Xung quanh việc hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh thực hiện chuyển đổi số

08:06, 29/06/2022

Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19 cùng với yêu cầu phải cắt giảm chi phí, đặc biệt là thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, các doanh nghiệp cũng có nhu cầu ngày càng tăng về việc sử dụng, chia sẻ thông tin và tổ chức các hoạt động trực tuyến trong điều hành, sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp không chỉ là lựa chọn mà là đòi hỏi tất yếu, tạo ra sự thay đổi căn bản và tăng năng lực thích ứng hoàn cảnh trong mỗi doanh nghiệp. 

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Công ty TNHH Cường Tân đã tích cực thực hiện chuyển đổi số, áp dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất lúa hàng hóa, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí, công lao động cho nông dân.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Công ty TNHH Cường Tân đã tích cực thực hiện chuyển đổi số, áp dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất lúa hàng hóa, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí, công lao động cho nông dân.

Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin tại Công ty Điện lực Nam Định để thiết lập và vận hành hơn 592 nghìn km cáp quang kết nối tới 100% đơn vị trực thuộc và các trạm biến áp 110kV không người trực đã phát huy hiệu quả quan trọng trong quản lý, điều hành. Hạ tầng được phân tách thành 2 hệ thống là công nghệ vận hành (OT) và công nghệ thông tin (IT) độc lập nhau. Toàn bộ hệ thống được giám sát với 76 thiết bị truyền dẫn vận hành dựa trên công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là ghép kênh quang theo bước sóng và truyền dẫn đồng bộ, truyền dẫn IP phục vụ điều hành mạng lưới điện và sản xuất, kinh doanh điện. Với khối lượng quản lý vận hành 28 thiết bị đảm bảo an toàn thông tin được trang bị các Firewall chuyên dụng, các Filewall nguồn mở, thu thập thông tin nguồn mở, sơ đồ giám sát thiết bị kênh truyền nguồn mở đã đáp ứng rất tốt cho an toàn thông tin tại Công ty Điện lực Nam Định. Nhờ đó, trong năm 2021, hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin tại Công ty hoạt động an toàn, ổn định, không ghi nhận sự cố tấn công mạng. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các dự án nâng cao năng lực hệ thống mạng cáp quang và các thiết bị truyền dẫn đảm bảo hạ tầng mạng viễn thông và công nghệ thông tin vận hành vững chắc, góp phần thúc đẩy Điện lực Nam Định sớm về đích công tác CĐS năm 2022 và cơ bản trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025 đúng với định hướng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và EVN.

Đồng chí Vũ Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) cho biết: khái niệm CĐS trong doanh nghiệp được hiểu là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các ứng dụng công nghệ số để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình sản xuất, kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp. Đó cũng là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số thông qua sử dụng các công nghệ hiện đại gắn với công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), internet vạn vật (loT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), chuỗi khối (Blockchain), in ba chiều (3D Printing).  Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030, trong đó có những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tạo nền tảng CĐS; xác định vai trò của các cấp, các ngành trong CĐS nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp CĐS nói riêng. Thể hiện quyết tâm thúc đẩy CĐS tạo động lực mới cho đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 về CĐS tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ngày 22-10-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Trong đó, về phát triển kinh tế số, giải pháp trọng tâm là: Hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp CĐS, các doanh nghiệp có hàm lượng ứng dụng công nghệ số cao để “dẫn dắt” trong CĐS nhằm tạo ra thị trường và thu hút các doanh nghiệp công nghệ số về tỉnh hoạt động. Phát triển, triển khai hệ thống phổ cập, hỗ trợ, trao đổi, hướng dẫn về các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện CĐS. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số hỗ trợ, thúc đẩy triển khai các ứng dụng số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh. Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, trong 4 tháng đầu năm 2022, tất cả các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh có thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính. Có 1.070 hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp phát sinh thanh toán trực tuyến. Tổng số tiền thực hiện thanh toán phí, lệ phí trực tuyến là trên 152 triệu đồng; tổng số tiền thực hiện thanh toán nghĩa vụ thuế trực tuyến về đất đai là 3,129 tỷ đồng… Có thể thấy, CĐS đã trở thành một thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển và tránh tụt hậu. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp của tỉnh thực hiện CĐS giúp mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt hơn, tối ưu hóa quá trình sản xuất cũng như công tác quản lý để tiết kiệm chi phí, thời gian, tăng lợi nhuận, tăng sự hài lòng của khách hàng và tạo ra phương pháp, mô hình kinh doanh mới. Đồng chí Vũ Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở KH và CN cho biết thêm: Thực tế cho thấy, để thực hiện CĐS trong doanh nghiệp, lộ trình thông thường gồm 3 bước, đó là: Có nhận thức và tư duy đúng về CĐS, trong đó nhận thức của người đứng đầu là điều kiện tiên quyết để từ đó truyền nhận thức, cảm hứng, khát vọng và quyết tâm thay đổi tới các thành viên. Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động, xác định trạng thái hiện tại và trạng thái cần hướng tới để định rõ mục tiêu, xác định mô hình hoạt động kinh doanh mới trong môi trường số, xây dựng kế hoạch hoạt động với các giai đoạn hợp lý, nội dung cụ thể. Xác định công nghệ số chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động cũng như các nền tảng cần có để hỗ trợ việc chuyển đổi… Tuy nhiên, để CĐS cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cần phải tháo gỡ khó khăn về công nghệ, vốn đầu tư cho CĐS và những thách thức từ nhận thức của chính các doanh nghiệp. 

Thời gian tới, để việc CĐS cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai thuận lợi và đạt kết quả cao, Sở KH và CN đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo và CĐS. Hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ CĐS cho các doanh nghiệp như: Xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề. Triển khai các hoạt động truyền thông về chương trình CĐS cho doanh nghiệp để tạo sự lan tỏa và kết nối. Hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển giải pháp, nền tảng CĐS, gồm xây dựng tiêu chí, tổ chức đánh giá, lựa chọn các giải pháp và kết nối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu CĐS. Xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn CĐS và môi trường số cho các doanh nghiệp tuỳ theo loại hình sản xuất và kinh doanh để thực hiện CĐS. Từng bước hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS cho các doanh nghiệp. Nâng cao năng lực của các chuyên gia tư vấn CĐS theo các các tiêu chuẩn, xu hướng thế giới. Xây dựng và tổ chức triển khai các khóa đào tạo, nhất là các bài giảng trực tuyến mở trên môi trường số và tại doanh nghiệp. Lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực, cam kết CĐS để hỗ trợ, tư vấn xây dựng lộ trình CĐS và hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ tư vấn của mạng lưới chuyên gia. Xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau chia theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển giải pháp, nền tảng CĐS, gồm xây dựng tiêu chí, tổ chức đánh giá, lựa chọn các giải pháp CĐS và kết nối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu CĐS./.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com