi mua thuốc về chữa cận thị cho con!! Không chỉ nhận thức hạn chế, một thói quen thường gặp đó là người dân tự ý dẫn con em mình đến các cửa hàng kính thuốc để đo, lắp mắt kính khi họ nghi các em mắc TKX, mà không biết rằng nếu không được đo, khám kỹ lưỡng, trẻ rất dễ phải đeo nhầm kính gây ra nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, gây rối loạn điều tiết, nhiều trường hợp giảm thị lực đã không thể điều trị được.

Cán bộ Trạm Y tế xã Nam Mỹ (Nam Trực) khám mắt cho học sinh.
Cán bộ Trạm Y tế xã Nam Mỹ (Nam Trực) khám mắt cho học sinh.

Theo điều tra sơ bộ của Bệnh viện Mắt tỉnh, trong mấy năm trở lại đây, tỷ lệ mắc TKX của học sinh tại Thành phố Nam Định là 23,04%; huyện Hải Hậu là 19,49%; huyện Trực Ninh là 12,9%. Trong số những em mắc TKX, có khoảng 50-60% chưa được chỉnh kính hoặc chỉnh kính không đúng số ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển về thể chất. Bước vào đầu năm học 2014-2015, Bệnh viện Mắt tỉnh đã khảo sát tại 18 trường THCS thuộc 9 huyện, thành phố trong tỉnh và kết quả đã cho thấy số học sinh bị TKX chiếm tỷ lệ 28,1%, cao hơn những năm học trước. Đặc biệt, ở thành phố và các trường chuyên, tỷ lệ học sinh bị TKX cao hơn khu vực nông thôn, có trường có tới gần 60% học sinh phải mang kính vì bị TKX. Đơn cử như Trường THCS Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) có 1.226 học sinh thì có tới 722 học sinh bị TKX, chiếm tỷ lệ 59%; Trường THCS Phùng Chí Kiên (TP Nam Định) có 1.234 học sinh thì có tới 44% học sinh mắc TKX; Trường THCS Xuân Trường (Xuân Trường) có 42% học sinh mắc TKX; Trường THCS Giao Thủy (Giao Thủy) có 32% học sinh mắc TKX; Trường THCS Nguyễn Hiền (Nam Trực) có 31% học sinh mắc TKX… Bác sĩ Trần Huy Đoàn, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết, tình trạng học sinh mắc TKX ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thiếu ánh sáng hay sai tư thế học tập trong thời gian dài, dinh dưỡng chưa đáp ứng, thời gian học tập căng thẳng và liên tục, không cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn, lạm dụng máy tính, chơi game, xem ti vi quá nhiều... khiến cho việc trẻ mắc TKX ngày càng tăng. Nguyên nhân khiến TKX có chiều hướng tăng còn do điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh trường học chưa đảm bảo. Theo điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh ở hơn 100 trường học trên địa bàn tỉnh cho thấy, kích thước bàn ghế đạt tiêu chuẩn tại các trường đạt tỷ lệ 30%; chiếu sáng phòng học đạt tiêu chuẩn đạt tỷ lệ khoảng 51%... Thực trạng cơ sở trường, lớp nhiều nơi trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn vệ sinh trường học, nhất là các điều kiện về chiếu sáng phòng học chưa đảm bảo, kích thước bàn ghế chưa phù hợp với tầm vóc của học sinh cũng ảnh hưởng tới TKX của học sinh. Vấn đề nữa đặt ra từ việc trẻ mắc TKX là nếu không được phát hiện kịp thời, hay mắc TKX đã mang kính nhưng không thay kính kịp theo diễn biến của thị lực sẽ ảnh hưởng lớn đến thị lực và chất lượng cuộc sống. Đây là một nguyên nhân quan trọng gây suy giảm thị lực, mù lòa và tàn tật… Vấn đề này có thể phòng tránh được nếu như phụ huynh học sinh và giáo viên có sự phối hợp để theo dõi các em đã bị mắc TKX và phòng tránh cho các em chưa mắc. Tuy nhiên thực tế nhiều phụ huynh và giáo viên cũng không hiểu biết đầy đủ về TKX nên chưa quan tâm bố trí học sinh bị TKX vị trí ngồi hợp lý để khỏi ảnh hưởng tới thị lực, ảnh hưởng tới việc điều tiết của mắt, ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của các em. Nhiều phụ huynh và giáo viên cũng không biết rằng học sinh cần phải kiểm tra thị lực và mắt trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm. Thậm chí, nhiều học sinh, cha mẹ học sinh và cả giáo viên còn hiểu sai lệch rằng đeo kính điều chỉnh cận thị sẽ càng làm tăng độ cận thị nên nhiều em bị TKX nhưng không được can thiệp và điều chỉnh bằng kính. Điều đáng báo động hơn là nếu trước đây phần lớn tỷ lệ trẻ mắc TKX chủ yếu là học sinh THCS thì đến nay tỷ lệ học sinh lứa tuổi tiểu học mắc TKX khá sớm, cá biệt có trường hợp còn bị mắc TKX ngay từ lứa tuổi mầm non mà nguyên nhân là do xem ti vi nhiều, trong đó, tỷ lệ trẻ cận thị chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là loạn thị và viễn thị.

Trước thực trạng trên, từ năm 2013, Tổ chức Hellen Keller International Việt Nam (HKI Việt Nam) đã chọn tỉnh ta là một trong những đơn vị trên toàn quốc triển khai Dự án mở rộng mô hình Chăm sóc TKX học đường. Năm học 2013-2014, Dự án được triển khai tại 19 trường THCS của huyện Vụ Bản. 100% các em học sinh khối THCS của huyện đã được khám sàng lọc TKX, qua đó phát hiện tỷ lệ mắc TKX của học sinh THCS là 15,6%. Năm học 2014-2015, trong khuôn khổ Dự án, Bệnh viện Mắt tỉnh đã triển khai khám TKX cho học sinh của 18 trường THCS tại các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Hải Hậu và Thành phố Nam Định. Qua khám 11.384 học sinh, đã phát hiện 3.678 em thị lực giảm, số học sinh được khám xác định TKX là 3.520 em, trong đó số em xác định có TKX là 3.205 em. Thông qua hoạt động khám sàng lọc cho học sinh, đã phát hiện nhiều trường hợp mắc các TKX chưa được chỉnh kính. Qua đợt khám, có 536 học sinh đã được cấp kính mới, 44 em được thay mắt kính. Thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông như phát tờ rơi, poster cho các trường học lồng ghép phổ biến kiến thức về TKX cho học sinh, mở các khóa tập huấn cho giáo viên, các buổi sinh hoạt chào cờ, sinh hoạt Đội, các buổi học ngoại khóa… Thời gian tới Tổ chức HKI Việt Nam cũng phối hợp với Bệnh viện Mắt tỉnh tiếp tục khám TKX cho học sinh của 19 trường học trên địa bàn huyện Trực Ninh.

Mô hình mở rộng chăm sóc TKX học đường đã và đang tác động toàn diện tới nhận thức của cộng đồng trong việc chăm sóc TKX cho học sinh cũng như nâng cao năng lực cho các cơ sở nhãn khoa về khám và sàng lọc TKX. Hy vọng mô hình này sẽ được phát triển rộng ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ TKX học đường./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com