Bệnh viêm phế quản - phổi ở trẻ nhỏ

09:12, 19/12/2014

Bệnh viêm phế quản - phổi rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà,... trẻ đẻ non, còi xương, suy dinh dưỡng. Đây là bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao, đứng thứ hai sau tiêu chảy.

Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là vi-rút, sau bội nhiễm vi khuẩn hoặc do cả hai. Những vi cầu khuẩn thường xuyên có ở mũi - họng, khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh. Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh, môi trường ô nhiễm là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

Viêm phế quản - phổi là một tổn thương viêm cấp diễn lan toả cả phế nang, phế quản và mô kẽ của phổi. Bệnh xảy ra từ từ. Trẻ hắt hơi, chảy mũi, sốt nhẹ, húng hắng ho một vài ngày rồi sốt cao dần; cũng có khi sốt cao đột ngột 39-40oC: ho nhiều hơn và có đờm. Trẻ sơ sinh, trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng có thể không sốt. Trẻ mệt nhọc, khó thở, thở nhanh (trên 50 lần/phút), biếng ăn hay bỏ ăn, bỏ bú; vã mồ hôi, mặt nhợt nhạt, toàn thân suy sụp. Tình trạng khó thở mỗi lúc một tăng. Trẻ thở ậm ạch, thở nông và nhanh, khó thở cả hai thì, nhịp thở tới 60-80 lần/phút hoặc hơn nữa, đầu gật gù theo nhịp thở, cánh mũi phập phồng, có hiện tượng co kéo ở phía trên và dưới mũi ức. Trẻ trở nên tím tái, nhẹ thì tím quanh môi, nặng hơn thì môi, quanh môi và cả các đầu ngón tay, ngón chân cũng bị tím tái. Ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ đẻ non và trẻ dưới hai tháng tuổi, bệnh thường rất nặng, trong khi triệu chứng lâm sàng lại rất sơ sài, có thể không thấy các biểu hiện bệnh ở phổi. Do vậy, khi thấy trẻ bú kém hoặc bỏ bú, sụt cân, rối loạn tiêu hoá (nôn trớ hoặc tiêu chảy), khó thở, có những cơn ngừng thở, tím tái sùi bọt mép, cần cho trẻ đi bệnh viện ngay.

Điều trị: tại trạm y tế, khi thấy trẻ thở nhanh (trên 50 lần/phút) phải cho uống thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn và các biện pháp trợ tim mạch, trợ sức; đồng thời chăm sóc trẻ chu đáo. Cho trẻ ốm nằm yên tĩnh trong buồng thoáng khí, không có gió lùa; nhỏ mũi Acgyrol 1%, nếu trẻ ngạt mũi cho nhỏ ephedrin 1%.

Cho ăn lỏng (sữa hoặc cháo). Trẻ đang bú mẹ, tiếp tục cho bú mẹ, nếu trẻ không chịu bú, có thể vắt sữa ra chén và cho ăn bằng thìa, cho ăn ít một; nhớ cho uống đủ nước (nước quả tươi, dung dịch oresol); chú ý tránh để sặc sữa, sặc nước.

Nếu trẻ sốt trên 38,5oC cho hạ nhiệt bằng Paracetamol (khi thân nhiệt đã giảm được 1oC, cần ngừng uống thuốc này).

Nếu điều trị như trên mà bệnh không giảm, trẻ vẫn thở nhanh, có hiện tượng co kéo, bú kém... cần cho trẻ đi bệnh viện để được điều trị kịp thời. Sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn cần được theo dõi sát sao và chăm sóc chu đáo (giữ ấm cơ thể, tránh bị lạnh, ưu tiên bồi dưỡng cho trẻ) để tránh phát bệnh.

Phòng bệnh: Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là khi thời tiết thay đổi đột ngột, thường xuyên giữ ấm cho trẻ (ấm ngực, chân tay, quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay). Về mùa đông, người nuôi dạy trẻ cần chú ý bố trí giờ chơi, giờ luyện tập ngoài trời cho các cháu phù hợp với thời tiết trong ngày. Khi trẻ bị viêm họng, viêm mũi, viêm a-mi-đan, VA,... cần điều trị kịp thời, triệt để./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com