Khoa học công nghệ - Một năm nhiều "dấu ấn"

04:01, 09/01/2020

Năm 2019, ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục chuyển động tích cực và dần trở thành động lực trực tiếp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương, góp phần vẽ lên những gam màu sáng vào bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, nổi bật là 3 “dấu ấn”: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao giá trị chuỗi nông sản; “phủ sóng” Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 tại các cơ quan hành chính Nhà nước; khởi động Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị.

Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao giá trị chuỗi nông sản hàng hóa

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ đã có sự gắn bó chặt chẽ với sản xuất, đời sống, nhu cầu xã hội, góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất và dịch vụ. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định” nhằm đề xuất các giải pháp phát triển các chủ thể chính của sản xuất nông nghiệp ở tỉnh là kinh tế hộ, trang trại, các hợp tác xã, doanh nghiệp và cốt lõi là xây dựng liên kết giữa các chủ thể trong hình thành chuỗi giá trị sản phẩm. Kết quả này góp phần vào thành công bước đầu trong hơn 5 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm tổ chức, cá nhân tham gia tích tụ ruộng đất và xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất, trong đó một số chuỗi có sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại chế biến sâu nông sản, thực phẩm cho sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điển hình là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân (Ý Yên) phát triển quy mô chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo sạch chất lượng cao lên trên 800ha và đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo có công suất 30 nghìn tấn/năm; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Biển Đông (Hải Hậu) đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy giết mổ lợn với dây chuyền giết mổ lợn tự động đồng bộ được nhập khẩu từ Hàn Quốc với công suất 300 con/giờ; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy) đầu tư hệ thống máy sấy trên 5 tỷ đồng phục vụ chế biến, bảo quản thủy sản sau thu hoạch… Các chuỗi liên kết này giúp doanh nghiệp và nông dân thuận lợi hơn trong ứng dụng khoa học công nghệ theo quy mô lớn để tăng giá trị sản phẩm và nâng cao lợi nhuận. Sở Khoa học và Công nghệ còn tranh thủ các nguồn vốn từ các dự án đầu tư công nghệ để thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ cho hàng hóa chủ lực địa phương ở các chương trình hỗ trợ cấp quốc gia. Tiêu biểu là các sản phẩm: cá bống bớp Nghĩa Hưng, nông sản sấy ăn liền Minh Dương, chả cá Hùng Vương, ngao sạch Lenger, ngao sạch Giao Thủy, muối biển sạch Royal… Những “đặc sản” tiêu biểu được trợ lực phát triển thương hiệu này đã góp phần tạo dựng thị trường và nâng cao giá trị kinh tế cho nhiều địa phương trong tỉnh.

Trồng rau theo phương pháp thủy canh tại xã Hải Cường (Hải Hậu).
Trồng rau theo phương pháp thủy canh tại xã Hải Cường (Hải Hậu).

Nỗ lực áp dụng ISO xây dựng nền hành chính hiện đại

Để góp phần nâng cao PCI và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã tập trung thực hiện các giải pháp khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ các cấp, các ngành trong tỉnh cải thiện môi trường làm việc đảm bảo thông thoáng, minh bạch hơn, tăng năng lực thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vào địa bàn. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp cải thiện tiêu chí thành phần “Tỷ lệ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện công bố ISO 9001 theo quy định; tỷ lệ các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện thực hiện đúng việc duy trì, cải tiến ISO 9001 theo quy định” thuộc tiêu chí áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 của lĩnh vực hiện đại hóa hành chính trong bộ tiêu chí cải cách hành chính. Đến nay, toàn tỉnh đã có 46 sở, ban, ngành, các chi cục trực thuộc sở; UBND các huyện, thành phố và 60 xã, phường, thị trấn xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống này vào các hoạt động của đơn vị mình. Việc áp dụng ISO vào hoạt động của các cơ quan hành chính đã giúp các đơn vị tự kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ, thời gian hoàn thành công việc, nâng cao khả năng giải quyết công việc theo đúng trình tự, thời gian. Phương pháp chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đơn vị từng bước đổi mới theo hướng hiện đại hóa, kiểm soát chặt chẽ quá trình xử lý công việc, đảm bảo theo đúng tiến độ, quy định của Nhà nước. Trách nhiệm của các cán bộ, công chức cũng được phân công, phân cấp rõ ràng, tránh tình trạng đùn đẩy; trình độ về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao; hoạt động quản lý hành chính của các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã có nhiều chuyển biến tích cực; hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước được nâng cao rõ rệt; thái độ giao tiếp với người dân ngày càng chuyên nghiệp, gần gũi, thân thiện hơn; năng lực của cán bộ, công chức được đánh giá chính xác hơn thông qua việc xử lý các công việc được giao. Đây cũng là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc xây dựng nền hành chính hiện đại.

Đưa Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị vào hoạt động

Từ năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Xây dựng Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định”, giao Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện với các hạng mục chính là: Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến (sàn ảo); khu trưng bày, tư vấn, quảng bá công nghệ thiết bị (sàn thực); khu hỗ trợ sáng tạo khởi nghiệp và đào tạo quản trị Sàn, marketing, tư vấn nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức giao thương công nghệ và thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định. Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh hiện đang hoàn thiện, một số bộ phận đã bắt đầu hoạt động từ tháng 8-2019 như Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến với tên miền là htpp://ndtex.vn. Hiện đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia chào bán công nghệ, thiết bị, dịch vụ trên ndtex.vn. Hiện các hạng mục còn lại đang tiếp tục được hoàn thiện cơ sở vật chất, đưa “sàn thực” đi vào hoạt động. Đồng chí Lưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị cho biết: mục tiêu của Sàn là một đầu mối của tỉnh góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển thị trường công nghệ tỉnh, tạo cầu nối giúp các doanh nghiệp, nhà khoa học tương tác để đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị… góp phần tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Năm 2019, tỉnh ta là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên trên cả nước được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, về đích sớm 1,5 năm; đạt và vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, đặc biệt là việc siết chặt đầu tư công. Những “dấu ấn” ứng dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả rõ rệt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đó là nền tảng quan trọng để trong năm mới - năm cuối của nhiệm kỳ, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh tiếp tục đề xuất, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đưa nhanh các thành tựu ứng dụng phục vụ sản xuất và đời sống lập thành tích xuất sắc nhất chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh, khẳng định vai trò của khoa học công nghệ trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đúng như định hướng của Đảng và của tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com