Đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trong mùa mưa bão

08:05, 21/05/2020

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2020, tình hình mưa bão diễn biến bất thường, nhiều nguy cơ xảy ra siêu bão. Để phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông tăng cường nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo mạng lưới thông tin liên lạc an toàn, thông suốt, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây ra. 

Nhân viên Bưu điện tỉnh sắp xếp bưu gửi chuyển phát cho khách hàng.  Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Nhân viên Bưu điện tỉnh sắp xếp bưu gửi chuyển phát cho khách hàng. 

Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, Sở TT và TT xây dựng kế hoạch đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) của ngành năm 2020; thành lập Ban Chỉ huy PCTT, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành chủ động xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc, thực hiện các phương án khắc phục thiên tai. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn chủ động phương án PCTT và TKCN của đơn vị, phân công cán bộ trực, ứng cứu sự cố; kiểm tra, rà soát, củng cố hạ tầng thông tin như: các tuyến truyền dẫn, hệ thống ăng ten, thiết bị chống sét… đảm bảo hoạt động tốt trong điều kiện mưa, bão. Ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới và đảm bảo thông tin liên lạc cho các huyện ven biển, nhất là các tàu khai thác hải sản gần bờ. Các doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị máy phát điện dự phòng cho tất cả các trạm phát sóng; 5 xe thông tin di động GSM; 2 xe thông tin lưu động; 2 thiết bị vô tuyến điện sóng ngắn Codan, 2 thiết bị viễn thông di động vệ tinh Inmarsat cùng các thiết bị khác như máy điện thoại, các loại sim, card, ô tô, xe máy, nhiên liệu, cột bê tông, áo phao, dây súp, áo mưa, đèn pin, trang phục bảo hiểm… Chủ động xây dựng phương án đảm bảo thông tin thông suốt theo từng khu vực, trọng điểm cần ưu tiên duy trì, cung cấp thông tin như: Thông tin liên tỉnh, nội tỉnh; thông tin liên lạc cho các trạm thu phát sóng di động, các kênh thuê riêng BTS; thông tin nội hạt, thông tin các xã ven biển; thông tin phục vụ cứu hộ cứu nạn và thông tin các vùng có siêu bão… Chuẩn bị các phương án khôi phục sớm nếu xảy ra tình huống mưa bão làm gián đoạn thông tin liên lạc, phục vụ tốt nhất yêu cầu chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục đời sống, sản xuất của nhân dân và các đơn vị, tổ chức trên toàn tỉnh; chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng yêu cầu PCTT và TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong bất cứ tình huống thiên tai nào xảy ra. Trong đó, Công ty Viễn thông Nam Định VNPT đảm bảo thông tin liên lạc bằng hệ thống viễn thông cố định mặt đất đến trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, trung tâm Chỉ huy PCTT và TKCN tại các trạm canh đê, đặc biệt là các khu vực xung yếu, trọng điểm (26 vị trí trọng điểm) tại khu vực cống lấy nước, tuyến đê sông, đê biển; duy trì tối đa hệ thống viễn thông di động mặt đất. Khi không liên lạc được bằng hệ thống viễn thông di động mặt đất thì sử dụng hệ thống viễn thông vô tuyến điện sóng ngắn phục vụ cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để liên lạc với Ban chỉ huy PCTT Trung ương. Chuẩn bị sẵn các thiết bị chuyên dùng gồm: Xe thông tin lưu động và 2 bộ thiết bị viễn thông di động vệ tinh (Immarsat); 1 máy vô tuyến sóng ngắn phục vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho đoàn công tác của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và huyện xảy ra thiên tai. Di chuyển trạm BTS lưu động ứng cứu thông tin phục vụ công tác PCTT và TKCN. Viettel Nam Định triển khai lắp đặt 1 trạm thu phát sóng thông tin di động lưu động tại trụ sở UBND tỉnh; 2 trạm dự phòng phục vụ ứng cứu thông tin cho công tác PCTT và TKCN theo điều động của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, ngành khi có khả năng xảy ra bão mạnh, siêu bão. Sử dụng xe thông tin chuyên dùng và thiết bị đầu cuối phục vụ đoàn công tác của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo yêu cầu. Phối hợp với Viễn thông Nam Định thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành PCTT của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh và chính quyền các cấp. Các doanh nghiệp viễn thông khác tổ chức thông báo thường xuyên tình hình, diễn biến của thiên tai qua hệ thống tin nhắn cho các thuê bao điện thoại sử dụng dịch vụ viễn thông di động của mình. Đảm bảo an toàn thông tin mạng lưới của đơn vị, sẵn sàng chuyển vùng cuộc gọi với các mạng viễn thông khác; chủ động phối hợp trong việc ứng cứu thông tin và khắc phục sự cố khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban chỉ huy PCTT và TKCN ngành. Bưu điện tỉnh chủ động chuẩn bị nhân lực, phương tiện, xây dựng dựng tuyến đường thư an toàn để đảm bảo lộ trình các chuyến thư, công văn không bị gián đoạn. Trong trường hợp đường thư bị tắc, ngập lụt phải tổ chức các tuyến đường thư vòng, tránh và phương tiện dự phòng để lưu thoát, bảo đảm an toàn về con người, bưu phẩm, không để xảy ra mất mát, ứ đọng; bố trí lực lượng ứng cứu, sẵn sàng phục vụ theo cấp báo động để chuyển công văn, mệnh lệnh hỏa tốc khi thông tin liên lạc bằng điện thoại không thực hiện được.

Với phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, an toàn hiệu quả”, ngành TT và TT và các đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhằm bảo đảm nguyên tắc “4 tại chỗ” trong PCTT và TKCN, đảm bảo an toàn thông tin, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt đối với xu hướng sử dụng phương pháp điều hành trực tuyến, làm việc trực tuyến như hiện nay./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com