Kết quả bước đầu trong điều trị người nghiện ma tuý bằng thuốc Methadone

08:03, 24/03/2012

Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 4.334 người nhiễm HIV, trong đó, có 2.038 bệnh nhân AIDS, 1.100 người đã tử vong do AIDS. Dịch HIV/AIDS đã xuất hiện ở 95% xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Các địa phương có số người nhiễm HIV/AIDS cao là Thành phố Nam Định, các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu… Qua giám sát cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong tỉnh tập trung chủ yếu ở nhóm người tiêm chích ma tuý, chiếm khoảng 66%.

Trước tình hình số người nhiễm HIV gia tăng, từ tháng 11-2010 tỉnh ta đã triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone với 3 cơ sở tại các huyện Giao Thủy, Xuân Trường và Thành phố Nam Định. Các cơ sở được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc khám, theo dõi, cấp phát thuốc, thiết bị cấp cứu, hệ thống máy tính, máy đọc mã vạch, máy ảnh, camera theo dõi. Cán bộ tham gia công tác điều trị thay thế bằng thuốc Methadone đều được tập huấn theo quy định. Trong quá trình triển khai đề án, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh điều phối các hoạt động chuyên môn, Dự án Life Gap và Dự án phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ hỗ trợ kinh phí hoạt động. Tại các cơ sở điều trị, cán bộ y tế tiến hành khám sức khỏe, điều trị và tư vấn cho bệnh nhân và gia đình giúp họ hiểu, tin tưởng vào phương pháp điều trị. Quá trình điều trị còn được lồng ghép vào các hoạt động khác của chương trình phòng chống HIV/AIDS và hỗ trợ tâm lý để việc điều trị đạt kết quả cao. Đến ngày 31-12-2011, tại 3 cơ sở có tổng số 468 bệnh nhân đang điều trị, trong đó, tại Thành phố Nam Định có 196 bệnh nhân, huyện Giao Thủy 140 bệnh nhân, huyện Xuân Trường 132 bệnh nhân. Từ khi tiến hành điều trị đến nay tại 3 cơ sở không có bệnh nhân tử vong do quá liều hoặc do tác dụng không mong muốn của thuốc; có 97% bệnh nhân tuân thủ điều trị, chỉ có 3% bệnh nhân dừng điều trị. Trong và sau quá trình điều trị, đa số các bệnh nhân có cải thiện về mặt sức khỏe. Hơn 70% bệnh nhân tăng cân sau khoảng 3 tháng tham gia điều trị. Các bệnh nhân còn được cải thiện cả về sức khỏe tâm thần, chất  lượng cuộc sống và quan hệ cộng đồng. Các bác sỹ điều trị cho bệnh nhân ở cả 3 cơ sở đều cho biết, việc điều trị thay thế các chất gây nghiện bằng thuốc Methadone giúp người nghiện giảm cảm giác thèm ma túy, giảm tần suất sử dụng chất dạng thuốc phiện, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, giúp ổn định cuộc sống và có cơ hội tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Kết quả điều trị tại 3 cơ sở cho thấy số người sử dụng ma túy giảm từ 100% xuống còn 13,6% chỉ sau 3 tháng điều trị, giảm xuống 10,6% sau 6 tháng điều trị và chỉ còn 5,5% sau 9 tháng điều trị thay thế bằng Methadone.

Việc triển khai chương trình Methadone đã giúp người nghiện từng bước giảm dần và không lệ thuộc vào ma túy, hồi phục sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống, phục hồi nhân cách. Thực tế cho thấy, đầu tư cho 1 cơ sở điều trị Methadone rẻ hơn nhiều so với đầu tư xây dựng các Trung tâm giáo dục lao động xã hội, chi phí thuốc men điều trị thấp so với các phương pháp cai nghiện khác. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thí điểm chương trình, vẫn còn một số khó khăn như: sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS tái hòa nhập cộng đồng vẫn chưa được khắc phục; các cơ sở điều trị Methadone chưa được quy định trong hệ thống tổ chức của ngành Y tế. Cán bộ và nhân viên công tác tại các cơ sở điều trị Methadone phải làm việc tất cả các ngày trong tuần trong môi trường lây nhiễm độc hại nhưng chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thoả đáng. Bên cạnh đó, độ bao phủ của chương trình còn hạn chế. Điều trị Methadone là một quá trình điều trị lâu dài nên để đảm bảo sự thành công và duy trì được chương trình, ngoài kinh phí, cần có chế độ chính sách và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm việc tại cơ sở Methadone. Đi đôi với tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở Methadone, cần tiến hành thí điểm xã hội hóa chương trình điều trị Methadone, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm này sang cộng đồng, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng bền vững./.

Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com