Đột phá trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử ở Giao Thủy

08:02, 28/02/2020

Để đẩy mạnh cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, huyện Giao Thủy đã tập trung thực hiện đồng bộ các chương trình phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Đến nay, 100% xã, thị trấn của huyện đã vận hành tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ.

Cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin cập nhật nội dung trên Trang thông tin điện tử huyện.
Cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin cập nhật nội dung trên Trang thông tin điện tử huyện.

Là huyện ven biển, mặt bằng dân trí chưa đồng đều nên ban đầu Giao Thủy gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc chuyên môn. Song, với quyết tâm thúc đẩy ứng dụng CNTT, năm 2019, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử huyện và ban hành Kế hoạch số 531/KH-BCĐ ngày 11-7-2019 về triển khai đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử… Trong đó, huyện tập trung thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, cấp thiết; khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ CNTT. Tiếp tục duy trì và vận hành khai thác có hiệu quả Cổng thông tin điện tử của huyện cung cấp thông tin kịp thời, chính xác tới cán bộ, công chức, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài huyện về các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, thông tin đầu tư, các chủ trương, chính sách mới của Trung ương, của tỉnh và huyện. Đầu tư xây dựng hệ thống “Một cửa điện tử” tích hợp dịch vụ hành chính công trực tuyến tại Trung tâm giao dịch hành chính một cửa UBND huyện và UBND các xã, thị trấn nhằm nâng cấp mức độ phục vụ dịch vụ công trực tuyến. Rà soát, thống kê lại các TTHC công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của huyện, chuẩn bị các bước tiến hành cung cấp dịch vụ hành chính công ở mức độ 3 và 4 tới các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp. Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu phục vụ triển khai hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử”, hệ thống truyền hình hội nghị. Huyện đã tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, tổ chức tập huấn CNTT cho cán bộ, công chức cấp huyện và xã; đồng thời chọn một số đơn vị làm điểm ứng dụng CNTT để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Đến nay, ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng CNTT cơ bản, huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống “một cửa điện tử” tích hợp với cổng dịch vụ công trực tuyến cấp huyện theo mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh để giải quyết mọi nhu cầu về giải quyết TTHC của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp toàn bộ 226 TTHC cấp huyện, trong đó có 134 thủ tục mức độ 3, 4. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC, trả kết quả đúng hạn đạt trên 97%. Năm 2019, huyện đã xây dựng thành công hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cho các xã, thị trấn với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng đảm bảo kết nối từ huyện đến các xã, thị trấn. Các hệ thống phần mềm dùng chung tiếp tục được triển khai, nhân rộng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng mục tiêu đề ra. Trong đó, Cổng thông tin điện tử của huyện được chuẩn hóa theo các quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Đặc biệt trang thông tin điện tử của huyện ngoài các thông tin theo quy định, huyện còn công khai thông tin cá nhân của các đồng chí trong thường trực huyện ủy, HĐND, UBND huyện, chuyên viên tất cả các cơ quan chuyên môn và cán bộ, công chức 22 xã, thị trấn trong huyện để người dân và doanh nghiệp liên hệ, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết công việc. Tại xã Hồng Thuận, đơn vị làm điểm xây dựng chính quyền điện tử cấp xã đã được đầu tư, hệ thống máy tính có cấu hình cao, đáp ứng yêu cầu tích hợp các phần mềm dùng chung của tỉnh và huyện. Xã bố trí bộ phận hành chính một cửa đảm bảo đủ diện tích, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ phụ trách. Do đó mặc dù là xã có dân số đông trên 10 nghìn người, trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến làm TTHC nhưng tất cả đều được giải quyết trong ngày. Đồng chí Nguyễn Viết Sự, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc địa phương là hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Ngoài tiện ích xử lý công việc nhanh, chính xác, tính minh bạch cao thì ứng dụng CNTT còn giúp mỗi cán bộ, công chức hình thành ý thức tự học hỏi nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình. Trong năm 2020, xã tiếp tục đầu tư thêm thiết bị và cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC cấp độ 3, 4 để nhanh chóng hình thành thế hệ công dân thông minh theo mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử mà UBND tỉnh đã đề ra.

Mặc dù đã có những đột phá trong ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng hiện tại huyện Giao Thủy vẫn còn nhiều khó khăn như việc liên thông, kết nối hệ thống “một cửa điện tử” của tỉnh với hệ thống “một cửa điện tử” của các bộ, ngành chưa thực hiện được; hoạt động ứng dụng CNTT tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm thường xuyên. Việc quản lý điều hành ở nhiều xã vẫn theo phương thức truyền thống, chưa khai thác hết hiệu quả các hệ thống phần mềm công nghệ được đầu tư. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ của tỉnh còn thấp. Để đạt được những mục tiêu triển khai ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin, đặc biệt là việc xây dựng đô thị thông minh, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện theo định hướng ứng dụng CNTT kết hợp với cải cách TTHC; tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tạo môi trường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Nhà nước trên cơ sở kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh; triển khai xây dựng một số thành phần cơ bản của đô thị thông minh; tập trung thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ứng dụng CNTT, Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành đối với thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, minh bạch thông tin; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành trong các cơ quan, đơn vị. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm cung cấp các kỹ năng cần thiết cho cán bộ, công chức từ cấp huyện đến xã; đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn, triển khai các ứng dụng dùng chung và dùng riêng. Ngoài ra, UBND huyện yêu cầu các ngành, các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo việc quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm phù hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tập trung chỉ đạo, định hướng, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn huyện nhằm sớm hiện thực hóa chính quyền điện tử./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com