Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

08:07, 15/07/2020

Những năm gần đây, phong trào nghiên cứu khoa học được hưởng ứng mạnh mẽ trong các trường học và học sinh, sinh viên toàn tỉnh góp phần đổi mới phương pháp, phương tiện kỹ thuật trong các hoạt động giáo dục như: quản lý, giảng dạy, nghiên cứu và học, nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Học sinh thực hành môn Vật lý tại Phòng Thực hành, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định).
Học sinh thực hành môn Vật lý tại Phòng Thực hành, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định).

Tiêu biểu phải kể đến cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) khởi xướng từ năm 2013 đã được Sở GD và ĐT duy trì tham gia liên tục suốt 7 năm qua. Từ đầu mỗi năm học, Sở GD và ĐT đều có công văn hướng dẫn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức cuộc thi KHKT tới các đơn vị giáo dục trong toàn tỉnh. Năm học 2019-2020 là năm thứ 2 Sở GD và ĐT tổ chức kết hợp cuộc thi KHKT với ngày Hội STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) với tên gọi “Ngày hội STEM và cuộc thi KHKT học sinh trung học tỉnh Nam Định”. Đây là sân chơi bổ ích, khuyến khích học sinh say mê sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống, góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, tăng cường giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm. Tham dự cuộc thi cấp tỉnh năm nay có 54 đơn vị dự thi là 10 phòng GD và ĐT, 44 trường trung học với 87 sản phẩm KHKT và 73 sản phẩm STEM thuộc các lĩnh vực tin học và điều khiển; hóa - sinh - y học - môi trường; khoa học xã hội và hành vi; kỹ thuật cơ khí - vật lý. Các đề tài năm nay chú trọng vào các vấn đề nóng, có tính thời sự như “Giải pháp hạn chế đồ nhựa dùng 1 lần” của Trường THCS Đào Sư Tích (Trực Ninh); “Xây dựng văn hóa đọc sách cho học sinh” của Trường THCS Hải Cường (Hải Hậu); “Hệ thống báo động chống quên sót học sinh trên xe” của Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên). Nhiều đề tài mang tính ứng dụng thực tế phục vụ các công việc của người lao động, sản xuất như “Thiết kế hệ thống lọc nước dùng trong hộ gia đình vùng nông thôn trên cơ sở vật liệu nano oxit của kim loại chuyển tiếp” của Trường THPT A Hải Hậu (Hải Hậu); “Máy mài lưỡi cưa tự động” của Trường THCS Yên Thắng (Ý Yên); “Máy tưới thuốc điều khiển từ xa dùng cho ao nuôi thủy hải sản” của Trường THCS Nam Điền (Nghĩa Hưng)… Đặc biệt trong cuộc thi năm nay, một số dự án đầu tư nghiên cứu sâu, sáng tạo, đột phá, có triển vọng giải quyết yêu cầu cấp thiết như “Chế tạo vật liệu thông minh nano biocellulose - chitosan - cốt nghệ tươi - nano” và “Nghiên cứu chuyển gen tạo rễ tơ cây xáo tam phân thông qua agrobacterium rhizogenes k599” của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Kết quả, Ban giám khảo cuộc thi đã chấm, lựa chọn và đề nghị công nhận tổng số 52 giải gồm 4 giải Nhất, 10 giải Nhì, 18 giải Ba, 20 giải khuyến khích; lựa chọn 39 sản phẩm STEM tốt nhất để trao giấy chứng nhận; trao 20 Cờ thi đua cho các đơn vị tổ chức triển khai phong trào đạt kết quả tốt. 

Hiện nay, tỉnh ta đã tổ chức tập huấn phổ cập kiến thức giáo dục STEM cho hơn 1.000 giáo viên các trường chất lượng cao ở các huyện và cụm xã trong tỉnh để vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ở tất cả các huyện đều có ít nhất một phòng thí nghiệm với 6 con robot và giáo viên được dạy về lập trình, chế tạo robot đã qua các khóa đào tạo nâng cao. Đặc biệt, một số trường ở các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường đã cho hàng trăm học sinh học lập trình, chế tạo robot và mở các cuộc thi về robot. Với học sinh phổ thông trung học, việc học theo phương pháp STEM còn có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Khi được học nhiều dạng kiến thức kết hợp với thực hành hay các trò chơi, học sinh sẽ có hứng thú học tập hơn, từ đó, khuyến khích các em có định hướng tốt khi chọn chuyên ngành học đại học. Hiện nay, nhiều trung tâm tiếng Anh trong tỉnh cũng áp dụng dạy học theo phương pháp STEM. Theo đó, học sinh sẽ có các buổi học nhóm cùng làm thí nghiệm khoa học đơn giản, làm các sản phẩm handmade (thủ công) hay tổ chức các tiết mục đóng kịch bằng tiếng Anh để nâng cao khả năng nói và rèn luyện tư duy độc lập. Phương pháp này có sức lôi kéo, thu hút sự chú ý của trẻ, vừa kích thích não bộ tưởng tượng và tăng khả năng ghi nhớ kiến thức, từ vựng... Có thể nói, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong học sinh đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh. Trong Cuộc thi sáng tạo KHKT cấp quốc gia năm học 2019-2020, đoàn Nam Định tham dự 6 dự án thuộc các lĩnh vực hóa - sinh, hệ thống nhúng cơ khí, vật lý thiên văn, phần mềm hệ thống và xã hội - hành vi đã đoạt 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Tư và 4 giải phụ. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tỉnh ta dẫn đầu toàn quốc về điểm trung bình các môn với mức 5,97 điểm. Đặc biệt, hai em Vũ Thị Phương (lớp 12 chuyên Sử) và Đào Trọng Tuấn (lớp 12 Toán 1) Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) là những thủ khoa tiêu biểu của “đất học Thành Nam”. Em Đào Trọng Tuấn cho biết: “Kết quả trên cũng là thành quả của việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giáo dục, đã giúp chúng em phát huy được tính sáng tạo, phát triển năng lực nghiên cứu và nêu cao tinh thần tự học, tự tìm cách giải quyết khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy quá trình tự hoàn thiện bản thân”.

Tiến sĩ Đỗ Thị Hạ, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định cho biết: Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng như vũ bão của các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, của nền kinh tế tri thức, nghiên cứu khoa học đã và đang thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Phát triển khoa học giáo dục hiện đại phục vụ sự nghiệp phát triển GD và ĐT là yêu cầu cấp bách để phát huy chức năng xã hội của khoa học giáo dục. Đổi mới GD và ĐT dựa trên cơ sở khoa học là sự bảo đảm vững chắc cho sự phát triển bền vững của sự nghiệp GD và ĐT nói riêng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com