Đóng góp của ngành Thông tin và Truyền thông trong thực hiện cải cách hành chính

08:06, 30/06/2020

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2020, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã chỉ đạo và triển khai trong toàn ngành thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra. Qua 10 năm, cả 4 nội dung chính gồm: Cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước đều đạt kết quả tích cực đảm bảo tính đồng bộ, góp phần quan trọng vào quá trình CCHC và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.  

Mô hình Đô thị thông minh tỉnh Nam Định do cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ ICT (Hà Nội) xây dựng.
Mô hình Đô thị thông minh tỉnh Nam Định do cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ ICT (Hà Nội) xây dựng.

Rút ngắn từ 30%-50% thời hạn giải quyết thủ tục hành chính

Rút ngắn từ 30%-50% thời hạn giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) so với năm 2010 là mục tiêu quan trọng trong chương trình CCHC của Sở TT và TT. Theo đó Sở TT và TT đã xây dựng kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC phù hợp với Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC của UBND tỉnh và thực tế đơn vị; thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại kết quả thực hiện công tác CCHC hàng năm. Hiện tại 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích và qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Quy trình giải quyết thủ tục theo cơ chế “một cửa” đã được quy định theo tiêu chuẩn ISO: 9001-2008 và ISO: 9001-2015 đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các phòng chuyên môn thuộc Sở. Đặc biệt từ tháng 5-2018, quy trình giải quyết các TTHC của Sở TT và TT đã được đưa lên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http://dichvucong.namdinh.gov.vn giúp cho tổ chức, cá nhân liên hệ làm việc thuận tiện; công khai minh bạch quy trình thực hiện các TTHC trên môi trường internet. Đồng thời thực hiện Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 8-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, Sở đã rà soát, điều chỉnh rút ngắn thời hạn giải quyết, đơn giản về thủ tục. Đến nay, bộ TTHC thuộc thẩm quyền Sở giải quyết chỉ còn 41 danh mục của 4 lĩnh vực: xuất bản, báo chí, bưu chính, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử so với trên 100 danh mục TTHC trước đây; đa số các TTHC đã được rút ngắn từ 30%-50% thời hạn giải quyết so với quy định của pháp luật, bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Góp phần hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước

Hiện đại hóa nền hành chính là nhiệm vụ quan trọng trong CCHC nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Là một trong những đơn vị đầu mối trong thực hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh, Sở TT và TT đã làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của UBND tỉnh về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh. Sở đã tập trung đầu tư hạ tầng CNTT, hệ thống phần mềm quản lý, dữ liệu chuyên ngành, phát triển nguồn nhân lực CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và điều hành của đơn vị; tổ chức triển khai ứng dụng CNTT trên nền tảng xây dựng chính quyền điện tử như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử, Cổng Thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng tại bộ phận “một cửa”, dịch vụ công trực tuyến...; chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Hiện tại, với 13 cán bộ chuyên trách về CNTT hoạt động tại Phòng CNTT, Trung tâm CNTT và Truyền thông, Sở TT và TT đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành tại đơn vị cũng như hỗ trợ các đơn vị, địa phương ứng dụng CNTT trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh của tỉnh. Trên cơ sở hạ tầng CNTT sẵn có, Sở TT và TT đã khai thác hiệu quả các phần mềm được trang bị, đồng thời xây dựng và đưa vào triển khai Dự án phần mềm hệ thống thông tin, báo cáo ngành TT và TT, ứng dụng hiệu quả phần mềm vào hoạt động của cơ quan, giúp đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian, kinh phí trong công tác báo cáo ngành. Trong đó, phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai có hiệu quả trong nội bộ cơ quan; triển khai ứng dụng chữ ký số điện tử; các phần mềm dùng chung, các ứng dụng chuyên ngành đều được áp dụng hiệu quả; 100% hồ sơ dịch vụ công được xử lý dưới dạng điện tử; bảo đảm các tiêu chí về giải quyết hồ sơ dịch vụ công mức độ 3, 4; công tác bảo đảm an toàn thông tin luôn được chú trọng. Đây là cơ sở để Sở TT và TT phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử và đưa vào vận hành thử nghiệm Đô thị thông minh tỉnh. Hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước trên cơ sở triển khai ứng dụng CNTT và áp dụng tiêu chuẩn TCVN 9001:2015 thời gian qua đã nâng cao hiệu quả CCHC, mang tới sự hài lòng cho người dân, tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2019, tỉnh ta đạt 65,09 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và CCHC, đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tăng 2,08 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2018.  

Để công tác CCHC tiếp tục được đẩy mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong giai đoạn tiếp theo, Sở TT và TT tập trung chỉ đạo, triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC; thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn khác về công tác CCHC; rà soát, đơn giản hoá TTHC trong lĩnh vực quản lý của Sở; đề xuất, kiến nghị sửa đổi các TTHC không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong việc giải quyết các TTHC, đặc biệt trong công tác giải quyết tiếp nhận và trả kết quả các TTHC theo cơ chế “một cửa” đảm bảo công khai minh bạch. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác CCHC. Chủ động nghiên cứu ứng dụng CNTT vào công việc chuyên môn. Bên cạnh đó, Sở TT và TT cũng đề nghị UBND tỉnh có văn bản quy định cụ thể trách nhiệm trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, của các cơ quan, đơn vị tại chuyên mục “Hỏi - đáp”, trang “Đối thoại trực tuyến”; “Số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; có cơ chế đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT và truyền thông, khai thác phương tiện internet, mạng xã hội nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về CCHC. Sớm triển khai phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh giúp các đơn vị, địa phương quản lý hồ sơ nhân sự có hiệu quả, giảm chi phí, thời gian, thuận tiện cho việc tra cứu tìm kiếm hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời có thể theo dõi, kết xuất các báo cáo theo yêu cầu./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com