Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi thủy sản

08:08, 07/08/2020

Những năm qua, mặc dù nuôi trồng thủy sản (NTTS) gặp nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu, dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước nhưng sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh vẫn duy trì ổn định, tăng đều qua từng năm. Để có được kết quả trên, các hộ nuôi thủy sản đã tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Hải Chính (Hải Hậu).
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Hải Chính (Hải Hậu).

Nhằm khai thác thế mạnh NTTS, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực thủy sản. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi; đẩy mạnh việc thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế vào NTTS, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay, đối ứng con giống, áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong quá trình chăm sóc. Phối hợp với nhà cung cấp sản phẩm giống, thuốc thú y thủy sản tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nuôi. Hiện nay, hầu hết các hộ nuôi trong tỉnh đã sử dụng chế phẩm sinh học thay cho các loại hóa chất, kháng sinh trong suốt quá trình nuôi ở tất cả các đối tượng nuôi thủy sản, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng và tôm sú để xử lý môi trường ao nuôi, kích thích tăng trưởng thức ăn tự nhiên như tảo, phù du, sinh vật nhỏ làm giảm chi phí thức ăn công nghiệp, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đối tượng nuôi. Nhiều hộ nuôi sử dụng hệ thống máy quạt nước, máy sủi ô-xy trong các ao nuôi làm tăng hàm lượng ô-xy trong nước để thực hiện phương thức nuôi siêu thâm canh, bán thâm canh theo hướng công nghiệp. Ngoài ra, một số chủ nuôi đã ứng dụng công nghệ lắp camera kết nối với điện thoại thông minh để quản lý từ xa an ninh khu vực nuôi cũng như kiểm soát đối tượng nuôi, phát hiện sớm những bất thường khi có thay đổi môi trường, thời tiết trong ao nuôi và các biểu hiện của con nuôi để có hướng xử lý phù hợp, kịp thời. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiệu quả như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính đạt tiêu chuẩn VietGAP của ông Cao Văn Ba, xã Giao Phong (Giao Thủy); mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh Biofloc của ông Nguyễn Lương Bằng, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên bể xi măng của ông Nguyễn Văn Cường, xã Hải Đông (Hải Hậu)… Trong tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Dịch vụ Xuân Hà An, xã Hải Đông (Hải Hậu) trình UBND tỉnh phê duyệt dự án KHCN cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng chất lượng cao áp dụng công nghệ 4.0”. Hiện Công ty đã xây dựng ao bê tông lót bạt cho 10 nghìn m2 ao; đồng thời đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu và đảm bảo tiếp nhận 6 quy trình công nghệ phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ 4.0 là: quy trình công nghệ điều khiển tự động thiết bị cấp khí theo nồng độ ô-xy trong nước; quy trình công nghệ giám sát tự động chất lượng nước nuôi tôm; quy trình công nghệ cấp thức ăn vào trong ao nuôi tôm; quy trình công nghệ quản lý trang trại nuôi tôm; quy trình tầm soát vi khuẩn gây bệnh và quy trình công nghệ xử lý nước nuôi tôm tuần hoàn. Đây là dự án mang tính đột phá để phát triển nghề nuôi tôm ổn định hơn trước dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Hiện nay, các trung tâm, cơ sở sản xuất giống thủy sản cũng đã tiếp cận và hoàn thiện quy trình sản xuất các đối tượng có giá trị kinh tế cao như lươn, cá chạch đồng, ếch Thái Lan, ốc nhồi, ngao, tôm sú, cua biển, cá bống bớp… Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020 của Bộ KH và CN, từ tháng 1-2020, Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú, xã Bạch Long (Giao Thủy) thực hiện dự án “xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi hàu đơn Thái Bình Dương tại tỉnh Nam Định”. Hiện nay, Công ty đã cải tạo hệ thống, xây mới khu cách ly và nuôi vỗ hàu bố mẹ, đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hàu rời. Cán bộ kỹ thuật của Công ty cũng đã được tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật, công nghệ như: xây dựng và vận hành hệ thống, nuôi tảo, tuyển chọn hàu bố mẹ, nuôi vỗ thành thục, sinh sản nhân tạo, ấp nở trứng, ương hàu giống, tạo hàu rời, ương spat (ấu trùng bám) hàu rời, nuôi thương phẩm hàu rời. Dự án thành công sẽ góp phần nâng cao chất lượng hàu giống ở tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung, giảm lệ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu; nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất hàu Thái Bình Dương thương phẩm; góp phần thúc đẩy nghề nuôi hàu Thái Bình Dương phát triển bền vững và hiệu quả. 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng thủy sản nuôi của tỉnh tiếp tục vượt 5,7% cùng kỳ, đạt trên 52 nghìn tấn; sản lượng giống sản xuất ước tính đạt gần 8,7 tỷ con. 

Mặc dù đem lại nhiều kết quả khả quan nhưng theo Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), các mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ thấp. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay của người dân còn hạn chế trong khi nhu cầu kinh phí ban đầu để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ cao, là rất lớn. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng còn nhiều rủi ro nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, doanh nghiệp đầu tư. Một số diện tích NTTS còn gặp khó khăn về nguồn nước cấp và có nguy cơ ô nhiễm môi trường ao nuôi. Quy mô nuôi của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ; hệ thống cấp thoát nước, đường điện, giao thông tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chưa được đầu tư đồng bộ. Nhận thức, trình độ của người dân không đồng đều cũng là một rào cản trong việc tiếp cận với KHCN. Đồng chí Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Hiện nay, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực NTTS chưa được thông tin rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp và địa phương. Do vậy cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin KHCN cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu KHCN vào lĩnh vực thủy sản”.

Thời gian tới, ngành NN và PTNT tiếp tục chủ động, tích cực hợp tác, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học để nhận chuyển giao, áp dụng công nghệ sản xuất giống, phòng trị bệnh, dịch vụ thú y thủy sản, hỗ trợ nghiên cứu thị trường. Tăng cường các lớp tập huấn, phổ biến cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản. Triển khai xây dựng công trình hạ tầng, giám sát môi trường nuôi nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất để kiểm soát dịch bệnh, môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Tiếp tục khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất trang trại cũng như hình thành các HTX chuyên ngành thủy sản để xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com