Tập trung các giải pháp phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư

11:04, 13/04/2013

Tính đến ngày 31-12-2012, tỉnh ta có 4.631 người nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS là 2.281 người, số bệnh nhân AIDS tử vong 1.176 người. Dịch HIV đã xuất hiện tại 10 huyện, thành phố với 220 xã, phường, thị trấn có người mắc. Qua giám sát cho thấy, đối tượng nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở nhóm người nghiện ma túy (59,8% người nhiễm HIV nghiện ma túy).

Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS.
Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Trong đó đẩy mạnh các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông phòng chống HIV/AIDS, với phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các địa bàn trọng điểm và những đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ về chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho tất cả người dân, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, dân tộc, tôn giáo… Các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tọa đàm, họp tổ dân... đã có tác động lớn đến nhận thức của nhân dân, giúp công tác phòng ngừa đạt hiệu quả cao, qua đó đã huy động được sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS gắn với xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xét nghiệm, chữa bệnh, giới thiệu việc làm cho những người nhiễm HIV, giúp họ có cuộc sống ổn định, yên tâm điều trị kéo dài cuộc sống; các đơn vị chức năng phối hợp xây dựng nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên trong công tác phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội tại cộng đồng dân cư... Đặc biệt, phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” do Sở Y tế, Sở VH, TT và DL, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp phát động từ năm 2009 đến nay đã nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS; khuyến khích và tạo cơ hội cho gia đình có người nhiễm HIV, người nghiện ma túy, người bán dâm tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền; phát huy vai trò của các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các dòng họ, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng dân cư vận động nhân dân tham gia phòng chống HIV/AIDS. Đến nay phong trào được triển khai tại 80 khu dân cư với 80 nhóm nòng cốt, có 433 thành viên ở 40 xã, phường tại 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Cùng với việc xây dựng và tổ chức hoạt động của các nhóm nòng cốt là việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nhóm nòng cốt, đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên về HIV/AIDS và các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS. Các nhóm nòng cốt duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Qua phong trào, đến nay có 1.900 gia đình ký cam kết tham gia phong trào, 20.926 lượt người được tiếp cận truyền thông trực tiếp và phát 3.567 tờ rơi, tổ chức 12 buổi tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho nhóm nòng cốt. Với những hoạt động trên, những năm qua công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, chất lượng điều trị bệnh cho bệnh nhân AIDS ngày càng được nâng cao. Công tác dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng được các đối tượng nhiễm HIV nghiêm túc thực hiện. Trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, hơn 100 nghìn người có nguy cơ lây nhiễm được tiếp cận truyền thông tư vấn; hơn 9 nghìn người được tư vấn tại các cơ sở xét nghiệm HIV miễn phí; 898 người được điều trị thuốc kháng vi rút ARV; gần 925 nghìn bơm kim tiêm và 97 nghìn BCS được phát miễn phí; gần 800 người nghiện các chất dạng thuốc phiện đang được điều trị tại 4 cơ sở Methadone trong tỉnh và hơn 90% người điều trị không còn sử dụng ma túy sau 3 tháng điều trị.

Tuy dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã bị kìm hãm ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm trong 4 năm gần đây nhưng chưa bền vững. Tình trạng gia tăng số người nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm cho thấy dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường; tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em nhiễm HIV và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV vẫn còn; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS còn nhiều khó khăn… Để khắc phục tồn tại, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của chiến dịch toàn cầu, tỉnh ta cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; triển khai đồng bộ các hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, tập trung vào nhóm có hành vi nguy cơ cao, nhóm dễ có khả năng bị lây nhiễm HIV; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS; tạo điều kiện, khuyến khích người nhiễm HIV sống tích cực, hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” nhằm huy động các tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp, các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV/AIDS cùng gia đình chủ động, tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong tỉnh cần nâng cao vai trò lãnh đạo trong công tác phòng chống HIV/AIDS; triển khai các chương trình phòng chống HIV/AIDS mang tính toàn diện, đặc biệt chú trọng việc lồng ghép có hiệu quả chương trình phòng chống HIV/AIDS với các chương trình phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm để đảm bảo mục tiêu “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com