Hiệu quả ứng dụng khoa học và công nghệ ở Mỹ Lộc

06:03, 15/03/2022

Những năm gần đây, huyện Mỹ Lộc đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) vào các hoạt động kinh tế - xã hội và đã đạt nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng tại xã Mỹ Tân.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng tại xã Mỹ Tân.

Để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, UBND huyện Mỹ Lộc đã chỉ đạo các phòng, ban và các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về KH và CN; khuyến khích mọi thành phần kinh tế chú trọng việc ứng dụng KH và CN vào các hoạt động sản xuất kinh doanh để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới… Ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai phần mềm quản lý nhà trường, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và một số hệ thống thông tin khác. Đặc biệt đã triển khai các phần mềm hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá tất cả các môn học trong trường học như: phần mềm hỗ trợ soạn giảng, các kho học liệu, các thí nghiệm mô phỏng, các phần mềm hỗ trợ việc kiểm tra đánh giá trực tuyến, chấm bài trắc nghiệm. Các cấp trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện thực hiện dạy trực tuyến qua các phần mềm Zoom, OLM, Zalo, Google Meet để phát huy hiệu quả chất lượng dạy và học ứng phó với dịch COVID-19. Tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước từ huyện đến xã triển khai phần mềm Một cửa điện tử tích hợp Cổng cung cấp dịch vụ công, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. 100% dịch vụ công trực tuyến được hỗ trợ giải quyết thắc mắc của người dân, doanh nghiệp, cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 2, mức độ 3 và sẵn sàng triển khai mức độ 4 phục vụ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, Mỹ Lộc xây dựng mô hình áp dụng quy trình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác thải hữu cơ sau khi phân loại tại nguồn thành phân bón vi sinh để tái sử dụng bón cho cây trồng tại các xã Mỹ Thịnh, Mỹ Thành, Mỹ Trung, Mỹ Hà, Mỹ Hưng và thị trấn Mỹ Lộc mang lại lợi ích kinh tế cao, góp phần xử lý hiệu quả vấn đề “nhức nhối” về rác thải nông thôn, xây dựng môi trường nông thôn sạch, đẹp, trong lành.

Hiện nay, nền nông nghiệp của huyện Mỹ Lộc đang từng bước phát triển theo sản xuất hướng hàng hóa tập trung, áp dụng KHCN vào canh tác, chế biến và đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản xuất. Trong 5 năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Lộc đã đưa 15 giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao và sức chống chịu tốt với sâu bệnh (VNR20, Kim Cương 111, TEJ vàng, Tám Nhiệt đới, Nàng Xuân)… vào sản xuất thử nghiệm chọn lọc dần thay thế cho giống lúa cũ đã thoái hóa. Một số giống lúa mới sau khi được khảo nghiệm đã nhân rộng sản xuất như 2 giống Dự Hương và TBR225 chiếm 40% diện tích gieo cấy trong cơ cấu vụ mùa của huyện. Huyện còn xây dựng một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như: sản xuất lúa Bắc thơm theo quy trình chăm sóc sử dụng các chế phẩm hữu cơ tại xã Mỹ Tiến; trồng rau sạch tại xã Mỹ Thành và 1 trang trại trồng cam, bưởi ở xã Mỹ Tiến có quy mô 2ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Chăn nuôi phát triển theo vùng tập trung, có 36 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Hầu hết các trang trại đầu tư về cơ sở vật chất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về máy móc, trang thiết bị hiện đại cùng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đã nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường và giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, đưa giá trị sản phẩm hàng hóa hàng năm của mỗi trang trại đạt từ 500-700 triệu đồng/năm, có trang trại doanh thu đạt 2-3 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu là trang trại nuôi 6.000 con gà đẻ trứng TAMAGO, xã Mỹ Trung; trang trại chăn nuôi trên 2.000 con lợn nái của anh Vũ Văn Khiêm, xã Mỹ Thịnh… Thủy sản phát triển theo hướng áp dụng nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, bền vững, hiệu quả; có 3 cơ sở nuôi cá nước ngọt trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Năm 2021, Mỹ Lộc có 4 sản phẩm là ruốc cá, cá trắm đen nướng, cá trắm đen tươi cắt khúc của cơ sở ông Trần Văn Khoa, xã Mỹ Hà và sản phẩm trứng gà Mochi của trang trại gà TAMGO được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong công tác khuyến công, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh trình UBND tỉnh hỗ trợ 2 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại xã Mỹ Tân và Mỹ Phúc chuyển giao công nghệ, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia tăng sức cạnh tranh.

Đồng chí Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy ứng dụng KH và CN huyện Mỹ Lộc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về KH và CN, tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm trên địa bàn. Nâng cao trình độ cán bộ KH và CN thông qua các khóa, lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và qua tham quan các mô hình tiêu biểu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan cấp huyện, xã, thị trấn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001: 2015. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức ứng dụng các phần mềm hỗ trợ phục vụ công tác chuyên môn.

Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng KH và CN vào đời sống, sản xuất huyện Mỹ Lộc hướng tới mục tiêu tiếp tục góp phần tích cực đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển khá; ngày càng đổi mới diện mạo nông thôn khang trang, hiện đại; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com