Tàu Nhật Bản sắp mang mẫu vật ngoài hành tinh về Trái Đất

06:12, 08/12/2020

Tàu Hayabusa2 đã vượt quãng đường dài tổng cộng 5,24 tỷ km để mang 100 g mẫu vật quý từ tiểu hành tinh cổ đại về Trái Đất.

Một năm trước, tàu vũ trụ Hayabusa2 rời khỏi tiểu hành tinh Ryugu ở cách Trái Đất khoảng 300 triệu km. Theo dự kiến, tàu sẽ về tới Trái Đất và thả khoang chứa mẫu vật quý giá xuống phía nam Australia vào ngày 6/12/2020. Nhóm nghiên cứu ở Cơ quan Khám phá Vũ trụ Nhật Bản cho rằng mẫu vật lấy từ bên dưới bề mặt tiểu hành tinh, chứa dữ liệu quý giá do không bị ảnh hưởng bởi bức xạ vũ trụ và những yếu tố môi trường khác.

  Tàu vũ trụ Hayabusa2 sắp hoàn thành nhiệm vụ lấy mẫu vật tiểu hành tinh. Ảnh: JAXA.
Tàu vũ trụ Hayabusa2 sắp hoàn thành nhiệm vụ lấy mẫu vật tiểu hành tinh. Ảnh: JAXA.

Theo Makoto Yoshikawa, quản lý dự án Hayabusa2, các nhà khoa học đặc biệt quan tâm tới việc phân tích vật chất hữu cơ ở mẫu vật đất từ Ryugu. "Vật chất hữu cơ là khởi nguồn của sự sống trên Trái Đất, nhưng chúng tôi vẫn không biết chúng đến từ đâu", Yoshikawa nói. "Chúng tôi hy vọng có thể tìm ra manh mối về nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất bằng cách phân tích chi tiết vật chất hữu cơ do tàu Hayabusa2 đem về".

JAXA lên kế hoạch thả khoang chứa mẫu vật ở khu vực hẻo lánh thưa dân cư ở Australia từ khoảng cách 220.000 km, một thách thức lớn đòi hỏi kiểm soát chính xác. Khoang chứa được bảo vệ bởi tấm chắn nhiệt, sẽ biến thành quả cầu lửa khi rơi qua khí quyển Trái Đất ở độ cao 200 km. Khi cách mặt đất khoảng 10 km, dù sẽ bung ra để chuẩn bị hạ cánh, đồng thời phát tín hiệu dẫn đường thông báo vị trí của nó. Nhân viên JAXA đã thiết lập các đĩa vệ tinh ở vài địa điểm trong khu vực hạ cánh để bắt tín hiệu, cũng như chuẩn bị radar hàng hải, drone và trực thăng nhằm hỗ trợ tìm kiếm và thu hồi mẫu vật. Nếu không có các biện pháp đó, việc tìm kiếm khoang chứa có đường kính 40 cm sẽ vô cùng khó khăn.

Đối với Hayabusa2, đây không phải là kết thúc của nhiệm vụ bắt đầu vào năm 2014. Sau khi thả khoang chứa mẫu vật, tàu sẽ quay trở lại không gian và tiến về phía tiểu hành tinh nhỏ khác mang tên 1998KY26 trong hành trình dự kiến kéo dài 10 năm. Hayabusa2 đã đáp xuống Ryugu hai lần bất chấp bề mặt hết sức gồ ghề, thu thập thành công dữ liệu và mẫu vật trong suốt 1,5 năm sau khi tới nơi vào tháng 6/2018. Trong lần hạ cánh đầu tiên vào tháng 2/2019, tàu thu thập mẫu vật bụi bề mặt. Hồi tháng 7/2020, tàu thu thập mẫu vật dưới bề mặt tiểu hành tinh lần đầu tiên trong lịch sử sau khi đáp xuống miệng hố mà tàu tạo ra từ trước. Các nhà khoa học cho biết có dấu vết carbon và vật chất hữu cơ ở mẫu vật đất. JAXA hy vọng tìm ra manh mối về cách vật chất phân bố trong hệ Mặt Trời thông qua mẫu vật.

Các tiểu hành tinh quay quanh Mặt Trời nằm trong số những thiên thể cổ nhất hệ, do đó, chúng có thể giúp lý giải cách Trái Đất tiến hóa. Tàu vũ trụ mất 3,5 năm để bay tới Ryugu, nhưng hành trình trở về Trái Đất ngắn hơn nhiều do vị trí hiện nay giữa tiểu hành tinh này và Trái Đất.

Theo vnexpress.net



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com