Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật

07:10, 22/10/2019

Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử và tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức giáo dục pháp luật, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021” với mục tiêu khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ thông tin để cải thiện điều kiện tiếp cận giúp người dân và xã hội sử dụng, khai thác một cách thuận lợi hệ thống thông tin pháp luật được số hóa; kết nối, chia sẻ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời. 

Cán bộ xã Hải Thanh (Hải Hậu) ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn tài liệu tuyên truyền Luật Đất đai cho nhân dân.
Cán bộ xã Hải Thanh (Hải Hậu) ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn tài liệu tuyên truyền Luật Đất đai cho nhân dân.

Để đạt các mục tiêu, 5 nhiệm vụ chính Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021” đặt ra cho các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện là: tăng cường phối hợp cung cấp, tích hợp thông tin, số liệu phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp có kết nối với Cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Bộ Tư pháp. Tổ chức sản xuất các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm phổ biến, giáo dục pháp luật để đăng tải trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời cập nhật quản lý Tủ sách Pháp luật điện tử quốc gia để cung cấp tài liệu tuyên truyền pháp luật đến toàn thể nhân dân. Về nhân lực cho thực hiện Đề án, hiện các ngành chức năng đang tập trung rà soát, củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động chuyên gia công nghệ thông tin tham gia chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật. Khuyến khích, huy động cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, các luật sư, luật gia, nhà khoa học... tham gia tư vấn, giải đáp pháp luật, trao đổi, thảo luận, bình luận, phổ biến, giảng dạy pháp luật trực tuyến theo phương thức xã hội hóa cho nhân dân. Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với nền tảng cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng hệ thống trả lời tự động trong tổ chức, quản lý, khai thác, phát huy cơ sở dữ liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng, ứng dụng các công nghệ mới nhất với các phân hệ cụ thể, tích hợp mạng xã hội để tạo lập kênh thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật chính thống. Xây dựng cổng hoặc trang thông tin điện tử theo công nghệ hiện đại, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử; tích hợp các loại thông tin đa phương tiện, các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ việc dành nguồn lực xây dựng, thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ đến việc duy trì vận hành hiệu quả các trang thông tin điện tử hoặc chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật. Khảo sát, đánh giá hiệu quả, tác động từ ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật để có giải pháp điều chỉnh, bổ sung, kịp thời xây dựng và nhân rộng mô hình. Trong đó, Sở Tư pháp chủ trì, hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng, vận hành, quản lý, khai thác Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật kết nối với Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ việc duy trì, vận hành trang thông tin điện tử hoặc chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương; phối hợp với các cơ quan truyền thông, các địa phương đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức về yêu cầu phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, củng cố và hình thành thói quen chủ động, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật trên internet... 

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật của các ngành, các địa phương sẽ tạo thêm công cụ cải thiện đắc lực điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật cho toàn thể nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện sống và làm việc theo pháp luật./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com