Hiệu quả mô hình trồng dưa lê bạch kim Hàn Quốc công nghệ cao

07:07, 05/07/2022

Với mục tiêu tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng, Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã triển khai xây dựng mô hình trồng dưa lê bạch kim Hàn Quốc ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt trong nhà màng. Kết quả mô hình trên đã khẳng định chất lượng sản phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân ra diện rộng.

Chăm sóc cây dưa lê bạch kim Hàn Quốc tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ).
Chăm sóc cây dưa lê bạch kim Hàn Quốc tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ).

Đồng chí Hoàng Mạnh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN cho biết: Qua tham quan, học tập nhiều mô hình sản xuất tại Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hải Phòng, Viện sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Viện Nghiên cứu Rau Hoa Quả Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH và CN tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... chúng tôi nhận thấy dưa lê bạch kim Hàn Quốc là giống cây thích nghi cao trong môi trường nhà lưới, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, có thể khai thác triệt để các lợi thế nhà màng và nhân lực hiện có tại Trung tâm. Hiện giống dưa này chưa được trồng ở Nam Định, có mẫu mã đẹp, bắt mắt với vỏ trắng sữa điểm xanh, ruột quả màu trắng sữa, độ brix 16-18, chứa nhiều vitamin nhóm B, C, E độ mọng nước 90%, thích hợp dùng để ăn tươi và ép nước. Thời gian bảo quản lâu, dễ tiêu thụ và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, dưa lê bạch kim ưa nhiệt độ ấm, nóng, thích hợp trồng, thu hoạch trong khoảng tháng 5-6 dương lịch, lúc này thời tiết nắng nóng sẽ tạo điều kiện để quả dưa chín và ngọt hơn. Do đó Trung tâm đã chọn đưa cây dưa lê bạch kim vào nhiệm vụ KH và CN “Lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật tổ chức khảo nghiệm, hoàn thiện quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa phương trước khi nhân rộng”. Từ tháng 4-2022, mô hình trồng dưa lê bạch kim trong nhà màng được triển khai trên diện tích 360m2 với 1.000 gốc dưa, ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt. 

Với sự đầu tư bài bản của Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN về nhà màng cùng lưới chuyên dụng, lưới chống côn trùng đã tạo thành một môi trường vi khí hậu khép kín tối ưu, giúp cây dưa tránh được tác động của môi trường ngoại cảnh. Đặc biệt, toàn bộ diện tích trồng được ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt với hệ thống dây tưới, ống tưới bù áp, đưa lượng nước chảy đều tới mỗi mắt tưới xuống từng gốc cây. Ưu điểm vượt trội nhất của phương pháp tưới dưa lê nhỏ giọt là có thể điều chỉnh lượng nước cây dưa cần trong từng giai đoạn, đảm bảo nước cung cấp vừa đủ, không thừa, không thiếu, tạo điều kiện cây dưa sinh trưởng và phát triển tươi tốt, đồng đều, ra quả nhiều, hiệu quả kinh tế tăng cao. Bên cạnh đó, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh tự động, người trồng chỉ cần thực hiện những thao tác rất đơn giản như cắm máy bơm, mở van xả nước, thiết lập lượng nước chảy ra mỗi giờ trên từng mắt tưới nhỏ giọt là có thể làm việc khác, trong khi đó ruộng dưa lê vẫn được tưới đầy đủ. Kỹ thuật tưới nhỏ giọt còn có ưu điểm là hạn chế tối đa sự bốc hơi, gây lãng phí nước, giúp tiết kiệm 30-40% lượng nước, đồng thời hạn chế cỏ dại mọc, tiết kiệm 15-20% lượng thuốc bảo vệ thực vật và đỡ phần nào khâu nhổ cỏ. Chị Đỗ Thị Đoan Trang, Trưởng Phòng Nghiên cứu - Ứng dụng (Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN), chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: Khác với phương pháp canh tác tự nhiên, việc trồng dưa ứng dụng công nghệ phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt ngay từ giai đoạn chuẩn bị cây con và giá thể. Theo đó, hạt dưa được ngâm vài tiếng, ủ trong khăn ẩm 2-3 ngày. Khi hạt nảy mầm được đưa vào ươm trong giá thể là hỗn hợp sền sệt như bùn gồm đất tơi xốp trộn với nước và ít phân mùn. Sau 4-6 ngày cây dưa nhú lên, khi cây đạt tầm 2 lá sẽ đánh bầu cây và trồng trong giá thể là bọc nilon đựng hỗn hợp đất trộn với phân hữu cơ theo phương pháp leo giàn, được cố định bằng dây treo. Dung dịch dinh dưỡng là các loại phân bón Kristalon Brown, Yara Liva Calcinit, Krista MAG, Krista K cùng với nước tưới được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt có nồng độ phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây qua mắt tưới xuống gốc. Để quả đạt năng suất, chất lượng cao, khi chăm sóc, cây sẽ được tỉa nhánh phụ, giữ một nhánh chính tạo sự thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng, tập trung nuôi một quả chính. Trồng dưa lê bạch kim cần lưu ý các bệnh héo cây con, chạy dây, sương mai, đốm phấn khiến cây bị chết hoặc giảm năng suất và chất lượng quả. Do vậy cần được sử dụng thuốc Nano đồng Oxyclorua kết hợp Nano bạc đồng super, nano AKH super plus… pha với nước phun qua thân lá phòng trừ kịp thời. Sau 2 tháng trồng, cây dưa lê bạch kim Hàn Quốc đang bắt đầu cho thu hoạch quả. Trọng lượng mỗi quả đạt 1,2-2kg, năng suất đạt 1,2-2 tấn/sào. Hiện dưa lê bạch kim Hàn Quốc có giá bán dao động từ 80-120 nghìn đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với các loại dưa khác trên thị trường.

Dự kiến, Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN sẽ tiếp tục thực hiện mô hình trồng dưa lê bạch kim Hàn Quốc ứng dụng công nghệ cao và từng bước nhân rộng trong các vụ tới. Đồng thời, phổ biến kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trồng. Đây được xem là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, tạo ra nông sản “sạch”, thân thiện với môi trường. Phát triển mô hình sản xuất này và các mô hình tương tự là góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh 

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com