Trung tâm Phục vụ hành chính công: Bước "đột phá" trong cải cách hành chính

08:08, 28/08/2020

Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thời gian qua UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả. Việc thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh là bước “đột phá” trong cải cách hành chính, góp phần đẩy nhanh lộ trình chính phủ điện tử.

Người dân giao dịch hành chính tại Trung tâm Giao dịch hành chính một cửa huyện Giao Thủy.
Người dân giao dịch hành chính tại Trung tâm Giao dịch hành chính một cửa huyện Giao Thủy.

“Hiện đại, tiện ích, cán bộ công chức nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể, trả kết quả đúng hẹn” là đánh giá của nhiều người dân cũng như tổ chức, doanh nghiệp khi đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Bà Trần Bích Ngọc, sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài chia sẻ khi về quê hương: So với nhiều năm trước, Nam Định có sự thay đổi đáng kể về diện mạo. Nhiều công trình, dự án lớn được đầu tư tại các địa phương trong tỉnh đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian nghỉ phép tại quê nhà, tôi đã đến làm một số thủ tục tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và thấy mô hình này đã thực sự văn minh, thuận lợi cho người dân…

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được đưa vào hoạt động, là đầu mối giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của các sở, ngành cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn với hơn 1.100 thủ tục ở hầu hết các lĩnh vực (đầu tư, công thương, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao và du lịch, xây dựng, nội vụ, tài nguyên môi trường, tư pháp, y tế, tài chính, lao động, thương binh và xã hội…). Thay vì người dân phải đến từng cơ quan Nhà nước để giải quyết từng loại thủ tục thuộc các lĩnh vực khác nhau như trước kia thì nay chỉ đến một địa điểm là Trung tâm để được giải quyết toàn bộ các thủ tục liên quan. Trung tâm có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, theo dõi, trả kết quả cũng như giám sát và đánh giá việc giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Với phương châm “Chuyên nghiệp, công tâm, tận tình, chính xác, đúng hẹn”, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm mục tiêu phục vụ, cán bộ công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, trách nhiệm, kỷ cương và có thái độ đúng mực khi giao tiếp; hướng dẫn, giải thích đầy đủ, rõ ràng cho tổ chức, cá nhân khi đến giải quyết TTHC. Các TTHC trước khi đưa vào Trung tâm đều được rà soát, cắt giảm, đơn giản về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục và thời gian giải quyết so với thời gian quy định của pháp luật nên đã tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, công dân. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã công khai 5 TTHC thuộc lĩnh vực vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; sửa đổi 60 TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký thành lập và hoạt động doanh nghiệp; sửa đổi 3 TTHC thuộc lĩnh vực đấu thầu; sửa đổi 16 TTHC; bãi bỏ 5 TTHC thuộc lĩnh vực liên hiệp hợp tác xã. Lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp đã được ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo liên thông giải quyết các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thuế; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Sở Y tế đã tiến hành rà soát, trình UBND tỉnh bãi bỏ 42 TTHC và ban hành 14 TTHC mới trong các lĩnh vực đăng ký khám bệnh, chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các TTHC thuộc thẩm quyền được công khai giải quyết trực tuyến và trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Y tế và các đơn vị. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng các quy định về tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết; quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trách nhiệm của các bộ phận, tổ chức, cá nhân liên quan. Quá trình giải quyết thủ tục được lưu toàn bộ trên hệ thống để có thể theo dõi tiến độ xử lý, xác định hồ sơ đang vướng mắc ở đâu nhằm kịp thời đôn đốc, tháo gỡ và là cơ sở đánh giá mức độ tích cực, hoàn thành nhiệm vụ trong giải quyết TTHC ở từng đơn vị. Hồ sơ chậm, muộn ở đơn vị nào, Trung tâm sẽ đôn đốc, yêu cầu giải trình lý do, có biện pháp khắc phục và xin lỗi bằng văn bản. Đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, Trung tâm đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết trực tuyến các TTHC, đảm bảo không để công việc bị ứ đọng. Hoạt động của Trung tâm không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức đi lại mà còn tăng cường sự công khai, minh bạch, đẩy nhanh tiến độ, phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình giải quyết TTHC; làm thay đổi tích cực mối quan hệ giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Ngoài Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các huyện, thành phố cũng đồng loạt đầu tư trang thiết bị, xây dựng hệ thống “một cửa điện tử” tích hợp với cổng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm giao dịch hành chính “một cửa” để giải quyết mọi nhu cầu về TTHC của người dân và doanh nghiệp. Trung tâm giao dịch hành chính “một cửa” cấp huyện đã thực hiện giải quyết toàn bộ 226 TTHC được phân quyền. Tiêu biểu như các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh. Trung tâm giao dịch hành chính một cửa huyện Giao Thủy được bố trí riêng biệt ở trung tâm huyện, được đầu tư cơ sở vật chất, bố trí cán bộ đủ năng lực, ngoài ra có thêm cán bộ thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cấp chứng nhận đất đai ra làm việc tại Trung tâm. Phần mềm “một cửa điện tử” của huyện liên tục được chuẩn hóa với 10 lĩnh vực, trên 200 TTHC. Hiện tại, 100% TTHC được niêm yết và thực hiện giải quyết hồ sơ qua hệ thống “một cửa điện tử”. Trong đó, có 53 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 54 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã thực hiện gần 73 nghìn giao dịch, trong đó chỉ có 1 hồ sơ quá hạn có lý do và 97 hồ sơ phải trả lại hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Các Trung tâm giao dịch hành chính “một cửa” cấp huyện cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ giải quyết TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp với tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC, trả kết quả đúng hạn luôn đạt trên 99%. Qua hệ thống khảo sát điện tử, đa số người dân và doanh nghiệp đều đánh giá hài lòng và rất hài lòng với tác phong, chất lượng phục vụ tại các Trung tâm. Điều đó khẳng định việc xây dựng các Trung tâm hành chính công trong tỉnh đã tạo bước “đột phá” trong cải cách hành chính, từng bước tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phát triển. Do đó, những tháng đầu năm 2020, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn có 476 doanh nghiệp và 54 chi nhánh, văn phòng đại diện được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 3.694,7 tỷ đồng; không có khiếu kiện về việc chậm giải quyết TTHC, góp phần giữ ổn định an ninh, chính trị./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com