Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo

07:02, 06/02/2020

Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy và quản lý giáo dục đã được Sở GD và ĐT đặc biệt quan tâm. Đến nay, Sở GD và ĐT đã ứng dụng khai thác hệ thống Quản lý thông tin trường học (SMAS, VNEdu); xây dựng cơ sở dữ liệu ngành (PMIS), đồng thời hoàn thiện cơ sở dữ liệu về học sinh. Hoạt động quản lý, điều hành được thực hiện qua hệ thống tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của các huyện và của Sở GD và ĐT; 10/10 Phòng GD và ĐT và 100% cơ sở giáo dục có website, có kênh điều hành riêng để triển khai công tác hành chính. 100% trường học trong tỉnh đã triển khai các ứng dụng quản lý giáo dục; tin học hóa quản lý trường học theo hướng ứng dụng các công cụ trực tuyến, công cụ quản lý của cơ quan chủ quản (quản lý giáo viên, học sinh, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử). Đây là những ứng dụng triển khai theo định hướng giáo dục thông minh. Tuy nhiên những ứng dụng này còn rời rạc, chưa kết nối thành một tổng thể thống nhất. Hệ thống công nghệ thông tin chưa trực tiếp phục vụ cán bộ lãnh đạo trong công tác chỉ đạo điều hành; hạ tầng CNTT kết nối giữa các phòng, ban chuyên môn trong Sở, giữa Sở với các đơn vị trực thuộc chưa được hoàn thiện; tính bảo mật, an ninh thông tin chưa cao. 

Ứng dụng mô hình thư viện điện tử tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định).
Ứng dụng mô hình thư viện điện tử tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định).

Trong lộ trình xây dựng đô thị thông minh, UBND tỉnh đã chọn GD và ĐT là một trong những ngành mũi nhọn được quan tâm hỗ trợ ứng dụng CNTT với dự án: “Xây dựng Trung tâm điều hành GD và ĐT”. Trung tâm điều hành GD và ĐT cấp tỉnh có tổng mức đầu tư 165 tỷ đồng, xây dựng trên cơ sở nâng cấp hạ tầng CNTT, ứng dụng quản lý giáo dục sẵn có để thiết lập hệ thống phần mềm quản lý trường học thông minh liên thông các chiều ngang, dọc trong ngành, đảm bảo đáp ứng các tính năng cơ bản là báo cáo, hiển thị hình ảnh, phân tích, cảnh báo và điều hành công việc đối với từng đối tượng liên quan. Trong đó, nhà quản lý có thể xem báo cáo văn bản, hình ảnh từ vi mô tới vĩ mô gồm các hạng mục như: Báo cáo tổng hợp; báo cáo khẩn cấp (thông tin báo cáo các tình huống khẩn cấp thuộc về tự nhiên, về kỹ thuật, về xã hội, về sinh học trong ngành Giáo dục); báo cáo thông tin tình hình giáo dục trên địa bàn tỉnh, toàn quốc và quốc tế; báo cáo so sánh, phân tích, dự báo về tình hình học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tỷ lệ giáo viên/học sinh, tỷ lệ học sinh/lớp học, chất lượng giảng dạy, phổ điểm theo trường, lớp, huyện, toàn thành phố, các cơ sở giáo dục trên địa bàn… Từ đó nhà quản lý nắm được toàn bộ thông tin để có thể đưa ra quyết định quản lý, điều hành kịp thời, hiệu quả nhất với tình hình, diễn biến GD và ĐT thực tế. Với giáo viên, Trung tâm điều hành GD và ĐT giúp họ tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ (kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm); sử dụng kho dữ liệu “Ngân hàng câu hỏi” các môn học của các cấp học từ mầm non tới lớp 12; quản lý thông tin học sinh, theo dõi điểm số, chất lượng học tập của học sinh; trao đổi giáo viên - giáo viên, giáo viên - học sinh, giáo viên - phụ huynh. Với học sinh, qua Trung tâm điều hành GD và ĐT sẽ được tham gia các chương trình luyện thi, kiểm tra đánh giá năng lực; tìm kiếm tài liệu và trao đổi thông tin hai chiều với các thầy cô giáo, nhà quản lý. Với phụ huynh khi truy cập vào Trung tâm điều hành GD và ĐT có thể nắm bắt các thông tin về học tập của học sinh; thông tin, thông báo 2 chiều trong ngành giáo dục; đóng góp ý kiến, kiến nghị, đề xuất và trao đổi với tất cả các thành phần có liên quan. Trung tâm điều hành GD và ĐT sẽ được kết nối và tích hợp với Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh cũng như các Trung tâm điều hành của các sở, ngành trên cơ sở chia sẻ dữ liệu để đảm bảo đồng bộ, hạn chế chồng chéo thông tin. Ngược lại, các ứng dụng dùng chung của tỉnh trong các lĩnh vực có liên quan đến phạm vi quản lý, điều hành của Sở GD và ĐT sẽ được chia sẻ phục vụ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh thông qua nền tảng tích hợp. Để đáp ứng yêu cầu này, trên cơ sở hạ tầng CNTT sẵn có, Trung tâm điều hành GD và ĐT tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục chính như: Hệ thống máy tính, âm thanh, màn hình hiển thị tại phòng điều hành; nền tảng liên thông chuyên ngành; tiến hành số hóa và làm sạch dữ liệu hiện có (tổng hợp dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, chuyển đổi dữ liệu và đồng bộ dữ liệu ngành); hệ thống phần mềm điều hành thông minh; hệ thống báo cáo, hệ thống chỉ đạo điều hành, tiện ích cho người dùng cuối và đảm bảo an toàn an ninh mạng. Bên cạnh việc xây dựng Trung tâm điều hành GD và ĐT, Sở GD và ĐT tập trung triển khai mô hình trường học thông minh để đáp ứng yêu cầu quản lý, giảng dạy, học tập theo quy chuẩn hiện đại với 6 tiêu chí: Hạ tầng CNTT; hệ thống phòng học thông minh; hệ thống ứng dụng CNTT; hệ thống đào tạo trực tuyến; hệ thống kho học liệu số. Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) là một trong những trường tham gia chương trình xây dựng trường học thông minh, đã được đầu tư bài bản, gồm hạ tầng CNTT; phòng học tiên tiến với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như máy tính nối mạng, bảng tương tác; phòng tin học, ngoại ngữ, thi trắc nghiệm; thiết bị thực hành thí nghiệm; phòng thư viện; phòng học theo phương pháp STEM; phòng họp và môi trường đào tạo trực tuyến; hệ thống camera giám sát; hệ thống thông tin giáo dục của nhà trường; hệ thống thông tin quản lý giáo dục... Hiện tại, nhà trường đang thực hiện quản lý giáo dục, dạy và học trên nền tảng ứng dụng CNTT với những phần mềm tiên tiến như phần mềm quản lý lớp học Faronics Insight, Activlnspire (phần mềm quản lý lớp học), Top Hat (tạo nên các bài giảng có tính tương tác cao), Schoology, classdojo (kết nối học sinh, phụ huynh và các giáo viên), Plicker (kiểm tra trắc nghiệm, phân loại kiến thức học sinh); đồng thời xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Giáo viên thường xuyên áp dụng bài giảng e-Learning trong dạy học, ứng dụng các phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học. Học sinh được tiếp cận với việc học trong môi trường trực tuyến, có CNTT hỗ trợ, tương tác đã thúc đẩy tư duy sáng tạo, kích thích nhu cầu rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm.

Chú trọng ứng dụng CNTT đã giúp ngành GD và ĐT nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trong bối cảnh cách mạng công nghệ phát triển nhanh và mạnh, toàn cầu hóa bùng nổ, đóng góp tích cực vào lộ trình xây dựng đô thị thông minh của tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com