Giao Thủy đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế biển

07:09, 18/09/2019

Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, tiềm năng phát triển kinh tế biển của huyện Giao Thủy rất phong phú. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phát triển lực lượng khai thác xa bờ, nuôi trồng, chế biến thủy sản theo hướng hiện đại, đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.

Chế biến tép moi tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến thủy hải sản Hùng Vương (Giao Thủy).
Chế biến tép moi tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến thủy hải sản Hùng Vương (Giao Thủy).

Cùng với các chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản của Trung ương, của tỉnh, huyện Giao Thủy chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến khích, động viên ngư dân nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu thuyền, máy móc, ngư cụ, hỗ trợ kinh phí mua dầu, đóng mới tàu thuyền, mua bảo hiểm cho thuyền viên, bảo hiểm thân tàu cho ngư dân theo Quyết định số 289/QĐ-TTg ngày 18-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, huyện đã thực hiện dự án khoa học công nghệ “Đóng mới và sửa chữa tàu thuyền gỗ phục vụ nghề cá, đánh bắt ven biển huyện Giao Thủy” tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Hải Tiến, thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) với mục tiêu giúp ngư dân nâng cấp, cải hoán và đóng mới tàu vỏ gỗ với giá thành hợp lý, chịu được nước mặn của biển, độ bền cao, khi bị hỏng dễ sửa chữa, chi phí sửa chữa thấp. Đến nay, toàn huyện có 862 tàu cá, trong đó có 356 tàu công suất từ 20CV trở lên, có 7 tàu đóng theo chương trình Nghị định 67 của Chính phủ. Ông Lê Hữu Hoàng, ngư dân xã Giao Thiện cho biết: Từ khi Nghị định 67 được triển khai, tôi chuyển sang tàu vỏ thép có trang thiết bị hiện đại, khả năng chịu đựng sóng gió tốt nên có thể khai thác xa bờ, hoạt động dài ngày trên biển, kết quả đánh bắt cao hơn hẳn. Hiện nay, cơ cấu đội tàu ở Giao Thủy được chuyển dịch tăng số lượng tàu công suất lớn, khai thác xa bờ có trang bị la bàn, máy thông tin liên lạc, bộ đàm, máy định vị vệ tinh, hầm cách nhiệt bảo quản sản phẩm. Một số tàu cá còn có thiết bị được cài đặt sẵn các phần mềm dự báo thời tiết, dự báo thiên tai được cập nhật thông tin liên tục và hướng dẫn hướng tránh bão, áp thấp nhiệt đới, cảnh báo những lúc sắp có thời tiết xấu. Ngoài ra, có tàu còn sử dụng máy siêu âm dò cá giúp ngư dân giảm thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác.

Trong nuôi trồng thủy sản, huyện Giao Thủy chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện và nhà cung cấp sản phẩm giống, thuốc thú y thủy sản tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nuôi. Nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về con giống, phương thức nuôi thả, đưa các loại con nuôi có giá trị (cá song, cá vược, cá hồng mỹ, cá bống bớp, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh) vào nuôi thâm canh, bán thâm canh, nuôi ghép theo phương châm “đa dạng hóa đối tượng nuôi và hình thức nuôi”. Ngoài ra, các hộ còn tích cực sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, vừa kích thích tăng trưởng nguồn thức ăn tự nhiên (tảo, phù du, sinh vật nhỏ) trong môi trường nuôi, vừa giảm chi phí thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa tồn lưu trong ao, làm trong sạch môi trường, giảm dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho con nuôi. Về sản xuất con giống, nhiều cơ sở đã ứng dụng kỹ thuật mới sản xuất thành công giống các đối tượng nuôi có giá trị cao như: ngao, hàu, tôm và các giống thủy sản khác đáp ứng nhu cầu nuôi tại chỗ, giảm đáng kể chi phí đầu tư và chất lượng con giống được đảm bảo an toàn hơn khi nhập từ các tỉnh ngoài vào. Tiêu biểu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nuôi trồng, chế biến thủy sản Liên Phong (Giao Phong) sản xuất giống và nuôi thành công ốc hương là hải sản được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Trước đó, Công ty đã thực hiện thành công dự án áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giống sò huyết; đồng thời sản xuất các giống thủy sản như: ngao, cua, cá bống bớp và tôm sú phục vụ nhu cầu nuôi thả của các hộ dân trong và ngoài tỉnh. Việc đưa vào sản xuất và nuôi thả thành công các giống ốc hương, sò huyết mở ra triển vọng phát triển ổn định, bền vững, đa dạng con nuôi trong lĩnh vực thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nuôi. Cùng với sự phát triển của nuôi trồng và khai thác, nghề chế biến hải sản có đổi thay tích cực ở sản phẩm truyền thống chủ yếu và sản phẩm mới gồm nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô, sứa mặn, sứa ăn liền tập trung ở các xã Giao Châu, Giao Yến, Giao Hải, Giao Thiện... Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến thủy hải sản Hùng Vương, xã Giao Hải đã đầu tư phương tiện, máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất, chế biến các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng và xuất khẩu. Hiện 8 sản phẩm chế biến của Công ty là chả cá, tép moi, chả mực, tôm nõn khô, tôm nõn hấp, tôm nõn tươi, cá tẩm gia vị, nõn bề bề đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Vừa qua, Công ty đầu tư dây chuyền sấy tôm, tép khô trị giá gần 8 tỷ đồng theo công nghệ của Hồng Kông, sản lượng sấy tối đa lên tới 5 tấn sản phẩm/ngày. Đây là hệ thống hoàn toàn tự động khép kín quá trình chế biến từ nguyên liệu đến ra thành phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, giảm tối đa nhân công sản xuất thủ công so với trước đây.  

Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế biển, sản lượng nuôi trồng hàng năm của huyện Giao Thủy đạt khoảng 40 nghìn tấn; năm 2018, tổng giá trị sản xuất thủy sản là 2.500 tỷ đồng, chiếm 55,6% giá trị ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; lựa chọn các đối tượng có giá trị cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, trong đó tập trung vào các đối tượng như tôm, ngao, cá bống bớp và xây dựng khu bảo tồn ngao bản địa. Tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản, khuyến khích phát triển đội tàu có công suất lớn, khai thác xa bờ, giảm dần đội tàu khai thác gần bờ để bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến tôm, cá, ngao, sứa biển, nước mắm truyền thống nhằm nâng cao giá trị sản phẩm./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com