Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường

07:07, 28/07/2021

Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Những năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại tỉnh ta ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn.

Xử lý chất thải chăn nuôi bằng máy tách phân tại trang trại của ông Hà Danh Thảo, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Xử lý chất thải chăn nuôi bằng máy tách phân tại trang trại của ông Hà Danh Thảo, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Hoạt động KH và CN đã có những đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn. Hiện nay, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với số lượng đàn gia súc, gia cầm ngày càng tăng cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, người chăn nuôi thường gặp khó về vốn đầu tư xử lý môi trường ban đầu đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các vùng nông thôn. Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, ngành KH và CN đã thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng xử lý chất thải trong chăn nuôi. Tiêu biểu là các mô hình sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải của lợn làm phân bón hữu cơ; sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải… không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới phát triển chăn nuôi an toàn bền vững. Trong lĩnh vực y tế, đến nay các cơ sở y tế trong tỉnh đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định, trong đó có 17 cơ sở y tế từng thuộc danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, được đưa ra khỏi Quyết định 1788/2013/QĐ-TTg. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học công suất 700 m3/ngày, đêm; nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường. Các bệnh viện tuyến tỉnh: Phụ sản, Tâm thần, Mắt, Y học cổ truyền, Lao và Bệnh Phổi, Trung tâm Y tế dự phòng; các bệnh viện đa khoa và cơ sở y tế tuyến huyện (Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Nghĩa Bình, Ý Yên, Mỹ Lộc) và thành phố chất thải lỏng y tế được xử lý bằng hệ thống hợp khối FRP-Johkasou công nghệ màng lọc AAO của hãng Kubota (Nhật Bản)… đạt Quy chuẩn Việt Nam. Đối với rác thải y tế, hiện có 2 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi, Bệnh viện Phụ sản) và 10 bệnh viện đa khoa và cơ sở y tế tuyến huyện thực hiện xử lý đốt rác tại chỗ bằng lò đốt Chuwastar (công nghệ Nhật Bản) với công suất 160-200kg/ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đốt bằng lò Hoval (Công nghệ của Áo); tro thải sau khi đốt đều đạt trên chuẩn về bảo vệ môi trường. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây được ngành KH và CN tỉnh tập trung nghiên cứu, đánh giá, dự báo một số ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, đánh giá nguồn phát thải; xây dựng các mô hình kinh tế - xã hội sử dụng năng lượng tái tạo, mô hình tiết kiệm năng lượng... Điển hình là các đề tài, dự án: “Điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm kim loại nặng trong đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Nam Định đề xuất một số biện pháp cải tạo và sử dụng hợp lý đất bị ô nhiễm”; “Nghiên cứu hiện trạng, nguyên nhân suy thoái rừng ngập mặn và xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn bền vững tại Vườn quốc gia Xuân Thủy”; “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm làng nghề cơ khí và xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề”… Từ kết quả nghiên cứu và căn cứ vào yêu cầu phát triển giai đoạn tới các đề tài, dự án nêu trên đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học. Vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Lam An (Giao Thủy) đã nghiên cứu, hoàn thiện dây chuyền sản xuất thử 60 mẫu lò “hóa vàng” không khói bụi. Theo đó lò đốt được làm bằng inox và đồng, với nhiều kích thước, có modul vỏ ngoài, phần đỡ được lắp cố định để ổn định bình đốt; modul vỏ trong lắp chụp được bố trí có thể tháo lắp dễ dàng; quạt gió để cấp gió 2 vùng độc lập vào trong bình đốt. Ưu điểm của lò đốt là nhỏ gọn, độ bền cao, tiết kiệm thời gian, không gây nóng vỏ nên rất an toàn cho người sử dụng, không có bụi tro bay lên khi đốt góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện Công ty đã đăng ký thành công và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) cấp bằng độc quyền về kiểu dáng công nghiệp. Trong năm 2020, ông Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ tang lễ Hoàng Long, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) đoạt giải Huy chương Vàng Cuộc thi sáng chế và sáng tạo quốc tế tại Ba Lan với hệ thống xử lý khói bụi lò hỏa thiêu, khắc phục hoàn toàn tình trạng xả trực tiếp khí thải, khói bụi của các lò thiêu thẳng lên trời gây ô nhiễm môi trường không khí. Hiện nay, công nghệ này đã được hoàn thiện và vận hành ổn định tại 7 lò hỏa thiêu của Công viên nghĩa trang Thanh Bình với 700-1.000 lượt sử dụng/tháng, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH và CN trong bảo vệ môi trường của tỉnh ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Số lượng đề tài khoa học cấp tỉnh hàng năm về lĩnh vực bảo vệ môi trường còn ít. Mặt khác, trình độ chuyên môn về KH và CN của cán bộ trong các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cán bộ, công nhân vận hành các hệ thống xử lý chất thải còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý môi trường. Nhiều công nghệ tiên tiến lĩnh vực xử lý môi trường của trong và ngoài nước chưa được triển khai, ứng dụng ở địa phương. Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao ứng dụng KH và CN trong xử lý môi trường, thời gian tới, tỉnh tập trung vào một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của KH và CN, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường. Tăng cường tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý môi trường các cấp và cán bộ vận hành hệ thống xử lý môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, bệnh viện, khu, cụm công nghiệp... về ứng dụng KH và CN trong xử lý môi trường. Có chính sách thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước; cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý khoa học nghiên cứu, ứng dụng KH và CN sinh học trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Cập nhật, phổ biến thông tin về các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và bảo vệ môi trường để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn đầu tư.

Với những nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường bằng KH và CN, tỉnh ta hướng tới một tương lai phát triển xanh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com