Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong giai đoạn mới

07:01, 25/01/2022

Phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH và CN) nói riêng là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Để KH và CN phát huy được vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội, cần phải phát triển đồng bộ cả nguồn nhân lực lẫn cơ sở vật chất nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó việc phát triển nguồn nhân lực KH và CN có ý nghĩa quyết định.

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định trong giờ thực hành.
Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định trong giờ thực hành.

Theo thống kê của Sở KH và CN, chỉ tính riêng nhân lực KH và CN thuộc các tổ chức KH và CN trên địa bàn tỉnh hiện có 182 người, trong đó có 3 tiến sĩ, 32 thạc sĩ, 117 đại học và 30 cao đẳng. Chia theo lĩnh vực đào tạo thì 70 người thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ; 18 chuyên ngành khoa học y, dược và 94 là khoa học nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh đã thu hút nhiều nhà khoa học của các cơ quan Trung ương tham gia có hiệu quả vào việc tư vấn, phản biện, nghiên cứu và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong một số vấn đề lớn, quan trọng thông qua các chương trình, đề tài, dự án về KH và CN. Những năm qua, nhân lực KH và CN của tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt là tham gia công tác quản lý, lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn phát huy tốt vai trò, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào việc xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã tổ chức quản lý triển khai trên 110 nhiệm vụ KH và CN phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; công nghiệp và xây dựng; tài nguyên và môi trường; y tế và giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; khoa học xã hội và nhân văn... Đã tiếp nhận, ứng dụng trên 100 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN sản xuất liên kết chuỗi trong lĩnh vực nuôi thủy hải sản, giống cây trồng, chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao. Nổi bật là các đề tài, dự án: sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá hồng mỹ; nuôi tôm hữu cơ; trồng hoa, rau, củ, quả công nghệ cao; sản xuất bồn trộn bê tông thương phẩm đa năng… Trong lĩnh vực y tế đã triển khai một số mô hình nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân như: phát hiện sớm và quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường; dinh dưỡng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại vùng ven biển… Trong năm 2021, ngành  KH và CN đã tổ chức hội đồng thẩm định công nghệ các dự án trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư: “Nhà máy điện rác Greenity Nam Định”, dự án “Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định”. Đồng thời tham gia ý kiến về công nghệ cho 6 lượt dự án đầu tư: Dự án tổng kho xăng dầu Trường An của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An; Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân (Hải Hậu); Dự án xây dựng nhà máy thực phẩm công nghệ cao tại xã Hiển Khánh (Vụ Bản); phương án xử lý nước thải trong dự án mở rộng công suất của nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Bảo Minh; phương án xử lý Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hoà Xá; phương án về chính sách miễn giảm tiền thuê đất của Công ty TNHH Youngone Nam Định. 

Có thể nói với sự chủ động, tích cực tham mưu đề xuất của đội ngũ nhân lực KH và CN, tỉnh đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách, chiến lược, kế hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều chương trình, dự án, đề án lớn đã và đang được triển khai đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nguồn nhân lực KH và CN của tỉnh còn những hạn chế do tiềm lực chưa được đầu tư đúng mức để phát huy. Đội ngũ cán bộ KH và CN tuy đông về số lượng nhưng lực lượng chuyên gia hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao rất ít. Nhân lực KH và CN phân bố không đồng đều, phần lớn tập trung ở khu vực Nhà nước, thành phố, ở các khu vực tư nhân, doanh nghiệp và nông thôn còn thấp. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm tranh thủ nguồn nhân lực khoa học từ Trung ương. Một bộ phận còn hạn chế về trình độ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đặc biệt là khả năng ngoại ngữ còn yếu nên hạn chế trong tiếp cận tri thức tiên tiến, năng lực nghiên cứu, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về KH và CN. Chưa có chính sách khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức rất lớn đối với yêu cầu xây dựng và phát triển nhân lực KH và CN. Để tạo bước đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực KH và CN đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đòi hỏi ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về KH và CN. Xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực KH và CN, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH và CN chất lượng cao gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh phát triển nhân lực KH và CN bao gồm việc đào tạo, đào tạo lại gắn liền với sử dụng và trọng dụng nhân tài; thực hiện tốt chính sách để nuôi dưỡng tài năng đối với cán bộ khoa học trẻ. Đồng thời, mở rộng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo ở nước ngoài để cán bộ KH và CN được cọ xát môi trường học thuật quốc tế, được đào tạo trong hoạt động nghiên cứu và phát triển quốc tế. Tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác về KH và CN với các viện, trường đại học đầu ngành nhằm liên kết các nhà khoa học để chuyển giao kết quả nghiên cứu, công nghệ mới cho các doanh nghiệp. Tăng cường tham mưu xây dựng cơ chế chính sách để phát huy năng động sáng tạo của đội ngũ làm công tác KH và CN. Cùng với thực hiện tốt cơ chế, chính sách, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, nhất là từ doanh nghiệp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực KH và CN. Qua đó, phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ KH và CN, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com