Nỗ lực chuyển đổi số để phát triển giao thông thông minh

08:07, 22/07/2022

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22-10-2021 của UBND tỉnh Nam Định thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Giao thông Vận tải (GTVT) giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ GTVT, Sở GTVT đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2022. Mục tiêu là nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong ngành GTVT của tỉnh, đưa chuyển đổi số là thành phần quan trọng trong quản lý của Sở, đồng hành với doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số; từng bước tạo lập dữ liệu mở cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số cho các hoạt động, dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng tốc độ xử lý công việc, đẩy mạnh sử dụng và lưu trữ văn bản số, giảm chi phí hoạt động, từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian. Tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội... 

Sử dụng cân điện tử tự động giám sát tải trọng phương tiện tại Trạm Kiểm soát tải trọng phương tiện lưu động, Quốc lộ 21, xã Nghĩa An (Nam Trực).
Sử dụng cân điện tử tự động giám sát tải trọng phương tiện tại Trạm Kiểm soát tải trọng phương tiện lưu động, Quốc lộ 21, xã Nghĩa An (Nam Trực).

Thời gian qua, Sở GTVT đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu phục vụ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; sử dụng hiệu quả Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phù hợp với nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp nhằm tăng số lượng hồ sơ, tiếp nhận, xử lý. Phối hợp tuyên truyền, triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tích cực tuyên truyền người dân và các tổ chức lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và xử lý văn bản. Xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, tổ chuyên viên giúp việc chuyển đổi số thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị bảo dưỡng, nâng cấp phần mềm quản lý văn bản điều hành, ký số trên ứng dụng di động, đã hạn chế được việc in ấn tài liệu văn bản giấy, giảm đáng kể thời gian gửi/nhận văn bản, nâng cao hiệu quả làm việc. Tiếp tục duy trì và triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 bao phủ 100% thủ tục hành chính với Sổ tay chất lượng và 67 quy trình. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở và Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, niêm yết tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. 100% thủ tục hành chính được UBND tỉnh phê duyệt quy trình nội bộ được áp dụng trên phần mềm một cửa điện tử, phần mềm chuyên dụng của Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Sở GTVT phấn đấu đến năm 2025 hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành GTVT, trong đó cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp nhu cầu thông tin phục vụ quản lý, điều hành; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc của Sở GTVT được xử lý trên môi trường mạng; 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê chuyên ngành phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được thực hiện qua hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và quốc gia; 50% hoạt động kiểm tra của Sở GTVT được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin tự động hóa các công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nhờ các hệ thống thiết bị và phần mềm. Hoàn chỉnh quy trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện; tránh được các tệ nạn tham nhũng gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông 100% hệ thống máy tính được nâng cấp, phục vụ tốt nhu cầu khai thác, sử dụng của công chức, viên chức, người lao động cơ quan Sở; 100% công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở GTVT dùng các thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính, ...) tiếp cận với dịch vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh, thanh toán điện tử. 

Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, Sở GTVT đã đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; Phát triển nguồn nhân lực; Đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số… Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở giao lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, quyết định, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh, của Sở về chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Sở GTVT, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và tập trung nghiên cứu đổi mới, ban hành các quy trình nghiệp vụ được số hóa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của Sở. Đào tạo nâng cao chất lượng trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là cán bộ làm công tác công nghệ thông tin hiện có. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp trong ngành GTVT chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Sở GTVT chủ động phối hợp với Sở TT và TT chuyển đổi toàn bộ mạng internet sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (Ipv6); phối hợp triển khai các dữ liệu về GTVT có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tham gia xây dựng và sử dụng hiệu quả các nền tảng số do Bộ GTVT xây dựng như: thu phí, thanh toán điện tử trong giao thông (thu phí điện tử không dừng đối với phương tiện giao thông đường bộ; kiểm soát thẻ vé, thu phí liên thông trong mạng lưới giao thông công cộng; quản lý thu phí tự động tại các bãi đỗ xe); nhận diện, kiểm soát phương tiện tự động (hệ thống giám sát hành trình, quản lý điều hành phương tiện; kiểm soát tải trọng xe tự động; theo dõi đo đếm lưu lượng, phân loại phương tiện tự động); giám sát, điều hành giao thông thông minh (hệ thống điều hành giao thông tích hợp trong đô thị thông minh; điều hành hoạt động các bến xe, cảng thủy nội địa); nền tảng số quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện (số hóa toàn bộ thông tin đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm, bảo dưỡng, vi phạm, tai nạn của các phương tiện giao thông; sử dụng các chứng từ vận tải số để thay thế hoàn toàn cho các loại giấy tờ thông hành với mục đích chống giả mạo và chống gian lận thông tin)… Triển khai hệ thống giám sát và điều khiển giao thông bằng camera; số hóa thông tin hạ tầng giao thông trên bản đồ phục vụ xây dựng, duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, quản lý quy hoạch giao thông, chia sẻ với các cơ quan liên quan. 

Trước mắt, trong năm 2022 Sở GTVT tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử của Sở bảo đảm là kênh cung cấp, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước với người dân, doanh nghiệp được duy trì ổn định, liên tục và thông suốt. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại Trung tâm phục vụ hành chính công; sử dụng hiệu quả Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phù hợp với nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp nhằm tăng số lượng hồ sơ, tiếp nhận, xử lý qua môi trường mạng. Phối hợp tuyên truyền, triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tiếp tục triển khai tốt công tác thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định; hoàn thiện và đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính của tỉnh với cổng Dịch vụ công quốc gia. Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ và lộ trình của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com