Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất rau màu

07:12, 23/12/2021

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, một số đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) trong sản xuất rau màu. Các mô hình sản xuất rau sạch, an toàn xuất hiện ngày càng nhiều góp phần nâng cao chất lượng của nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường và tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Mô hình trồng dưa chuột ứng dụng công nghệ cao của anh Vũ Văn Khá, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).
Mô hình trồng dưa chuột ứng dụng công nghệ cao của anh Vũ Văn Khá, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng).

Một trong những giải pháp trọng tâm được tỉnh tập trung thực hiện là kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư ứng dụng KH và CN vào nông nghiệp, đặc biệt là các mô hình sản xuất rau công nghệ cao; lựa chọn những nông sản có thế mạnh của từng địa phương để đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất sạch, an toàn cho hiệu quả kinh tế cao. UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc chuyển giao KH và CN cho nông dân thông qua các mô hình thí điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của người dân theo nhu cầu thị trường, xu hướng lựa chọn, tiêu dùng nông sản, an toàn. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng trên 20 nghìn ha rau màu, tập trung chủ yếu ở vụ xuân và vụ đông. Thông qua các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cơ giới hóa của tỉnh, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã đầu tư mua sắm máy móc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động… Tại những vùng sản xuất cây rau màu tập trung, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cơ bản đạt 100% diện tích. Từ mô hình thí điểm đồng bộ cơ giới hóa khâu gieo hạt trên cây lạc và ngô tại các xã Liên Bảo (Vụ Bản), Yên Cường (Ý Yên), Nam Hoa (Nam Trực)… đã nhân rộng ra khắp các địa phương trong tỉnh. Cung cấp nước tưới, tiêu cho sản xuất rau màu thực hiện chủ yếu bằng động lực là chính. Ngoài ra, người nông dân tự trang bị máy bơm nhỏ các loại để tưới, tiêu cho diện tích cây trồng của gia đình, đáp ứng cơ bản nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một số doanh nghiệp, nông dân và HTX trên địa bàn tỉnh còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến như: tưới phun mưa, tưới phun sương, tưới phun rãnh, tưới nhỏ giọt được vận hành theo phương pháp tưới tự động, bán tự động, điều khiển từ xa… thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời giúp người dùng kiểm soát lượng phân bón thích hợp theo đúng tỉ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất. 

Nếu trước đây, ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà kính, nhà lưới khép kín để trồng rau công nghệ cao rất ít, quy mô nhỏ thì nay ở hầu hết các huyện, thành phố đều có mô hình điểm, đem lại giá trị cao, bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Nói về quy mô sản xuất trong nhà màng lớn phải kể đến trang trại trồng dưa và hoa công nghệ 4.0 của anh Mai Ngọc Chấn, xóm Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường). Việc sản xuất trong nhà màng giúp hơn 5.000m2 cây trồng của trang trại được chăm sóc đặc biệt với quy trình “kỷ luật hóa” từ nước, nhiệt độ và cả không khí xung quanh khu canh tác… đảm bảo tuyệt đối về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Anh Chấn cho biết: “Trồng dưa chuột, dưa lưới trên giá thể xơ dừa trong nhà màng có ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hẹn giờ tự động giúp tôi chủ động về thời gian, thời tiết nên có thể sản xuất quanh năm. Ngoài ra, trồng dưa trong nhà màng còn ngăn ngừa côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu phải sử dụng trong quá trình cây sinh trưởng, mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng an toàn góp phần bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng và cộng đồng”. Chương trình phát triển sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được chú trọng. Tranh thủ nguồn tài trợ của JICA từ Dự án Hỗ trợ thúc đẩy nâng cao thu nhập và ổn định sản xuất, kinh doanh nông nghiệp cho khu vực lân cận thành phố Hà Nội và Nam Định; cùng với sự hỗ trợ của tỉnh Ibaraki, Miyazaki (Nhật Bản), mỗi năm, tỉnh thực hiện được 7-10 mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản và đang tiếp tục nhân ra diện rộng. Đồng thời đã tiếp thu, ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ Nhật Bản, ứng dụng phân hữu cơ cho các mô hình sản xuất rau an toàn. Từ đó tạo ra những nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. Trong thời gian qua, công nghệ trồng rau “không đất”, sạch đến mức… “hái trên cây ăn trực tiếp tại vườn được” cũng xuất hiện nhiều hơn. Điển hình là Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN (Sở KH và CN) phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn bằng công nghệ khí canh. Với công nghệ này, cây trồng được cung cấp nước và chất dinh dưỡng bằng cách phun trực tiếp lên rễ, đồng thời giúp hạn chế sâu bệnh nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, tạo ra những nông sản sạch, chất lượng cao. Với công nghệ trồng rau thủy canh, không chỉ các doanh nghiệp chuyên sản xuất - kinh doanh rau áp dụng mà hộ gia đình cũng có thể lựa chọn phương pháp này theo 2 hình thức: thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu. Phương pháp này sử dụng giá thể là xơ dừa và dung dịch dinh dưỡng thay cho đất nên khắc phục được khó khăn về diện tích chật hẹp hoặc không có đất sản xuất của đô thị để tạo ra sản phẩm rau sạch cho bữa cơm gia đình. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng KH và CN trong trồng rau màu vẫn còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế. Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất là việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung do đặc thù canh tác rau màu của nông dân trong tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa đảm bảo khối lượng cung ứng ổn định cho doanh nghiệp để có thể kêu gọi doanh nghiệp hợp tác đầu tư tạo chuỗi liên kết và đẩy mạnh ứng dụng KH và CN trong sản xuất. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên đồng ruộng của tỉnh mặc dù từng bước được đầu tư cải tạo, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng KH và CN, đặc biệt là trong sản xuất rau an toàn. Chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, nhất là về chế biến nông sản. Một số doanh nghiệp đã đầu tư tham gia sản xuất rau an toàn song chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Khả năng thay đổi tập quán canh tác truyền thống để tiếp thu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới của nông dân còn chậm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn còn tư tưởng “rẻ như rau” nên rau sạch, an toàn giá cao do chi phí sản xuất cao hơn thông thường nên khó cạnh tranh dẫn đến hạn chế việc phát triển, mở rộng quy mô sản xuất rau công nghệ cao. Để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng cùng các huyện, thành phố tập trung nguồn kinh phí khuyến nông để hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất rau an toàn công nghệ Nhật Bản và xây dựng các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới. Kết nối và khuyến khích doanh nghiệp, HTX và tổ hợp tác liên kết xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản tại địa phương. Tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Ứng dụng KH và CN trong sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo nguồn nông sản hàng hóa sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường góp phần thúc đẩy thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com