Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

08:08, 02/08/2022

Thế giới đang vận động sang kỷ nguyên số, đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực số cần được giáo dục sớm từ trong nhà trường. Bởi vậy, chuyển đổi số trong giáo dục là vấn đề rất cấp thiết. Thực hiện chương trình chuyển đổi số giáo dục trong tổng thể chiến lược chuyển đổi số quốc gia; xác định chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu để xây dựng trường học thông minh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. 

Giờ học Tin học của thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Giờ học Tin học của thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Trước tiên, nhà trường sắp xếp nhân sự thực hiện công tác chuyển đổi số. Tất cả các thành viên trong nhà trường và liên quan đến nhà trường: Từ cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh, học sinh đều được tham gia công tác chuyển đổi số trong các công việc của từng cá nhân. Trường kiện toàn Ban Công nghệ thông tin (CNTT) của trường; các tổ nhóm chuyên môn có nhóm phụ trách CNTT; lớp học có ban CNTT của lớp... Các lớp học được nhà trường từng bước “hiện đại hóa” với phòng học có trang bị tivi có khả năng kết nối máy tính, internet và wifi phủ sóng toàn trường, nhằm phát huy tối đa sự sáng tạo trong mỗi giờ dạy chính khóa của giáo viên. Từ năm học 2020-2021, một số nội dung bài giảng điện tử ôn thi tốt nghiệp lớp 12, đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên những năm học trước được chia sẻ công khai trên website và kênh youtube chính thức, giúp học sinh chủ động tham khảo. Từ năm học 2021-2022, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhà trường quyết định sử dụng hệ thống Office 365 nhà trường là platform nhằm khắc phục việc tiếp cận không đồng bộ quá nhiều nền tảng LMS (Learning Management System) và không có sự liên thông với quản trị nhà trường. Việc sử dụng Office 365 tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy học trực tuyến các môn chính khóa, các đội tuyển học sinh giỏi theo lớp mang tính bảo mật cao trên Microsoft Teams. Trong trạng thái bình thường mới, Microsoft Teams vẫn rất hữu dụng khi giáo viên có thể áp dụng mô hình Flip learning (lớp học đảo ngược), Hybrid learning, Blended learning (học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến); học sinh các đội tuyển khi tham vấn chuyên gia, học sinh các câu lạc bộ cần sinh hoạt tập thể trong điều kiện thiếu phòng chức năng có thể dễ dàng kết nối từ xa... Trong năm 2021, nhà trường lần lượt đầu tư tài khoản Zoom Pro (max 500 người dự) và gói A3 cho tài khoản admin hệ thống Office 365 nhà trường (tạo Webinar max 1.000 người dự và Live Event max 10 nghìn người dự) có khả năng tổ chức sự kiện hội thảo, hội nghị cho giáo viên và học sinh như các buổi hướng nghiệp online số 1 và số 2 đã kết nối cựu học sinh từ nơi xa như Thành phố Hồ Chí Minh và nước ngoài. Các phòng thực hành tin học, phòng lab ngoại ngữ, phòng lab vật lý, phòng lab hóa học, phòng lab sinh học tiếp tục được đầu tư, bổ sung trang thiết bị trong đó có thiết bị số. Wifi được phủ sóng toàn trường, mạng internet đã kết nối đến từng lớp học trực tiếp và các phòng bộ môn. Đặc biệt, trong năm học 2020-2021, từ sự ủng hộ của cựu học sinh, nhà trường đã có 1 phòng đa phương tiện hiện đại có khả năng quay dựng bài giảng điện tử, bản tin chào cờ trực tuyến chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, để nâng cao nhân lực thực hiện chuyển đổi số, nhà trường đã tăng cường bồi dưỡng công nghệ cho giáo viên và học sinh. Từ năm học 2020-2021, Ban CNTT đã có nhiều buổi tập huấn thiết thực về Office 365, những công nghệ chỉnh sửa ảnh, chỉnh sửa video... góp phần giúp giáo viên, học sinh chủ động, sáng tạo trong học tập trực tuyến và học tập kết hợp trong trạng thái bình thường mới. Nhà trường cũng xây dựng những lộ trình chuyên biệt để nâng cao năng lực số cho giáo viên và học sinh. Đối với giáo viên, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động có định hướng số, chú trọng thu hút giáo viên trẻ tham gia tạo động lực chuyển đổi ở các tổ chuyên môn, các ban như: xây dựng đội ngũ giáo viên tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định (15 giáo viên đề cử cho năm học 2021-2022); tái thành lập Ban CNTT có trưởng ban, hoạt động thường xuyên, hưởng chế độ theo quy chế chi tiêu nội bộ; xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo tháng, có đánh giá kết quả hàng tháng; xây dựng đội ngũ dựng bản tin truyền thông nhà trường hàng tháng theo tổ chuyên môn, đội ngũ xây dựng bản tin chào cờ trực tuyến được tập huấn bài bản với MC Hạnh Phúc (VTV24); động viên giáo viên tham gia và báo cáo kết quả khi tham dự các khóa tập huấn, tọa đàm, hội thảo, diễn đàn… liên quan đến năng lực số (tập huấn Science data của Microsoft, tọa đàm “Người thầy đổi mới sáng tạo thời đại 4.0” của Mobiedu, chuỗi hội thảo “Dạy học trong thời đại số” của Edumate…). Đối với học sinh, ngoài việc tập huấn, Đoàn trường phát huy vai trò vận động thanh niên tiếp cận năng lực số thông qua giao việc đồng hành cùng giáo viên thiết kế sơ đồ trường, sơ đồ khu nội trú, xây dựng nội dung bản tin Chào cờ trực tuyến; học qua làm (learning by doing) qua các cuộc thi thiết kế bưu thiếp chúc mừng năm mới, tạo video giới thiệu “Trang sách đầu xuân”, tạo poster và video giới thiệu “Bản sắc khối chuyên”, “Sắc màu câu lạc bộ”; động viên học sinh tìm giải pháp sinh hoạt online phù hợp... Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động dạy, học và việc tổ chức các hoạt động giáo dục vẫn diễn ra bình thường. Trong hoạt động hướng nghiệp, nhờ công nghệ số mà các diễn giả từ Mỹ, Australia, Hồng Kông đã có thể trao đổi trực tuyến cùng học sinh nhà trường. Một trong những hoạt động nổi bật là nhà trường tổ chức hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường với chủ đề: “Ứng dụng CNTT trong công tác chủ nhiệm hướng tới xây dựng văn hoá học đường trong thời đại số”. Trong hoạt động truyền thông, website của nhà trường cập nhật nhanh, đầy đủ, chính xác, khoa học và đẹp mắt; kênh hình đã được đẩy mạnh với đội ngũ dựng video chuyên nghiệp (dưới sự giúp đỡ của phóng viên Hạnh Phúc - cựu học sinh nhà trường), trường đã đào tạo đội ngũ quay phim tất cả các sự kiện, đào tạo hơn 20 thầy cô và học sinh kỹ năng làm MC; nhiều thầy cô có khả năng biên tập dựng bản tin, phóng sự và các sự kiện; nhiều thầy cô và học sinh còn có khả năng biên tập và dựng phim... Khi trình độ sử dụng CNTT được nâng tầm, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động giáo dục cho học sinh như: xây dựng Bộ hình ảnh nhận diện thương hiệu của nhà trường (logo; avatar WEB, Giấy mời, Thư mời, Thư cảm ơn, Bưu thiếp Chúc mừng năm mới, Thư chúc tết...) mà cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và học sinh đều tham gia. 

Nhờ sự chủ động và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác chuyển đổi số nên nhà trường đã có đủ điều kiện về con người, cơ sở vật chất, cùng sự đồng lòng và quyết tâm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Công tác chuyển đổi số đã thu được nhiều thành tựu. 60% hồ sơ công việc của nhà trường được xử lý trên môi trường mạng; 80% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê giáo dục được thực hiện qua hệ thống báo cáo trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục tỉnh, có chia sẻ dữ liệu với hệ thống báo cáo của tỉnh, Bộ GD và ĐT, Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ. Nhà trường bước đầu triển khai hệ thống thông tin điều hành trường học thông minh đồng bộ trên hệ thống Office 365 nhà trường bên cạnh quản lý nhà trường trên SMAS của Viettel và Zalo; bước đầu xây dựng phòng họp trực tuyến; 80% dịch vụ công cho phụ huynh, học sinh như: xét tuyển đầu cấp (cung cấp đầy đủ mẫu đơn, nộp hồ sơ trực tuyến, công khai danh sách đăng ký, công khai kết quả xét tuyển và trả kết quả qua mạng); thông báo kết quả học tập, tu dưỡng đạo đức; thanh toán học phí qua thẻ; thẻ bảo hiểm y tế điện tử… được thông tin trên trang thông tin điện tử nhà trường, phần mềm quản lý nhà trường SMAS của Viettel, hệ thống thanh toán liên ngân hàng, phần mềm quản lý bảo hiểm xã hội - bo hiểm y tế (VssID).

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đang tự tin vững bước trên hành trình chuyển đổi số. Giai đoạn tiếp theo, nhà trường tiếp tục triển khai công tác chuyển đổi số có nhiều MIEE (chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft); nhanh chóng áp dụng các ứng dụng trường học thông minh để phục vụ công tác quản lý, phục vụ giảng dạy và học tập./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com