Ứng dụng công nghệ số trong phát triển tài chính

06:01, 15/01/2021

Tháng 1-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 3-9-2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược. Từ tháng 11-2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã đồng loạt triển khai tuyên truyền giáo dục tài chính (GDTC) thông qua điện thoại di động. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm cung cấp các dịch vụ của Ngân hàng CSXH qua nền tảng kỹ thuật số, giúp cho khách hàng theo kịp với tiến trình triển khai Chính phủ điện tử và dịch vụ công quốc gia. 

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại thông minh.  Bài và ảnh: Đức Toàn
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại thông minh

Những năm qua, bám sát chỉ đạo của Ngân hàng CSXH, Chi nhánh đã tiến hành các bước đi cần thiết để tăng cường phát triển tài chính toàn diện trong cộng đồng khách hàng như: mở rộng tiếp cận khách hàng; tăng cường GDTC; các sản phẩm của Ngân hàng CSXH luôn hướng đến sự thuận tiện cho khách hàng; tăng cường bảo đảm quyền lợi khách hàng và ứng dụng tài chính kỹ thuật số trong hoạt động. Việc triển khai phổ biến ứng dụng GDTC trên điện thoại đến khách hàng được coi là mũi nhọn đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Ứng dụng Ngân hàng CSXH-GDTC được cài đặt trên điện thoại di động thông minh nhằm cung cấp thông tin cho khách hàng về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các dịch vụ tiết kiệm, thanh toán tại ngân hàng, một số mô hình vay vốn điển hình và kiến thức quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, hỗ trợ sản xuất kinh doanh… Bên cạnh đó, ứng dụng còn giúp khách hàng nâng cao hiểu biết về tài chính và phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số, đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn. Thông qua ứng dụng GDTC không chỉ góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của ngân hàng số hiện đại, mà còn góp phần phát triển Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, giúp thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo, cùng các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, GDTC không chỉ góp phần trực tiếp giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của Ngân hàng CSXH, thúc đẩy tài chính toàn diện, mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Ứng dụng gồm 4 phần về các thông tin chung về Ngân hàng CSXH Việt Nam, dịch vụ và ưu đãi của các chương trình tín dụng chính sách, GDTC cá nhân và các mô hình hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh tiêu biểu.

Thời gian qua, tại các buổi giao dịch tại xã định kỳ, cán bộ Ngân hàng CSXH đã tiến hành thu nợ, giải ngân, thu lãi, thu tiết kiệm cho khách hàng; đồng thời, tiến hành triển khai phổ biến ứng dụng GDTC của Ngân hàng CSXH đến các hội, đoàn thể và tổ tiết kiệm và vay vốn, khách hàng. Cán bộ Ngân hàng CSXH sẽ trực tiếp hướng dẫn cài đặt phần mềm ứng dụng, cách thức thao tác, đồng thời giới thiệu về mục đích sử dụng và tính hữu dụng của phần mềm mang lại. Người dùng có thể khai thác thông tin trực tuyến về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các sản phẩm tiết kiệm, các mô hình vay vốn điển hình, dịch vụ mới,… ngay cả tiếp cận kiến thức GDTC như: quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Chị Phạm Thị Hằng ở xóm 2, xã Hải Chính (Hải Hậu) cho biết: “Tôi và nhiều bà con khác trong tổ đã được cán bộ Ngân hàng CSXH hướng dẫn cài đặt phần mềm “NHCSXH-GDTC” trên điện thoại di động. Qua sử dụng, cảm nhận của tôi cũng như nhiều bà con khác là phần mềm dễ sử dụng và cung cấp nhiều thông tin hữu ích. Hiện tại, tôi đang tham khảo nghiên cứu chương trình tín dụng chính sách cho vay về nhà ở để hoàn thiện hồ sơ vay vốn của gia đình”. Việc tìm kiếm và cài đặt phần mềm này khá nhanh chóng, dễ dàng; biểu tượng ứng dụng với logo đặc trưng của Ngân hàng CSXH dễ nhận biết; hình ảnh cụ thể, trực quan phù hợp với từng nội dung, dễ hiểu. Nội dung của phần mềm được chia làm 2 phần là “Giới thiệu về Ngân hàng CSXH” và “Kiến thức quản lý tài chính gia đình” với thiết kế các mục có nội dung ngắn gọn, giúp dễ dàng thao tác tra cứu đảm bảo mọi đối tượng khi cần tìm hiểu đều có thể nhanh chóng nắm bắt được nội dung dễ hiểu, dễ nhớ. Các hộ nghèo và đối tượng chính sách sau khi tra cứu sẽ biết được mình có thể thụ hưởng nguồn vốn của chương trình tín dụng nào và cách thức tiếp cận ra sao. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Chính cho biết: “Các nội dung của ứng dụng cũng hỗ trợ cho Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như khách hàng nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, chính xác giúp cho công tác quản lý tốt hơn và giúp khách hàng không chỉ biết cách tiếp cận mà còn giám sát, thực hiện đúng hơn hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương. Bên cạnh đó, giúp chúng tôi có thể dễ dàng nắm bắt, tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách chi tiết, đầy đủ hơn và làm được mọi lúc, mọi nơi”. Hiện tại, dư nợ cho vay uỷ thác qua Hội Phụ nữ của xã đạt 15,8 tỷ đồng với 495 thành viên vay vốn. 

Hiện tại, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tổ chức tuyên truyền cho 15.156 người trên địa bàn toàn tỉnh, đã có 3.112 người cài đặt ứng dụng. Phấn đấu đến hết năm 2021, sẽ hoàn thành tuyên truyền và cài đặt thành công ứng dụng cho 92.848 người. Việc triển khai tuyên truyền phổ biến sớm của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã góp phần thúc đẩy nhanh mục tiêu thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 3-9-2020 của UBND tỉnh. Theo đó, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác, tiến tới vào năm 2030, mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng; có ít nhất 20 chi nhánh ngân hàng thương mại, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên 100 nghìn người trưởng thành. Ít nhất 50% số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng, không bao gồm điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng CSXH). Ít nhất 25%-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng. Ít nhất 1.800 doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại các tổ chức tín dụng; 53% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng trưởng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt từ 20%-25%/năm. Ít nhất 70% người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com