Xây dựng chính quyền điện tử - Bứt phá để thành công

07:01, 01/01/2021

Xuân 2021 đến trong niềm vui chung chào mừng thành công đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Góp phần vào thắng lợi quan trọng đó là chương trình cải cách hành chính xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) gắn với hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Thành công trong xây dựng CQĐT của tỉnh đã được Trung ương đánh giá cao và ưu tiên tỉnh tham gia vào tất cả các chương trình phát triển ứng dụng CNTT lớn của toàn quốc. Đây là cơ hội giúp tỉnh ta bứt phá, thành công hơn nữa trong lộ trình xây dựng CQĐT.

Đội ngũ kỹ thuật viên Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) vận hành Trung tâm điều hành thông minh tỉnh.
Đội ngũ kỹ thuật viên Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) vận hành Trung tâm điều hành thông minh tỉnh.

Hoàn thiện nền tảng công nghệ phát triển chính quyền điện tử

Chương trình xây dựng CQĐT của tỉnh được thực hiện trên quan điểm kiến tạo, phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn xác định xây dựng CQĐT là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, gắn với cải cách hành chính. UBND tỉnh đã ban hành, cập nhật Khung Kiến trúc CQĐT tỉnh Nam Định, phiên bản 2.0; đưa Trục liên thông văn bản vào hoạt động và kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia đảm bảo việc gửi, nhận văn bản điện tử của tỉnh liên thông đến 100% các cơ quan Đảng, đoàn thể và Nhà nước trong tỉnh cũng như đến 100% các bộ, ban, ngành Trung ương và 62 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đầu năm 2020, tỉnh xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của tỉnh kết nối với nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia, Cổng cung cấp dịch vụ công quốc gia và bộ, ngành. Đồng thời củng cố mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đảm bảo việc kết nối từ tỉnh đến tất cả các sở, ngành, địa phương và UBND các xã, phường, thị trấn, phục vụ hiệu quả việc liên thông, trao đổi văn bản điện tử, dữ liệu ở cả 4 cấp. Đến tháng 6-2020, toàn tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu ứng dụng CNTT đề ra trong Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 31-12-2019 về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh Nam Định năm 2020. Đây là cơ sở để triển khai các ứng dụng của CQĐT cũng như hiện đại hóa nền hành chính công để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng CQĐT tại cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh đã được triển khai một cách đồng bộ, từ hệ thống hạ tầng CNTT đến các phần mềm ứng dụng dùng chung. 100% xã, phường đã có mạng LAN và kết nối internet. 90% cán bộ công chức được trang bị máy vi tính. Hầu hết các xã, phường đã có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; 100% xã đã có trang Thông tin điện tử; tất cả cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử công vụ; 100% cán bộ lãnh đạo được cấp chữ ký số; 100% cán bộ xã, phường sử dụng thành thạo phần mềm hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến. Các chỉ tiêu xây dựng CQĐT qua từng năm đều đạt và vượt so với yêu cầu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử và Nghị quyết số 17/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Xếp hạng chỉ số hiện đại hóa nền hành chính và chỉ số ứng dụng CNTT của tỉnh hàng năm đều tăng, nằm trong tốp 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và hoàn thành mục tiêu thí điểm xây dựng đô thị thông minh. Kết quả này thể hiện định hướng đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành, lựa chọn cách làm phù hợp trong xây dựng CQĐT của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân viên chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn. Tỉnh ta là một trong 7 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cung cấp trên 30% dịch vụ công mức độ 4 và là 1 trong 3 tỉnh hoàn thành kết nối sớm nhất và có nhiều giao dịch nhất trên trục tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. Trong những ngày đầu năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và chính thức triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Thí điểm thành công đô thị thông minh 

Sau gần 10 tháng tập trung xây dựng, tháng 12-2020, UBND tỉnh đã chính thức đưa Trung tâm điều hành thông minh và các dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) của tỉnh vào thí điểm phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Nam Định. Theo đó, Trung tâm điều hành thông minh và các dịch vụ thí điểm ĐTTM của tỉnh được xây dựng với 3 hợp phần cơ bản là Trung tâm điều hành thông minh, Cổng Thông tin điều hành thông minh, các ứng dụng thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp và các dịch vụ thí điểm ĐTTM (Phản ánh hiện trường, giám sát an ninh trật tự, giám sát thông tin trên môi trường mạng, giám sát an toàn thông tin, giám sát dịch vụ công, giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và chỉ tiêu báo cáo)… bảo đảm đáp ứng, phục vụ tốt như yêu cầu giao tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước cũng như công cụ hiệu quả bảo đảm chỉ đạo và giải quyết công việc quản lý trên địa bàn tỉnh. Tại trụ sở Văn phòng UBND tỉnh có một Trung tâm điều hành ĐTTM đầy đủ trang thiết bị như: 1 phòng họp quy mô 40 người, màn hình hiển thị, máy tính để bàn, hệ thống âm thanh, ánh sáng và các phụ kiện thiết bị. Trung tâm kết nối với hệ thống máy chủ đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và hơn 100 camera giám sát an ninh, giao thông và hoạt động tại một số đơn vị hành chính công Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cổng thông tin điều hành thông minh của tỉnh (dieuhanh.namdinh.gov.vn) gồm 10 phần mềm và tích hợp, kết nối với các phần mềm dùng chung trong xây dựng CQĐT của tỉnh. Ứng dụng di động dành cho công chức Nhà nước (IOC Nam Định) được cung cấp trên 2 hệ điều hành di động (Android và iOS) bảo đảm phục vụ tốt việc chỉ đạo, giao việc, giải quyết công việc của cán bộ, công chức trên nền tảng di động. Ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp (Smart Nam Định) được nâng cấp trên 2 nền tảng di động, được cập nhật nhiều cơ sở dữ liệu đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân và yêu cầu giao tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước. Kết quả triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM trên địa bàn tỉnh được Cục Tin học hóa, Cục An toàn thông tin (Bộ TT và TT) đánh giá cao do đáp ứng cơ bản các yêu cầu đặt ra với số điểm 847/1.000. Trong đó, nền tảng ĐTTM đạt 100/100 điểm; trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM đạt 73/100 điểm và mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho ĐTTM đạt 100/100 điểm. 

Những bứt phá thực hiện xây dựng CQĐT đã góp phần quan trọng trong việc cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua. Năm 2019, các chỉ số về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đều tăng bậc so với năm 2018. Trong đó, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tăng 2 bậc; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 2 bậc và chỉ số cải cách hành chính tăng 1 bậc. Đặc biệt, năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng lớn song tỉnh ta vẫn là một trong số ít địa phương trên toàn quốc giữ được ổn định và phát triển so với cùng kỳ. 

Từ kết quả đó, UBND tỉnh tiếp tục xác định, công tác cải cách hành chính, xây dựng CQĐT, ĐTTM tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025. Đây là quyết sách quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta trong công cuộc đổi mới và phát triển, phù hợp với xu hướng chung chuyển đổi số toàn cầu./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com