Khơi nguồn sáng tạo trong công nhân lao động

08:01, 16/01/2022

Những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động trong các cấp công đoàn toàn tỉnh luôn là phong trào xuyên suốt có chiều sâu của công tác công đoàn và phong trào công nhân tỉnh. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, say mê lao động, thi đua sáng tạo, có nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống người lao động.

Anh Nguyễn Hoàng Long, Quản lý bộ phận hoàn thành Công ty TNHH Smart Shirts Garment Manufacturing Bảo Minh (Vụ Bản) được tặng Bằng Lao động sáng tạo tại Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”.  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Anh Nguyễn Hoàng Long, Quản lý bộ phận hoàn thành Công ty TNHH Smart Shirts Garment Manufacturing Bảo Minh (Vụ Bản) được tặng Bằng Lao động sáng tạo tại Lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”.

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Cuối tháng 12-2021, trong lễ tuyên dương các điển hình xuất sắc tiêu biểu Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, anh Nguyễn Hoàng Long, Công ty TNHH Smart Shirts Garment Manufacturing Bảo Minh (Vụ Bản) là một đại biểu của CNVCLĐ tỉnh vinh dự được tặng Bằng Lao động sáng tạo. Không chỉ là một quản lý năng động, anh Long còn có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, điển hình là sáng kiến “Cải tiến quy trình đóng áo sơ mi vào thùng các tông để tránh nhầm lẫn và sai sót khi xuất khẩu hàng đi nước ngoài”. Anh Long cho biết: Trước đây để đóng một đơn hàng xuất khẩu, bộ phận hoàn thành (là bộ phận cuối cùng trong quy trình sản xuất của nhà máy) cần rất nhiều người phân loại áo, xếp từng size vào các thùng chuyên dụng, quét mã (scan) vạch từng chiếc áo rồi mới cho vào thùng các tông theo đúng yêu cầu của phiếu đóng gói hàng hóa (Packing List). Khi đã đủ áo trong 1 thùng các tông máy sẽ in nhãn (sticker) ra để dán lên thùng. Làm theo cách này công nhân phải tăng ca liên tục để tránh ùn tắc hàng từ đó dẫn đến nhiều sai sót. Anh Long luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để giảm thiểu áp lực về tiến độ, thời gian, chất lượng cho cả bộ phận và nhiều lần mày mò, cải tiến các quy trình làm việc. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh đã vạch ra quy trình mới là khi đóng đơn hàng công nhân không scan mã vạch trên từng áo như quy trình cũ mà đóng trước đủ số áo trong 1 thùng các tông và đưa lên máy. Máy sẽ nhận dạng và quét toàn bộ mã vạch của các áo trong thùng bằng phần mềm được cải tiến. Nếu đúng theo Packing List máy sẽ in sticker; nếu không đúng (thừa, thiếu, sai size, sai màu, sai chủng loại) máy sẽ báo lỗi và không in sticker ra. Cách làm này giúp bộ phận scan mã vạch 1 lần tất cả số áo trong thùng các tông thay vì phải scan từng chiếc áo một so với trước kia giúp năng suất lao động tăng gấp nhiều lần so với quy trình cũ. Giải pháp cải tiến này đã làm lợi cho Công ty hơn 1,2 tỷ đồng/năm. Sáng kiến này đã được áp dụng từ tháng 3-2020 đến nay, không chỉ ở Công ty mà còn mở rộng ra 5 nhà máy khác của Tập đoàn Smart Shirts.

Toàn tỉnh hiện có hơn 168 nghìn CNVCLĐ, trong đó gần 60% là công nhân lao động trực tiếp. Tổ chức công đoàn đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức cho đoàn viên, công nhân lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; đồng thời đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ… đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa. Các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh được các cấp Công đoàn triển khai sâu rộng đến CNVCLĐ, đặc biệt là lực lượng công nhân lao động, những người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp. Hưởng ứng các phong trào, chương trình thi đua, đoàn viên, công nhân lao động trong các doanh nghiệp đã say mê nghiên cứu, sáng tạo tìm các biện pháp để tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Một số doanh nghiệp có phong trào thi đua lao động sáng tạo phát triển mạnh với nhiều sáng kiến, kinh nghiệm áp dụng hiệu quả vào sản xuất như: Công ty Điện lực Nam Định với phong trào “Mỗi cán bộ đoàn viên một giải pháp về đổi mới, sáng tạo hiệu quả trong hoạt động Công đoàn”; từ năm 2020 đến nay đã có 99 sáng kiến được công nhận cấp Công ty và 5 sáng kiến được Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc công nhận. Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) ngoài đầu tư các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao còn tập trung đào tạo bồi dưỡng đội ngũ công nhân lành nghề gồm các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có trình độ tay nghề cao để nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tạo ra các sản phẩm máy chế biến lâm sản, doanh thu bình quân đạt 70-80 tỷ đồng/năm… Ghi nhận những thành tích trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của CNVCLĐ tỉnh, năm 2021, có 4 tập thể lao động được tặng Cờ thi đua, 84 tập thể và cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen; 2 tập thể được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, 10 công nhân lao động được tặng Bằng khen… Trong Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, tỉnh có 2 công nhân được tặng Bằng Lao động sáng tạo, 3 cá nhân được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen. Ở Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2020-2021) đã có 12 nhóm tác giả được Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị tặng Bằng khen; điển hình là các giải pháp “Ứng dụng phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc đặt lưới nhân tạo điều trị thoát vị bẹn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định” của nhóm tác giả Hoàng Ngọc Hà, Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Thị Minh Tâm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh); “Thiết bị điều khiển quản lý trang trại thông minh ứng dụng công nghệ IoT, AI” của nhóm tác giả Roãn Văn Hóa, Trần Đức Chuyển, Nguyễn Đức Điển (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Nam Định)… Sự quan tâm, động viên kịp thời đã khuyến khích người lao động phát huy năng lực sáng tạo, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Đại dịch COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã tác động tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, các doanh nghiệp trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo trong công nhân lao động, tăng cường cải tiến kỹ thuật, đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường, đồng thời thay đổi phương thức kinh doanh để thích ứng với dịch, tạo cơ hội để phát triển./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com