Ứng dụng khoa học - kỹ thuật: Nâng cao giá trị sản xuất tại các làng nghề truyền thống

08:09, 01/09/2021

ng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất tại các làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng năng suất lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện nhằm giữ gìn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Hoàn thiện sản phẩm gỗ mỹ nghệ tại một cơ sở sản xuất ở xã Hải Minh (Hải Hậu).
Hoàn thiện sản phẩm gỗ mỹ nghệ tại một cơ sở sản xuất ở xã Hải Minh (Hải Hậu).

Toàn tỉnh hiện có 142 làng nghề hoạt động theo các nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, cơ khí…; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Trong đó có 80 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT). Nếu như trước đây, hầu hết các hộ dân, cơ sở sản xuất trong làng nghề đều làm thủ công, sử dụng máy móc công nghệ cũ, bán tự động khiến cho hiệu suất lao động thấp, tốn nhiều nhân lực thì đến nay, cơ bản các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang dần “thay da đổi thịt” nhờ áp dụng tiến bộ của KHKT, đổi mới công nghệ trong sản xuất. Trong đó, các làng nghề cơ khí, đúc kim loại ở tỉnh ta đã khẳng định những thành công bất ngờ với nhiều sản phẩm có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành phố trong nước và vươn xa ngoài lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, ở các làng nghề này có hàng trăm máy móc, thiết bị hiện đại. Các cơ sở ở làng nghề đúc đều chuyển sang công nghệ khuôn cắt với sản phẩm đạt độ chính xác cao. Không dừng lại ở đó, nhiều chủ doanh nghiệp đã tiếp cận công nghệ mới và quan tâm đào tạo nguồn nhân lực với các chế độ ưu đãi nhằm thu hút nhân tài. Các làng nghề cơ khí hiện nay không chỉ giải quyết vấn đề việc làm cho lao động địa phương mà còn thu hút số lượng lớn lao động đến từ nhiều vùng quê trên đất nước. Tại làng nghề truyền thống cơ khí, đúc Tống Xá (Ý Yên) đã có hơn 20 doanh nghiệp vào cụm công nghiệp với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, thu hút hơn chục kỹ sư luyện kim, gần 30 nghệ nhân nghề đúc và khoảng 100 công nhân kỹ thuật có trình độ tạo mẫu bậc cao. Các công nghệ thiết bị hiện đại như: máy cắt CNC tạo mẫu sản phẩm; máy phân tích quang phổ chuyên dụng, máy mài CNC… được đưa vào sản xuất đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, đạt đến trình độ tinh xảo từ đồ phong thủy, tranh, hoành phi, câu đối đến những bức tượng chân dung. Ở các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ như: La Xuyên (Ý Yên), Hải Minh (Hải Hậu), làng Kênh (Trực  Ninh)… đều ứng dụng KHKT tiên tiến, đầu tư các loại máy móc hiện đại như: máy CNC đục gỗ vi tính, máy điêu khắc mỹ thuật CNC… với giá trị hàng trăm triệu đồng vào sản xuất đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp với mẫu mã phong phú, đa dạng hơn. Các công đoạn sản xuất như: xẻ, khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn đã được thay thế sức người thủ công bằng máy móc nên nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất góp phần đưa các sản phẩm tiêu thụ khắp miền Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha… Ở làng nghề hoa lụa Báo Đáp xã Hồng Quang (Nam Trực), những người thợ cũng không ngừng học hỏi, tìm tòi, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường để cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa các sản phẩm. Bà Vũ Thị Son, chủ cơ cở sản xuất hoa vải lụa Son Chu cho biết: Trước kia, làm hoa nhựa, mẫu mã chưa đa dạng đẹp nên thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy chúng tôi phải sáng tạo, thay đổi nguyên liệu, mẫu mã để duy trì nghề truyền thống của gia đình. Hiện chúng tôi sử dụng vải lụa để tạo ra các sản phẩm hoa mai, hoa đào, hoa ly, hoa sen… không chỉ đáp ứng được những yêu cầu về thẩm mỹ, màu sắc không thua kém gì hoa thật mà còn có giá trị sử dụng lâu dài và có giá cả hợp lý nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đồng chí Lê Hồng Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT) cho biết: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất được xem là một trong những giải pháp then chốt, trở thành yếu tố sống còn đối với các làng nghề. Áp dụng KHKT không những rút ngắn các công đoạn thủ công, giúp nâng cao năng suất, tăng tính đồng bộ, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm cũng như tiết kiệm được thời gian, giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, giải phóng sức lao động, cải thiện môi trường làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, UBND tỉnh đã hỗ trợ 11 mô hình áp dụng KHKT trong các làng nghề với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. 

Mặc dù vậy việc tiếp cận KHKT tiên tiến phục vụ cho sản xuất của các cơ sở làng nghề ở tỉnh ta còn yếu. Do hạn chế về công nghệ và kỹ thuật sản xuất nên nhiều làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất. Nguyên nhân do chất lượng nguồn nhân lực thấp; công tác tuyên truyền, hướng dẫn, xúc tiến chuyển giao KHKT của các ngành, địa phương chưa thường xuyên liên tục. trong khi đó việc phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình nên đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ còn khó khăn. Theo đồng chí Lê Hồng Đức, để các làng nghề vượt qua rào cản công nghệ, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến công, chính quyền các địa phương cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiến bộ vào sản xuất, khuyến khích các hộ làm nghề mạnh dạn đầu tư trang bị máy móc, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, dần thay thế các công đoạn thủ công, hướng đến sản xuất tự động hoá. Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh áp dụng KHKT vào sản xuất. Chú trọng truyền nghề gắn với đào tạo lao động lành nghề có chuyên môn cao, hiểu biết về KHKT để thay thế lực lượng lao động thủ công hiện tại. Chính quyền các địa phương cần trở thành cầu nối giữa các hộ làng nghề trong việc đặt hàng, chuyển giao KHKT, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Kết nối với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện giúp các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề tiếp cận các chính sách tài chính hỗ trợ sản xuất, nguồn vốn vay ưu đãi cũng như có trách nhiệm trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển làng nghề, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề cải tiến công nghệ, trang bị máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại… Các cơ sở sản xuất cần phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, hình thức kinh doanh, chủ động trong việc tiếp cận, nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ phù hợp với tình hình sản xuất thực tế.

Định hướng thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực, khuyến khích phát triển các nghề, làng nghề có tiềm năng, thế mạnh; hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com